14/05/2024 09:29 GMT+7

Phân luồng sau lớp 9 sao cho đúng, không gây tổn thương?

'Chúng tôi biết con khó đậu lớp 10 công lập, nhưng tại sao không để con thi thử sức trước khi nộp vào trường nghề? Phân luồng bằng cách bắt cam kết không thi lớp 10 thật tổn thương các con'.

Phụ huynh chờ con thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 ở Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Phụ huynh chờ con thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 ở Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Những ngày qua, câu chuyện phân luồng học sinh sau lớp 9 lại "nóng" sau khi phụ huynh phản ảnh được "vận động" không cho con thi tuyển sinh vào lớp 10, mà mới nhất là vụ việc tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Việc phân luồng chỉ đạt hiệu quả thực sự nếu việc tư vấn hướng nghiệp được làm tốt để phụ huynh và học sinh thấy rõ quyền lợi của mình và tự nguyện lựa chọn.

Phân luồng sau lớp 9 sao cho đúng, không gây tổn thương?- Ảnh 2.TS NGUYỄN TÙNG LÂM (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)

Giáo viên không khéo, học trò tổn thương

"Con chỉ đạt học lực trung bình nên vào giữa học kỳ 2, cô giáo chủ nhiệm đã gặp riêng tôi. Có vài phụ huynh khác cũng được mời đến gặp riêng. Cô thông tin về học lực của con và cho rằng con khó có thể thi đậu vào lớp 10 công lập. Nên để đỡ áp lực, con không nên đăng ký dự thi", anh Hoàng Anh Tuấn, một phụ huynh có con học ở Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ.

Anh Tuấn cho biết thêm đúng là con trai anh lực học đuối. Trong năm học kỳ đã có điểm ghi học bạ thì có một kỳ con chỉ đạt học lực yếu. Gia đình cũng xác định con khó có thể thi đỗ vào lớp 10 công lập. Khi trao đổi với anh, cô giáo chủ nhiệm cũng cung cấp một danh sách các trường tư thục tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ THCS.

Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng chia sẻ: "Cô cho biết con có thể học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề ở những trường nghề tuyển đầu vào sau lớp 9. Dù buồn vì sức học của con nhưng những phân tích của cô giáo cũng hợp lý.

Tôi chỉ có một băn khoăn không hiểu vì sao phụ huynh phải cam kết không đăng ký cho con dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của TP. Vì phụ huynh có thể nắm thông tin và chủ động cùng con cân nhắc. Nếu con vẫn muốn thử sức thi thì sẽ để con thi cho tâm lý thoải mái trước khi đăng ký vào trường tư hay học nghề".

Chị Hằng - một phụ huynh khác có con học lớp 9 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) - cho biết cô giáo chủ nhiệm đề nghị phụ huynh cam kết để con "không thi", trường sẽ tạo điều kiện cho con gỡ điểm để tổng kết học kỳ 2 lớp 9 được cải thiện, thuận lợi cho con xét tuyển vào trường nghề hay các trường tư thục.

"Nhóm phụ huynh có con học đuối sau khi gặp cô giáo chủ nhiệm cũng có liên hệ chia sẻ thông tin với nhau. Không phải ai cũng bình tĩnh và không phải ai cũng nhận được thái độ tôn trọng, cách tư vấn khéo léo của thầy cô giáo. Có mẹ bất bình cho biết cô đã nói thẳng con mình quá dốt thì thi làm gì" - chị Hằng cho biết.

Áp lực "xếp hạng"

Phân luồng giáo dục sau THCS là mục tiêu đặt ra với ngành giáo dục nói chung. Chỉ thị số 10-CT/TW đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Tại Hà Nội, nơi có khoảng 130.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 hằng năm. Nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh với học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường nghề chỉ chiếm 13%. Nhiều trường nghề của Hà Nội khó khăn về nguồn tuyển dù đã thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, thay đổi chương trình, phương thức đào tạo và đến tận các trường THCS "tiếp thị", cùng các nhà trường tư vấn hướng nghiệp. Tâm lý phải cho con học lên THPT rồi thi đại học là cản trở lớn trong việc phân luồng.

Theo các hiệu trưởng THCS, Sở GD-ĐT Hà Nội không có văn bản nào yêu cầu các trường phải "phân luồng" bằng cách vận động học sinh có lực học yếu không thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, buộc phải rẽ ngang học nghề hay học trường tư. Nhưng trong nhiệm vụ năm học, vấn đề phân luồng luôn được đặt ra như một nhiệm vụ của các phòng giáo dục, các nhà trường.

"Áp lực lớn nhất là việc xếp thứ hạng hằng năm của các trường THCS dựa trên kết quả từng môn thi và tổng điểm thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Kỳ thi của Hà Nội có ba môn thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ.

Việc xếp hạng không chỉ là áp lực với hiệu trưởng mà với giáo viên phụ trách các môn học nằm trong số môn thi, giáo viên chủ nhiệm lớp 9. Vì thế, một trong những giải pháp để nâng hạng là vận động học sinh có học lực yếu không tham gia kỳ thi" - hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ.

Vị hiệu trưởng này cho biết áp lực trong việc "xếp hạng" từ trên xuống khiến họ lại gieo áp lực lên các tổ trưởng bộ môn, trưởng khối, giáo viên chủ nhiệm. Và giáo viên sẽ phải có cách để vận động phụ huynh.

Hướng nghiệp để tự nguyện

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc phân luồng chỉ đạt hiệu quả thực sự nếu việc tư vấn hướng nghiệp được làm tốt để phụ huynh và học sinh thấy rõ quyền lợi của mình và tự nguyện lựa chọn.

Bên cạnh đó, muốn tạo nên nhiều "ngã rẽ" để người học tự nguyện lựa chọn thì cần có mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo đủ sự tin cậy. Và hơn hết không để những học sinh có lực học đuối trong trường THCS mang cảm giác mình là người bị loại.

Mỗi học sinh đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Những học sinh học văn hóa không tốt vẫn có thể học nghề để trở thành người có tay nghề tốt, thành công và hạnh phúc với nghề nghiệp mình được đào tạo và làm việc.

Chỉ khi nhận thức của người làm công tác tư vấn, hướng nghiệp thực sự tốt và nhân văn thì phụ huynh và học sinh mới yên tâm có lựa chọn khác nhau thay vì ký vào các bản cam kết có điều kiện như thực tế đang diễn ra.

Theo một số hiệu trưởng ở Hà Nội, việc "giao phân luồng" nếu đi kèm với kế hoạch, giải pháp và làm sớm từ khi học sinh học lớp 7, lớp 8 thì sẽ không xảy ra tình trạng phụ huynh bất bình vì "bị ép" hoặc gây tổn thương cho học sinh.

Bà Diệu Hằng, phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ trường có kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp từ lớp 8. Học sinh được chia nhóm dựa theo học lực và cả nguyện vọng. Căn cứ vào đó sẽ có kế hoạch ôn tập, hỗ trợ học sinh có học lực còn đuối.

Những học sinh ở nhóm bị đuối có một lộ trình dài hơn để nỗ lực khắc phục. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm cung cấp thông tin cho phụ huynh về các cơ hội học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS để phụ huynh nắm bắt, tìm hiểu.

Tuy nhiên bà Hằng cũng cho biết hầu hết phụ huynh học sinh đều mong muốn con sẽ được học tiếp lên lớp 10 công lập.

Nghiêm cấm ép buộc phân luồng

Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Hà Nội nghiêm cấm việc ép buộc phân luồng vì việc tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập là quyền chính đáng của tất cả học sinh.

Việc phân luồng, hướng nghiệp cần có kế hoạch trên tinh thần cung cấp thông tin để phụ huynh, học sinh lựa chọn.

Phân luồng không có nghĩa là ép học sinh học nghề

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm học 2023-2024 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm học 2023-2024 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - khẳng định: "Sở không đưa tỉ lệ học sinh lớp 9 đậu vào lớp 10 công lập để đánh giá thi đua đối với các phòng GD-ĐT. Sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT tuyệt đối không được lấy tỉ lệ này để đánh giá thi đua đối với các trường THCS.

Tương tự, nhà trường THCS cũng không được lấy tỉ lệ học sinh vào lớp 10 công lập để đưa vào tiêu chí đánh giá giáo viên. Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo việc này từ nhiều năm nay và nhắc đi nhắc lại trong những cuộc họp để các đơn vị thực hiện cho đúng".

Ông Hiếu cho biết TP.HCM đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS theo định hướng của đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án này theo quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018).

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

"Mục tiêu đã được xác định rõ ràng nhưng như thế không có nghĩa là ép buộc học sinh phải đi học nghề sau THCS, không có nghĩa là ngăn cản học sinh không được thi tuyển vào lớp 10 công lập.

Công tác phân luồng học sinh đúng nghĩa là tư vấn, giải thích cặn kẽ cho phụ huynh, học sinh lớp 9 hiểu rõ sau khi tốt nghiệp THCS thì có những loại hình trường, lớp nào; hệ thống các trường dạy nghề, trường dạy văn hóa hiện tại ra sao, có những ưu, khuyết điểm gì… Từ đó các em sẽ chọn lựa một trong các loại hình trường lớp ấy sao cho phù hợp với khả năng của bản thân, điều kiện của gia đình…

Theo ông Hiếu: "Trên thực tế có một số em học văn hóa không tốt nhưng khi học nghề thì khác hẳn. Các em học giỏi, phát huy được năng khiếu của bản thân, trở nên tự tin hơn, năng động hơn. Đó là vì khả năng của các em phù hợp với việc học nghề hơn.

Chưa kể hiện nay Nhà nước đang thực hiện chính sách miễn học phí 100% cho học sinh vừa mới tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu mong muốn được học lên bậc cao đẳng, đại học thì học sinh vẫn có thể học liên thông".

Ông Hiếu cũng thông tin thêm: "Hiện tại nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề đã "thay da đổi thịt" rất nhiều. Chẳng hạn cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, tăng thời lượng thực hành, mua sắm trang thiết bị máy móc…

Đa số các trường nghề trên địa bàn TP.HCM ngoài việc dạy nghề còn mở các lớp dạy văn hóa theo chương trình của hệ giáo dục thường xuyên. Tức là học sinh có thể vừa học nghề vừa học văn hóa để sau này thi tốt nghiệp THPT. Bằng tốt nghiệp hệ THPT hay giáo dục thường xuyên hiện có giá trị ngang nhau chứ không có sự phân biệt nào".

Nhà trường, giáo viên áp lực

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tại TP.HCM kể cô dạy ở một trường ngoại thành và mặt bằng học lực của học sinh ở mức thấp. Vì thế cô khá áp lực trong công tác phân luồng cho học sinh.

Ở trường THCS này, số học sinh có sức học trung bình, không chắc suất vào lớp 10 rất nhiều. Vì thế, công tác phân luồng bắt đầu từ đầu học kỳ 1.

"Giáo viên nhiều trường THCS khác từ tháng 3 mới thực hiện công tác phân luồng. Đó là nói chuyện, gặp gỡ, tư vấn với phụ huynh, học sinh có sức học dự kiến không thể lên lớp 10. Còn chúng tôi dành nhiều thời gian cho công tác này từ đầu năm học và càng về cuối năm học càng chú trọng hơn" - cô giáo này kể.

Theo chia sẻ của giáo viên này, nhiều phụ huynh dù con có sức học chưa tốt, khả năng rớt lớp 10 cao vẫn muốn tham gia thi tuyển vào lớp 10 chứ không chọn học nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này ảnh hưởng đến thành tích, thi đua của trường. Và như vậy sẽ ảnh hưởng đến thi đua của giáo viên.

Theo một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM, các trường THCS và giáo viên lớp 9 rất lo lắng vì chỉ tiêu phân luồng ảnh hưởng đến thi đua, thành tích của trường. Do đó, trường và giáo viên "mong muốn" học sinh lớp 9 có năng lực học tập chưa tốt sẽ không thi tuyển lớp 10, được phân luồng trước khi tuyển sinh lớp 10.

"Trường THCS phải phân luồng trước, học sinh không thi thì không tính chỉ tiêu cho trường. Còn học sinh thi rớt sẽ tính chỉ tiêu cho trường đó, coi như học sinh của trường thi rớt. Đa số các trường THCS sợ tỉ lệ đó.

Ví dụ, trường có 100 học sinh nhưng chỉ có 80 em thi, 20 em được phân luồng trước. 80 em này đậu lớp 10 thì tỉ lệ đậu của trường là 100%. Cùng 100 học sinh nhưng có trường 90 em thi, rớt 10 em sẽ tính chỉ tiêu cho trường, ảnh hưởng đến thi đua của trường" - ông này thông tin.

Ngược lại, cũng có trường khuyến khích tất cả học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và "sẽ làm việc" với những trường hợp phụ huynh muốn rút hồ sơ học bạ không tuyển sinh lớp 10.

"Sáng 13-5, tôi vừa làm việc với một phụ huynh lớp 9 vì phụ huynh này yêu cầu rút học bạ để con vào trường tư thục. Tôi cũng tư vấn cho phụ huynh nên cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và những cơ hội khi con thi tuyển vào lớp 10.

Nhà trường mong muốn học sinh đi thi lớp 10 hết nhưng cũng có một số phụ huynh không cho con thi, số lượng này chỉ 1, 2 học sinh. Những phụ huynh không cho con thi tuyển sinh lớp 10 họ phải tự viết đơn tay gửi nhà trường.

Quan niệm của trường THCS là để học sinh thi lớp 10 hết. Sau đó nếu học sinh nào rớt thì các học sinh có thể chọn lựa học giáo dục thường xuyên hoặc học nghề" - cô Nguyễn Thị Hồng Châu, hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân, nói.

TP.HCM tăng hơn 5.000 học sinh lớp 9, nhiều trường tăng chỉ tiêu lớp 10TP.HCM tăng hơn 5.000 học sinh lớp 9, nhiều trường tăng chỉ tiêu lớp 10

Đa số các trường THPT công lập ở TP.HCM đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Lý do vì số học sinh lớp 9 dự kiến sẽ tốt nghiệp THCS tăng hơn 5.000 em trong năm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên