25/12/2019 13:03 GMT+7

10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu tại các bệnh viện TP.HCM năm 2019

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Mới đây, Sở Y tế TP.HCM vừa chọn 10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu được triển khai thành công tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trong năm 2019.

10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu tại các bệnh viện TP.HCM năm 2019 - Ảnh 1.

Giải trình tự các gen HLA với hệ thống giải trình tự thế hệ mới tại BV Truyền máu Huyết học TP.HCM

Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2019, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM áp dụng thành công kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu trong lộ trình xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.

Dưới đây là 10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu tiêu biểu đã triển khai thành công tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố:

1. "Sử dụng trí tuệ nhân tạo của Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh” tại Bệnh viện Nhân dân 115

Ngày 15-02-2019, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai thành công phẫu thuật u não bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive, đánh dấu bước đi lịch sử của bệnh viện nói riêng và của ngành Y tế Việt Nam nói chung đối với sự phát triển của châu lục theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Phẫu thuật Robot Modus V Synaptive là an toàn, hiệu quả, chưa gặp biến chứng sau mổ, người bệnh có chất lượng cuộc sống sau mổ tốt, bảo tồn được các chức năng thần kinh quan trọng.

2. Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson” tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Để điều trị các bệnh lý rối loạn vận động như bệnh Parkinson, run vô căn, loạn trương lực cơ kháng trị bằng phẫu thuật, năm 2011, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã cử các bác sĩ ngoại thần kinh, thần kinh - tâm thần đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Pháp, Úc, Thái Lan.

Tháng 4-2019, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chính thức được Sở Y tế phê duyệt kỹ thuật. Tính đến nay đã có 28 người bệnh bị bệnh Parkinson, run vô căn, loạn trương lực được điều trị thành công bằng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

3. "Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị suy hô hấp tuần hoàn ở trẻ em” tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1

Triển khai thành công kỹ thuật này tại 2 bệnh viện chuyên khoa Nhi đã mở ra triển vọng mới trong cứu sống những trẻ em bị viêm cơ tim tối cấp vốn có nguy cơ tử vong cao trong nhiều năm qua.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tính đến thời điểm hiện nay, sau hơn 18 tháng, bệnh viện đã thực hiện cho 13 trường hợp bệnh nhi suy hô hấp tuần hoàn nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện đã cứu sống được 4 bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp vào viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, thất bại với tất cả các biện pháp hồi sức cấp cứu trước đó.

4. "Tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF inhibitors) trong điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non (ROP)” tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Từ cuối năm 2018, với sự chuyển giao kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai thành công kỹ thuật tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF inhibitors) nhằm can thiệp các trường hợp ROP thể nặng, thất bại với phẫu thuật thuật laser.

Kỹ thuật tiêm nội nhãn VEGF inhibitors giúp nâng cao Tỷ lệ điều trị thành công ROP lên đến gần 96%, không có biến chứng nào đáng kể, giúp người bệnh tránh khỏi mù lòa, hòa nhập tốt với cuộc sống.

5. “Phẫu thuật Hybrid chuyển vị các nhánh động mạch tạng và não - đặt ống ghép nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng trên thận và quai động mạch chủ” tại Bệnh viện Bình Dân

Từ tháng 7-2019, Bệnh viện Bình Dân đã bắt đầu triển khai kỹ thuật Hybrid để điều trị các bệnh lý động mạch chủ (ĐMC) phức tạp. Bước đầu tiên là mổ mở, làm cầu nối từ ĐMC bình thường đến các nhánh tạng hoặc não (mở bụng hoặc mở vùng cổ), cột gốc các nhánh này

Như vậy đoạn phình chỉ còn là một ống thẳng, không có nhánh (đã chuyển vị các nhánh). Sau đó, dưới màn hình X quang (DSA), các bác sĩ sẽ đặt một hoặc hai ống ghép nội mạch thẳng vào trong lòng ĐMC, cô lập túi phình (máu chỉ chảy trong lòng ống ghép, nên sẽ không làm vỡ phình). Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, ít biến chứng và phù hợp với kinh tế của nước ta.

6. “Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng thanh quản bằng laser” tại Bệnh viện Tai Mũi Họng

Tháng 6-2018 phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng - thanh quản bằng laser được thực hiện tại Bệnh viện Tai Mũi Họng.

Phẫu thuật nội soi bằng laser còn có lợi thế về chi phí cũng như hiêu quả nhờ thời gian nằm viện và hồi phục ngắn hơn. Bệnh viện đã xây dựng được quy trình chẩn đoán ung thư họng miệng thanh quản giúp chẩn đoán sớm và chính xác tổn thương ung thư. 

7. “Phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anastomotic Coupler” tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình

Tháng 8-2019, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã được Sở Y tế cho phép triển khai chính thức kỹ thuật “Phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anastomotic Coupler” để khâu nối động mạch và tĩnh mạch trong các vết thương đứt lìa chi hay kỹ thuật chuyển vạt da tự do. 

Tính đến thời điểm hiện nay, bệnh viện đã thực hiện được 30 ca, bước đầu đạt được kết quả tốt, cứu sống nhiều chi đứt rời cũng như rút ngắn thời gian cho các ca phẫu thuật phức tạp cần phải nối mạch máu.

8. “Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” tại Bệnh viện Ung bướu

Những kỹ thuật hiện đại tiên tiến này giúp cho liều xạ tập trung vào khối bướu rất cao; có sự giám sát nghiêm ngặt bề mặt cơ thể của hệ thống quang học (OSMS) với ngưỡng sai số cử động cho phép là 1mm; hạn chế tối đa liều xạ vào những cơ quan lành xung quanh. 

Người bệnh giảm số lần tia xạ từ 30 - 35 lần xuống còn khoảng 5 - 10 lần xạ, đảm bảo an toàn xạ trị ở mức tối ưu, tiên lượng điều trị hiệu quả cao, ít biến chứng trong quá trình xạ trị. Mới đây, bệnh viện cũng đã triển khai thành công những kỹ thuật xạ trị mới, chuẩn này đối với nhiều bệnh lý ung thư, nhất là ung thư di căn xương, phổi và não.

9. “Xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật NGS” tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học

Từ tháng 10-2019, Bệnh viện Truyền máu Huyết học là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đưa xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) vào triển khai thường quy, phục vụ cho hoạt động ghép. 

Việc triển khai thường quy kỹ thuật mới và chuyên sâu “Xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật NGS” tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã giúp các bác sĩ có một công cụ tốt hơn cho việc tìm người cho phù hợp HLA, nhất là trong các trường hợp ghép haplo và ghép không cùng huyết thống.

10. “Sử dụng Laser Fotona Ebrium Yag trong hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức” tại Bệnh viện Hùng Vương

Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai thí điểm kỹ thuật sử dụng Laser Fotona Ebrium Yag trong hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức từ năm 2017 và đã được Bộ Y tế cho phép triển khai chính thức từ tháng 11-2019.

Laser Ebrium YAG là thủ thuật xâm lấn tối thiểu được dùng để tăng cường chức năng của mô liên kết bên trong thành âm đạo, cải thiện sự nâng đỡ của sàn chậu và giảm bớt các triệu chứng tiểu không kiểm soát khi gắng sức, làm trẻ hóa âm đạo có thể thay thế các phẫu thuật xâm lấn trong tương lai, mà vẫn cho kết quả tốt và an toàn trong trị liệu.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên