22/02/2021 15:07 GMT+7

21.000 người tự tử thời dịch, Nhật thúc đẩy các biện pháp chống cô đơn

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trong bối cảnh số người tự tử tăng lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ trong thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19, Nhật Bản đã bắt tay điều tra và hành động chống sự cô đơn.

21.000 người tự tử thời dịch, Nhật thúc đẩy các biện pháp chống cô đơn - Ảnh 1.

Gần 21.000 người Nhật tự tử trong năm 2020 - Ảnh: Japan Times

Báo Japan Times ngày 21-2 dẫn thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho biết có 20.919 người tự kết liễu cuộc sống trong năm 2020, tăng 750 trường hợp so với năm trước và là lần tăng đầu tiên trong 11 năm qua. Trong số đó, tỉ lệ tự tử ở phụ nữ và thanh niên gia tăng đáng kể.

Chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga thời gian qua đã đẩy mạnh việc đối phó với sự cô đơn. 

Thủ tướng Suga tháng trước đã thêm vào nội các của mình vị trí bộ trưởng cô đơn, học theo Anh là nước đầu tiên trên thế giới lập ra chức vụ này. Ông Tetsushi Sakamoto, người trước đó phụ trách đối phó với tình trạng suy giảm dân số và khôi phục kinh tế địa phương, được bổ nhiệm vào vị trí trên.

Khi bổ nhiệm ông Sakamoto, ông Suga yêu cầu ông đưa ra các chính sách "toàn diện" chống lại sự cô đơn.

Theo ông Suga, không chỉ những phụ nữ cảm thấy cô đơn và dễ tự tử mà mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả những người lớn tuổi bị mắc kẹt ở nhà và sinh viên đại học không thể đến lớp trực tiếp, ngày càng cảm thấy bị cô lập trong thời gian dịch COVID-19.

"Có rất nhiều kiểu cô đơn" cần được giải quyết, ông nói.

Cuối tuần trước, Văn phòng nội các Nhật Bản đã lập lực lượng đặc biệt để thông qua các bộ khác nhau, điều tra tác động của sự cô đơn và các vấn đề liên quan. Trước đó, nhiều chính trị gia cấp cao của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền cũng đã thảo luận về việc người dân ngày càng cô đơn trong thời gian đại dịch và thành lập nhóm tìm hiểu vấn đề này.

Một trong những nhóm có nguy cơ tự tử cao ở Nhật Bản là đàn ông trung niên và người già. Theo một khảo sát năm 2015 của chính quyền Nhật, những người cảm thấy cô đơn nhất là người già trên 60 tuổi với 16,1% nói rằng họ không biết tìm đến ai khi cần giúp đỡ. 

Trong khi đó, gần 17% nam giới ở nước này "rất hiếm hoặc chưa từng dành thời gian với bạn bè, đồng nghiệp hoặc các nhóm xã hội khác". Điều này phần nào được lý giải bởi văn hóa làm việc của Nhật Bản với thời gian làm việc kéo dài.

Những người sống độc thân, dự kiến chiếm 40% hộ dân ở Nhật Bản vào năm 2040, cũng đối mặt với nguy cơ từ sự cô đơn bởi phần lớn họ hầu như không tiếp xúc với hàng xóm.

Theo báo cáo của công ty bảo hiểm y tế Anh Cigna, sự cô đơn tác động lên sức khỏe con người tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và thậm chí còn nguy hiểm hơn béo phì.

Dùng trí tuệ nhân tạo se duyên cho người cô đơn Dùng trí tuệ nhân tạo se duyên cho người cô đơn

TTO - Khủng hoảng dân số là số phận của nhiều quốc gia trong tương lai chục năm tới, Nhật Bản là một trong số đó. Nhưng làm sao để người dân chịu cưới và sinh con?

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên