09/08/2022 10:06 GMT+7

130.000 cán bộ tham dự chuyển đổi số quốc gia, bàn tháo gỡ nhiều dịch vụ tiện ích cho dân

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Với 11.000 điểm cầu trên cả nước, Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia được xem là có quy mô lớn khi trực tuyến xuống các xã, phường.

130.000 cán bộ tham dự chuyển đổi số quốc gia, bàn tháo gỡ nhiều dịch vụ tiện ích cho dân - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì hội nghị thực hiện Đề án 06 - Ảnh: VGP

Sáng 9-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đây là hội nghị có quy mô lớn khi được kết nối tới UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên cả nước. Theo đó, có 130.700 đại biểu tham dự hội nghị qua gần 11.000 điểm cầu trên cả nước.

Người dân hưởng lợi qua môi trường số

Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân.

Nhờ vậy tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là đề án nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, hiện đang được ứng dụng tương đối rộng rãi, phục vụ chức năng của bộ, ngành, chuyển đổi số, có tác động trực tiếp người dân.

Việc hoàn thiện văn bản pháp luật, phương thức thực hiện, cải cách hành chính, giúp người dân hưởng lợi thông qua môi trường số. Từ trạng thái phải dùng giấy tờ đến trực tiếp cơ quan công quyền chuyển sang trạng thái không cần giấy tờ, ở đâu cũng có thể giải quyết thủ tục là việc khó, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đổi mới tư duy về phương pháp, hoàn thiện văn bản. Gắn với việc kiểm tra, giám sát, ứng dụng để tạo thuận lợi nhất cho người dân, hướng đến người dân để cùng tham gia.

Cần chỉ rõ khó khăn vướng mắc để tháo gỡ

"Việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được", Thủ tướng nhấn mạnh. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai…

Thủ tướng đề nghị cần thảo luận, phân tích, đánh giá trung thực, khách quan những kết quả thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo. Đồng thời cần thẳng thắn chỉ rõ những nội dung, đơn vị nào còn chậm tiến độ, những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để có giải pháp trong thời gian tới.

Theo báo cáo, đến nay các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, với các cấp độ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Điểm nổi bật là, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác trong lực lượng như cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ôtô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; Bộ Giáo dục và đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỉ lệ 93,1%)...

Thu nhận 6 triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh

Tính đến ngày 31-7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM…

Cùng với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia, đến cuối tháng 7 thu nhận 6 triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh…

Đã có 67 triệu công dân được cấp căn cước công dân gắp chip điện tử.

Bộ Công an: Hơn 420.000 người sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh Bộ Công an: Hơn 420.000 người sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh

TTO - Bộ Công an cho biết, tính đến nay, có gần 50% cơ sở y tế trên toàn quốc đã sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh. Số lượng công dân sử dụng căn cước công dân khám chữa bệnh là 421.104 người.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên