06/04/2020 09:30 GMT+7

4 yếu tố quyết định 'giãn cách xã hội' lâu hay mau

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - "Khi nào giãn cách xã hội kết thúc?" là câu hỏi được cả tỉ người trên thế giới quan tâm khi có hơn một nửa trong số 7,8 tỉ dân trên toàn cầu đang được kêu gọi ở lại trong nhà.

4 yếu tố quyết định giãn cách xã hội lâu hay mau - Ảnh 1.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyên người dân duy trì khoảng cách với nhau khoảng 2m để thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: AFP

Vì trong một năm nữa sẽ không có văcxin và không có thuốc trị virus thật sự hiệu quả nên cách tốt nhất mà chúng ta có ngay lúc này là giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly. Đó là cách tốt nhất để tránh xa virus.

Giáo sư John Nicholls (Đại học Hong Kong)

Câu trả lời đơn giản là: "Còn tùy!". Tùy tình hình dịch bệnh từng nơi, tùy tốc độ bào chế văcxin và thuốc trị virus nhanh hay chậm, tùy cách tiếp cận của chính quyền mỗi nơi… Nhưng chắc chắn không phải một hai ngày hay một hai tuần!

4 yếu tố

Tạp chí Forbes (Mỹ) gần đây ví von việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm trong khi COVID-19 vẫn còn lây lan trong cộng đồng giống như việc tổ chức tiệc rượu và phô mai trong lúc đối phó với lũ chuột phá hoại, tạo điều kiện để "gọi mời" chúng.

Điều đó cho thấy biện pháp này ít nhất sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa trước khi dịch bệnh thuyên giảm và được ngăn ngừa.

Theo Forbes, có 4 yếu tố giúp xác định "giãn cách xã hội" nên duy trì bao lâu: Thứ nhất, khi có đủ miễn dịch cộng đồng. Thứ hai, khi có văcxin hiệu quả (một cách để tạo miễn dịch cộng đồng mà không cần phần lớn dân số nhiễm virus).

Thứ ba, nếu tình trạng lây nhiễm giảm đi vào mùa hè. Người ta hi vọng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể hoạt động giống virus cúm và nếu giảm lây nhiễm tương tự thì có thể nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội trong các tháng mùa hè, cho phép "xả hơi" để lên kế hoạch tiếp theo.

Thứ tư là virus biến đổi. Các virus như SARS-CoV-2 có thể biến đổi và về lý thuyết, biến thể có khả năng ít tai hại hơn và có thể thay thế chủng phổ biến hiện tại. Tuy nhiên, một biến thể tồi tệ hơn cũng có thể xuất hiện.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza đánh giá giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất của Ý để ngăn COVID-19 lây lan lúc này và kêu gọi người dân tuân thủ. Tương tự Ý, nhiều nước đang sử dụng thứ vũ khí này.

Trong một sự kiện đồng tổ chức bởi báo Straits Times, South China Morning Post và kênh truyền hình Úc 7News tuần trước, các chuyên gia y tế đến từ Singapore, Hong Kong và Úc đã nhận định cách tốt nhất để đối phó COVID-19 ngay lúc này là giãn cách xã hội.

Như với Thủ tướng Úc Scott Morrison, ông cho biết Chính phủ Úc sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong khi nỗ lực giảm thiểu tác động tới xã hội, đồng thời kêu gọi người dân sống một cuộc sống "hoàn toàn mới" cho đến khi phát triển được văcxin.

Hay theo lời bác sĩ nổi tiếng Anthony Fauci - giám đốc Viện Bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, các biện pháp giãn cách xã hội có thể được nới lỏng khi nước Mỹ "về cơ bản không còn ca nhiễm mới" hoặc ca tử vong mới trong một khoảng thời gian.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi là gì?

Nhà dịch tễ hàng đầu nước Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, nhận định văcxin sẽ là "nhân tố thay đổi cuộc chơi cuối cùng" trong cuộc chiến chống COVID-19. Ông cho biết các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đều đồng ý rằng dịch COVID-19 có thể quay lại trong tương lai và cách bảo vệ duy nhất cho con người là phát triển thành công văcxin.

Cứu người, giúp ích kinh tế về lâu dài

Theo Đại học Johns Hopkins, giãn cách xã hội là một hình thức nhằm ngăn người bệnh tiếp xúc gần với người khỏe mạnh để giảm cơ hội cho dịch bệnh lây lan. Nó có thể bao gồm các biện pháp quy mô lớn như hủy các sự kiện nhóm, đóng các không gian công cộng cũng như các quyết định của cá nhân chẳng hạn tránh nơi đông người.

Với dịch COVID-19, mục tiêu của giãn cách xã hội ngay lúc này là ngăn lây nhiễm diện rộng, giảm gánh nặng lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế. Các chuyên gia xem đây là cách giúp "đè thấp đường cong" dịch tễ, tức làm chậm quá trình lây lan và giữ số ca nhiễm ở mức có thể kiểm soát.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyên người dân không tụ tập đông người, duy trì khoảng cách với người khác khoảng 2m. "Điều này có nghĩa là không ôm, không bắt tay" - nhà dịch tễ học Caitlin Rivers ở Mỹ lấy ví dụ.

Theo nghiên cứu của Trường Imperial College London (Anh), nếu không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khắt khe, sẽ có tới 2,2 triệu người ở Mỹ chết vì COVID-19. Cũng theo đại học này, giãn cách xã hội và các biện pháp ngăn virus lây lan đã giúp ngăn 59.000 cái chết ở 11 nước châu Âu tính tới cuối tháng 3.

Trong khi đó, trang Vox cho biết giãn cách xã hội không chỉ giúp cứu mạng người, mà có thể sẽ giúp ích cho nền kinh tế xét về dài hạn. Một nghiên cứu về đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cho thấy tại Mỹ, các thành phố thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt sớm hơn đã gặt hái được các lợi ích kinh tế.

Nghiên cứu công bố gần đây của các nhà kinh tế học Sergio Correia, Stephan Luck và Emil Verner ở Mỹ cho rằng dù trực tiếp làm giảm hoạt động kinh tế khi mà nhiều người phải nghỉ việc và nhiều ngành kinh doanh đóng cửa, nhưng biện pháp này lại gián tiếp giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn sau dịch khi mà số người chết không quá nhiều.

Nếu người chết quá nhiều, sẽ có tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Nói cách khác, giữ được nhiều mạng người sẽ giữ được nguồn nhân lực dồi dào giúp vực dậy nền kinh tế.

Dịch COVID-19 sáng 6-4: Thủ tướng Anh nhập viện, Pháp, Ý, Tây Ban Nha giảm số ca nhiễm, tử vong Dịch COVID-19 sáng 6-4: Thủ tướng Anh nhập viện, Pháp, Ý, Tây Ban Nha giảm số ca nhiễm, tử vong

TTO - Theo báo The Guardian, Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối cùng phải nhập viện vào tối ngày 5-4 để kiểm tra theo lời khuyên của bác sĩ sau khi tự cách ly và điều trị tại nhà trong 10 ngày. Số ca bệnh COVID-19 ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha tiếp tục giảm.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên