14/06/2022 14:49 GMT+7

2 dòng phụ BA.4, BA.5 đang âm thầm lây lan nhanh khắp thế giới

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể dễ lây lan Omicron hiện đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, từ phương Tây đến phương Đông.

2 dòng phụ BA.4, BA.5 đang âm thầm lây lan nhanh khắp thế giới - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang trên phố Oxford ở thủ đô London, Anh - Ảnh: GETTY IMAGES

Hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu/Khu vực kinh tế châu Âu (EU/EEA) đã phát hiện tỉ lệ thấp các ca bệnh liên quan đến BA.4 và BA.5 gần đây. BA.4 và BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1-2022.

Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 13-6, nhiều quốc gia ở châu Âu - trong đó có Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển - đang ghi nhận sự gia tăng ca bệnh liên quan đến hai dòng phụ này trong những tuần gần đây. 

Đặc biệt tại Bồ Đào Nha, BA.5 đã trở thành biến thể vượt trội, chiếm 80% số ca mắc mới.

Dự báo của các chuyên gia

ECDC dự báo BA.4 và BA.5 sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế trên toàn EU/EEA. Hai biến thể phụ của Omicron này được dự đoán sẽ thúc đẩy sự gia tăng các ca COVID-19 trong những tuần sắp tới ở châu Âu. 

Ngày 13-6, Đài DW của Đức dẫn lời các chuyên gia tại Viện Robert Koch (RKI), cơ quan y tế công cộng quốc gia Đức, cảnh báo các ca COVID-19 sẽ tăng lên trong mùa hè này. RKI cho biết BA.4 và BA.5 đang lây lan nhanh hơn tất cả các biến thể khác và kết luận hai dòng phụ này có thể sớm thống trị số ca COVID-19 tại Đức.

Dựa trên các dữ liệu còn hạn chế, ECDC cho biết không có bằng chứng cho thấy BA.4 và BA.5 gây bệnh nặng hơn các biến thể đã phổ biến hiện nay là BA.1 và BA.2. Tuy nhiên, như các đợt dịch trước, sự gia tăng các ca bệnh nói chung có thể dẫn đến số ca nhập viện, cần chăm sóc đặc biệt và tử vong tăng.

ECDC khuyến cáo các quốc gia nên duy trì cảnh giác trước các dấu hiệu về sự xuất hiện và lan rộng của BA.4 và BA.5. Đồng thời duy trì xét nghiệm và giải trình tự gene để kịp thời phát hiện và báo cáo các dòng phụ này.

Các quốc gia cũng cần tiếp tục theo dõi tỉ lệ ca bệnh, nhập viện, cần chăm sóc đặc biệt và tử vong, đặc biệt ở người từ 65 tuổi trở lên. Dự kiến cần các liều vắc xin nhắc lại đối với những nhóm có nguy cơ cao để phòng ngừa các đợt dịch trong tương lai.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy BA.4 và BA.5 hiện chiếm 13% ca bệnh mới ở nước này, Hãng tin Reuters đưa tin.

Theo CDC, vẫn chưa rõ liệu điều này có dẫn đến đợt dịch mới hay tăng số ca nhập viện và tử vong hay không. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại cho thấy BA.4 và BA.5 có thể sớm chiếm ưu thế như các dòng phụ BA.2 và BA.2.12.1 tại Mỹ.

2 dòng phụ BA.4, BA.5 đang âm thầm lây lan nhanh khắp thế giới - Ảnh 2.

Xét nghiệm COVID-19 tại Đức - Ảnh: AP

Số ca mắc BA.4 và BA.5 tại Indonesia đạt đỉnh vào tháng 7 

Tại châu Á, ngày 13-6, Sở Y tế bang Maharashtra (Ấn Độ) ghi nhận 3 ca mắc biến thể BA.4 và một ca mắc BA.5 tại thành phố Mumbai. Bốn bệnh nhân, trong độ tuổi từ 11 đến 60, mắc bệnh trong thời gian từ 14 đến 24-5 và đã bình phục. BA.4 và BA.5 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ là tại bang Tamil Nadu và Telangana.

Trong khi đó, dựa trên kinh nghiệm các đợt dịch trước, đầu tuần này Chính phủ Indonesia dự báo số ca mắc BA.4 và BA.5 tại nước này sẽ đạt đỉnh vào tháng 7 tới, một tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.

"Dự kiến vào tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 7 năm nay, chúng ta sẽ chứng kiến số ca mắc BA.4 và BA.5 đạt đỉnh", Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết.

Indonesia đã ghi nhận 8 ca mắc các dòng phụ này, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Bali và Jakarta.

2 dòng phụ BA.4, BA.5 đang âm thầm lây lan nhanh khắp thế giới - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin COVID-19 tại thành phố Surakarta, Indonesia ngày 7-6 - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Khuyến cáo của WHO

Tháng 3-2022, BA.4 và BA.5 được phát hiện lần đầu tại EU/EEA. Cũng trong tháng 3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa hai dòng phụ này vào danh sách cần giám sát.

Ngày 11-5, WHO cho biết gần 700 ca mắc BA.4 đã được ghi nhận tại ít nhất 16 nước, và hơn 300 ca mắc BA.5 được phát hiện tại ít nhất 17 nước.

Ngày 12-5, ECDC đưa BA.4 và BA.5 vào danh sách các biến thể đáng lo ngại.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết BA.4 và BA.5 không làm bệnh nặng hơn chủng gốc Omicron nhưng dường như dễ lây lan hơn. Bà Kerkhove nói WHO sẽ theo dõi hai dòng phụ này để xác định xem liệu cuối cùng chúng có vượt qua BA.2 để trở thành biến thể chiếm ưu thế trên thế giới hay không.

Theo Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), BA.4 và BA.5 đều mang các đột biến L452R và F486V. Trong đó, đột biến L452R từng được phát hiện ở biến thể Delta. 

Các đột biến này được cho là giúp virus có khả năng lẩn tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn.

Bà Van Kerkhove kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới giám sát chặt các dòng phụ BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 và các dòng phụ khác có thể xuất hiện trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì xét nghiệm COVID-19 và giải trình tự gene.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Rất cần phải tiêm mũi nhắc lần 2" Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: 'Rất cần phải tiêm mũi nhắc lần 2'

TTO - Dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định đây cũng là điều nguy hiểm khi nhiều người dân có suy nghĩ chủ quan không tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên