40 năm IBM PC: Thành bại của một gã khổng lồ

HOA KIM 24/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Không tính dòng sản phẩm với thiết kế đặc thù của Hãng Apple, hầu hết các mẫu PC ngày nay và trong mấy chục năm qua đều là hậu duệ xa của IBM PC, sản phẩm đánh dấu sự tham gia của gã khổng lồ IBM vào mảng máy tính cá nhân cách đây đúng 40 năm.

 
 Máy tính IBM PC năm 1981. Ảnh: IBM

Dù không nhiều người kể cả lãnh đạo và nhân viên IBM nhìn thấy trước điều này, chiếc PC đầu tiên của hãng (ra mắt công chúng ngày 12-8-1981) cũng như những quyết định đằng sau hậu trường liên quan đến nó đã vĩnh viễn làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp máy tính.

Từ máy tính khổng lồ đến máy tính cá nhân

Hầu hết các nhà sử học đồng tình rằng cuộc cách mạng PC bắt đầu vào năm 1977 với sự xuất hiện cùng lúc của “bộ 3” mẫu máy tính cá nhân thống trị các cuộc trò chuyện về công nghệ lúc bấy giờ: Apple II của Apple, PET của Commodore và TRS-80 của Tandy. Cả 3 đều được thiết kế hướng đến người tiêu dùng phổ thông với các công cụ giải trí và lập trình cơ bản.

IBM là nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới ở thời điểm đó, nhưng chỉ chuyên về dòng máy mainframe - những máy tính nặng hàng tấn với khả năng xử lý khối lượng lớn dữ liệu, thường được dùng làm máy chủ. Đến năm 1980, áp lực từ khách hàng muốn IBM nhảy vào cuộc chơi máy tính cá nhân ngày càng lớn, và hãng quyết định sẽ tham gia.

Bên trong nội bộ công ty, nơi phù hợp nhất để nghiên cứu chế tạo một chiếc máy nhỏ gọn như PC là bộ phận chuyên kinh doanh... máy đánh chữ, vốn đã có kinh nghiệm làm việc với dòng minicomputer (nhỏ hơn mainframe, nhưng vẫn cồng kềnh hơn PC rất nhiều). Một trở ngại khác là bộ phận này không đủ tài lực và nhân lực để theo đuổi một sản phẩm hoàn toàn mới.

CEO của IBM thời điểm đó, ông Frank Cary, quyết định lấy tiền túi tài trợ cho dự án phát triển PC và đặt Bill Lowe, giám đốc IBM chi nhánh Rochester, Minnesota, vào ghế nóng điều hành chung dự án.

Lowe được cho vài tháng để lên kế hoạch phát triển một chiếc PC và tuyển chọn 40 người trong số nhân viên IBM để hiện thực hóa kế hoạch đó. Ông sẽ báo cáo trực tiếp với Cary, bỏ qua quy trình phát triển sản phẩm cồng kềnh của IBM mà nếu tuân thủ có thể mất 4 - 5 năm để đưa một sản phẩm mới ra thị trường - quá chậm chạp để bắt kịp một thị trường đang phát triển nóng.

Khi IBM gặp Microsoft

Để rút ngắn thời gian nghiên cứu, Lowe lựa chọn xây dựng PC dựa trên “kiến trúc mở”, tận dụng phần cứng, phần mềm và thiết bị ngoại vi của bên thứ ba cho sản phẩm của mình.

Tháng 7-1980, thông qua giới thiệu, IBM tiếp cận Bill Gates (khi đó 24 tuổi) nhưng không thật sự ấn tượng với Microsoft - công ty mới thành lập và gần như vô danh với quy mô chỉ 31 người - và chuyển hướng sang Digital Research, một công ty phần mềm có tiếng lúc đó.

Thế nhưng, chủ tịch Digital Research là Gary Kildall đã có quyết định có lẽ là sai lầm nhất đời ông khi... bùng hẹn với IBM để đi lái máy bay giải trí và ủy quyền cho vợ mình, một luật sư, bàn chuyện làm ăn với đối tác tiềm năng. “Cuộc họp chẳng đi đến đâu vì (phía Digital Research) chỉ chăm chăm mặc cả về các thỏa thuận bảo mật thông tin, và đoàn IBM đứng dậy ra về. Gates bây giờ là lựa chọn duy nhất của họ” - tạp chí IEEE Spectrum viết.

Để đáp ứng thời hạn gấp rút mà IBM đề ra, Gates kết luận Microsoft không thể viết một hệ điều hành hoàn toàn mới từ đầu, mà sẽ mua một hệ điều hành sẵn có và tinh chỉnh lại cho phù hợp. Một điều khoản quan trọng trong hợp đồng là Microsoft sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc đảm bảo phần mềm của họ vận hành trơn tru, đổi lại công ty của Gates sẽ nắm giữ bản quyền hệ điều hành đó chứ không bán đứt cho IBM.

Phần mềm mà Microsoft xây dựng chính là hệ điều hành MS-DOS, tiền thân của Windows đã đưa tên tuổi Microsoft lên hàng các ông lớn công nghệ thế giới. Microsoft bỏ ra 75.000 USD năm 1980 để mua hệ điều hành QDOS làm khuôn mẫu và cho đến đầu những năm 1990 khoản đầu tư đó đã giúp nâng giá trị của công ty lên 27 tỉ USD.

IBM còn mất nhiều hơn thế khi tự mình đánh mất quyền định đoạt chuẩn mực phần mềm cho các thiết bị PC vào tay Microsoft. Nhưng công bằng mà nói, ít ai lúc bấy giờ hình dung mảng kinh doanh máy tính cá nhân sẽ có ngày lớn mạnh như hôm nay. Chính Gates sau này cũng thừa nhận ông đã “gặp may” trong cú bắt tay với IBM.

Chính lựa chọn đi theo con đường kiến trúc mở đã giúp IBM PC, chứ không phải những cỗ máy trước đó, trở thành tiêu chuẩn của ngành. Sự cởi mở của IBM đã mở đường cho sự bùng nổ của các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm “tương thích với PC”, đóng góp vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ của tin học dân dụng. 

“Ngựa chứng” nên công thần

Trở lại tổng hành dinh nghiên cứu PC của IBM đặt tại thành phố Boca Raton, bang Florida, dự án lúc này vẫn còn khá bí mật và chỉ những người trực tiếp liên quan cũng như một số ít lãnh đạo cấp cao của công ty được biết về nó. Chỉ chưa đến một năm từ khi được bật đèn xanh, các kỹ sư đã sẵn sàng trình bày về chiếc IBM PC đầu tiên.

Phần lớn công trạng của tốc độ nghiên cứu và sản xuất thần tốc đó thuộc về giám đốc kỹ thuật Philip Donald Estridge, một người “có tật có tài”. Ông luôn vắng mặt trong các cuộc họp đánh giá tiến độ sản phẩm, chẳng buồn gọi lại các cuộc gọi nhỡ của sếp hay đồng nghiệp, và ưa phong cách làm việc “tiền trảm hậu tấu”: tự mình đưa ra các quyết định kỹ thuật ngay lập tức rồi mới báo cáo lại với Lowe và CEO Cary. Mùa thu năm 1980, Lowe được điều chuyển sang một vị trí mới tại IBM và ông lựa chọn Estridge lên thay mình nắm quyền dự án IBM PC. Lowe và Estridge đều được xem là “những cha đẻ của IBM PC”.

Đến cuối năm 1980, đội ngũ của Estridge đã lên đến 150 người. Sang tháng 1-1981, thiết bị nguyên mẫu đầu tiên đã sẵn sàng để giới thiệu và thuyết trình trong nội bộ công ty. Một số phiên bản sau đó được gửi đến các nhà sản xuất phần mềm để phục vụ việc thiết kế các gói phần mềm đi kèm máy tính.

 
 Don Estridge. Ảnh: IBM

Rồi thời khắc quyết định cũng đến. Ngày 12-8-1981, tại một sảnh nhỏ ở khách sạn Waldorf Astoria (New York), 100 nhà báo ngồi nghe Estridge mô tả ngắn gọn về chiếc PC, thuyết minh trên sản phẩm mẫu được đưa đến sự kiện và trả lời một số câu hỏi.

Trước đó, nhân viên bán hàng của IBM đã được phát các tệp tài liệu về IBM PC, nhưng không được cung cấp máy mẫu. Cũng như những khách hàng mà họ có nhiệm vụ liên hệ để chào bán, những nhân viên này vò đầu bứt tai trước những câu hỏi về cách sử dụng chiếc máy tính cá nhân. Đối với hầu hết khách hàng và cả những nhân viên IBM, chiếc PC là cả một chân trời mới.

2 thập kỷ vinh quang

Điều khiến IBM PC được xem như một cuộc cách mạng ngay từ khi ra mắt chính là việc nó bán chạy đến không ngờ. Các đơn hàng đầu tiên bắt đầu được giao từ tháng 10-1981. IBM ban đầu dự tính sản xuất 1 triệu máy trong vòng 3 năm, trong đó năm đầu tiên sẽ xuất xưởng 200.000 chiếc. Sức mua thực tế đã chạm mốc 200.000 PC mỗi tháng chỉ sau 2 năm.

Chiếc PC đầu tiên của IBM có thể chạy nhiều phần mềm khác nhau và được tích hợp gói công cụ thương mại và tiêu dùng, bao gồm ngôn ngữ lập trình BASIC dành cho các lập trình viên. Vua hề Sáclô được mời đóng quảng cáo, và người dùng có thể dễ dàng mua máy tại ComputerLand, một chuỗi bán lẻ máy tính nổi tiếng ở Mỹ thời điểm đó.

 
 Sáclô quảng cáo IBM PC năm 1981 (giá 1.565 USD, tương đương 107 triệu đồng ngày nay).

Đối với một số khách hàng doanh nghiệp, việc ông lớn như IBM tham gia thị trường máy tính cá nhân đồng nghĩa những chiếc máy nhỏ bé này không còn là một trào lưu điên rồ của giới cuồng công nghệ mà trên thực tế đã là dòng sản phẩm nghiêm túc. Người dùng doanh nghiệp không muốn phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu tập trung của công ty cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng những chiếc PC tiện dụng này.

Sau thành công ngoài mong đợi của chiếc PC đầu tiên, John Opel lên thay Cary ở vị trí CEO và quyết định đưa quy trình sản xuất PC trở lại quy trình cồng kềnh như cũ. IBM nhanh chóng đánh mất lợi thế trong cuộc đua với những công ty trẻ trung và nhanh nhạy hơn.

Số lượng nhân viên dưới quyền Estridge phình lên đến 10.000 người, nhưng ông vẫn phàn nàn là quá đông trong số họ không biết tí gì về PC: những kiến thức lập trình về dòng máy mainframe của thế hệ lập trình viên đời đầu giống như người thợ sửa tivi trắng đen giờ đây phải đào tạo lại công nghệ tivi màu, có quá nhiều kiến thức mới phải cập nhật. Tháng 8-1985, Estridge qua đời trong một tai nạn máy bay.

Tháng 12-2004, IBM chính thức bán mảng kinh doanh PC cho Công ty Trung Quốc Lenovo với giá 1,75 tỉ USD, khép lại chặng đường vinh quang ngắn ngủi chỉ hơn 2 thập kỷ của một tượng đài. Nhưng, như tạp chí PCMag viết trong kỷ niệm 40 năm của IBM PC: “Chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc điều gì sẽ xảy ra nếu IBM đã đưa ra các quyết định khác về chiếc máy tính IBM đầu tiên. Điều chúng ta biết là những lựa chọn ban đầu đó đã có hệ quả lâu dài vượt xa giấc mơ của bất kỳ ai có liên quan ở thời điểm đó”.\

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận