Afghanistan một năm sau: Vẹn nguyên hỗn loạn

SÁNG ÁNH 20/08/2022 05:58 GMT+7

TTCT - Đúng một năm sau khi quân Mỹ rút đi hoàn toàn và Kabul rơi lại vào tay Taliban, Afghanistan vẫn là một quốc gia hỗn loạn.

Afghanistan một năm sau: Vẹn nguyên hỗn loạn - Ảnh 1.

Lính Taliban tại Kabul tháng 9-2021. Ảnh: Reuters

Mặt trời vừa mọc ở Kabul hơn một tiếng, trời còn rất mát, vào khoảng 15oC, trong khi buổi trưa vào mùa này có thể lên đến 30oC. Ông già đã lớn tuổi hay dậy sớm và ra hàng hiên căn biệt thự màu hồng này để ngắm cảnh khói lam ban mai trên những sườn núi vây quanh thủ đô. Đây là khu Sherpur, nơi cư ngụ của thành phần giàu xổi - giới lãnh đạo chính quyền cũ, cho nên gu thẩm mỹ hơi lòe loẹt.

Người dân gọi trại khu đó thành "Choorpur", tức "Xóm ăn cắp", dù ăn cắp ở đây là dạng cao cấp. Cạnh căn biệt thự là các sứ quán Anh quốc, Đức quốc và Mỹ quốc. Năm ngoái, khi Hoa Kỳ triệt thoái, các biệt thự đổi chủ và hiện trở thành tư dinh của thành phần lãnh đạo mới: chính quyền Taliban.

Kẻ chết nhiều lần

Người đàn ông đấy là bác sĩ Al Zawahiri, ở đây với tư cách khách mời cùng cả gia đình, có lẽ mới được vài tuần. 71 tuổi với chòm râu đạo mạo, ông thuộc giới thượng lưu Ai Cập - con trai một bác sĩ giáo sư đại học, bên mẹ thì ông ngoại từng làm chủ tịch đại học và đại sứ, có cả bà con trong tộc thuộc Hoàng gia Saudi. Nhưng năm 30 tuổi, ông làm loạn, bị chính quyền Ai Cập bỏ tù và bắt đầu một đời cách mạng. Al Zawahiri nổi tiếng sau khi Bin Laden bị giết năm 2011: ông trở thành lãnh tụ số 1 của Al Qaeda.

Tuy trước ở chức phó tướng nhưng Al Zawahiri được coi là bộ não của tổ chức. Năm 2001, Mỹ ám sát ông hụt khiến 2 đứa con nhỏ và vợ đầu của ông bỏ mạng. Ngày 31-7 vừa qua không phải lần đầu ông thiệt mạng. Al Zawahiri thuộc dạng chết nhiều lần. Năm 2020 ông đã chết rồi vì bệnh suyễn, đó là nếu ông còn sống sau khi đã chết năm 2006 hoặc 2008 vì bom Mỹ. Nhưng lần này có lẽ "mụ ta chết thật", và hình như chết có một mình, thay vì chết cả nhà hay cả nút, chết "nghe nói" như những lần trước.

Nghe đâu máy bay không người lái hạ sát ông bằng 2 tên lửa Hellfire 9X mệnh danh "Dao Ginsu biết bay" - ý chỉ một loại dao làm bếp Nhật nổi tiếng ở Mỹ vì rất sắc, thứ gì cũng cắt đứt. Tên lửa này thay vì nổ và gây thiệt hại vung vãi thì có 6 lưỡi dao quay để nghiến mục tiêu ra thành nhiều mảnh. Hình chụp căn nhà không cho thấy thiệt hại gì nhiều và theo Mỹ thì gia đình ông không ai chết chung.

Đó là nghe nói vậy. Đúng một năm trước, Hoa Kỳ triệt thoái toàn bộ khỏi Afghanistan sau 20 năm xâm lăng để diệt khủng bố và lật đổ chính quyền Taliban, giải phóng phụ nữ và mang đến tự do dân chủ. 20 năm sau, họ ra đi để lại quốc gia cho… Taliban, với điều kiện duy nhất là không được che chở khủng bố. Taliban hứa, lại còn giữ an ninh cho Mỹ ra đi trật tự vì "lỡ" chiếm thủ đô nhanh hơn dự tính mấy tuần khiến Mỹ chưa kịp xếp vali.

Afghanistan một năm sau: Vẹn nguyên hỗn loạn - Ảnh 2.

Osama bin Laden ngồi cùng cố vấn Ayman al-Zawahir trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pakistan Hamid Mir. Ảnh do tờ Dawn cung cấp ngày 10-11-2001, Reuters đăng lại.

Năm bè bảy mối

An ninh tại thủ đô Kabul do một nhóm vũ trang thuộc Taliban đảm nhiệm. Nhóm này gồm khoảng 5.000 - 10.000 tay súng tên là Mạng lưới Haqqani. Từ cái tên đã cho thấy sự lỏng lẻo: Taliban rất phức tạp, năm bè bảy mối, chứ không phải một tổ chức thống nhất. Mỗi bộ tộc hay địa phương lại có sứ quân riêng, khi hòa khi chiến.

Haqqani là tập hợp mạnh trong phong trào Taliban, có thể là mạnh nhất hay chí ít được quốc tế biết đến nhiều nhất - hiện giữ Bộ Nội vụ và bảo an cho Kabul, vì thế là "bộ mặt" của phong trào. Chính phe Haqqani này từng được Mỹ và CIA hết lòng yểm trợ trong thời kỳ chống Liên Xô, nhận tiền của Saudi Arabia và vùng Vịnh, nên mới quen biết và trở thành thân thiết với Bin Laden.

Ý thức hệ Taliban là không quan tâm đến gì ngoài quốc gia của họ và có chăng là khu vực kế cận (Pakistan, Iran), trong khi Al Qaeda là ý thức hệ Hồi giáo toàn cầu. Haqqani vì nhận viện trợ Mỹ và Saudi nên là thành phần "quốc tế" của Taliban. Họ nhận chí nguyện quân Hồi giáo nước ngoài do CIA và Bin Laden tuyển. Thành phần này tương đối "tiến bộ", muốn cho phép nhạc nhẽo và trẻ em gái được đi học.

Giai đoạn 2001 - 2021 dưới các chính quyền thân Mỹ, phe Haqqani từng có lúc được mời tham chính, thậm chí giữ cả chức thủ tướng, nhưng thương thuyết bất thành. Năm 2021, các nhân vật như cựu tổng thống Hamid Karzai hay chủ tịch hội đồng hòa giải dân tộc Abdullah Abdullah có kế hoạch chánh phủ liên hiệp nhiều thành phần với Taliban nhưng không xong. Tuy vậy, hiện các ông này không di tản tị nạn sang Mỹ mà vẫn ở trong nước chờ thời cơ trở lại. Điều đó đồng nghĩa Taliban, và trước tiên là Haqqani, nếu muốn là một chế độ bình thường được quốc tế công nhận thì phải dùng đến loại ngựa già của chúa Mỹ như Karzai.

Lần thứ nhì Taliban nắm quyền rất khác lần thứ nhất (1996 - 2001). Năm 1996, phong trào này đánh tan 36 phái kháng chiến chống Liên Xô cũ đang giành giật nhau Afghanistan. Vào Kabul, họ thiến cựu chủ tịch (thời Liên Xô) Mohammad Najibullah và kéo sau xe diễu khắp phố phường trước khi treo cổ ngoài đường. Bấy giờ, Taliban cấm cả chuông xe đạp và thả diều! Tăm tiếng sắt đá của họ khiến chẳng ai dám đùa.

Năm 2021, chiến thắng của Taliban có khác. Khi chế độ và quân đội thân Mỹ sụp đổ nhanh ngoài tưởng tượng của bất cứ nhà tiên tri nào, Taliban đứng ra giữ an ninh cho Mỹ tháo lui trật tự. Thành phần chế độ cũ được Mỹ nhận vẫn ra đi yên ổn sau khi Kabul thất thủ. Cựu tổng thống Karzai ở lại, đầu tháng 8 vẫn họp báo tuyên bố này kia. Abdullah Abdullah thì cho gia đình sang Ấn nhưng vẫn ở Kabul.

Thế sự du du…

Phe Haqqani tích cực tìm cách gia nhập cộng đồng quốc tế và tạo hình ảnh mới về Taliban. Tháng 3 vừa qua, họ tuyên bố sẽ mở trường cấp 2 trở lên cho phụ nữ nhưng hoãn lại đến nay. Họ cũng muốn bỏ lệ áo trùm che mặt và cho phép ca nhạc để biết đâu nếu được tham gia Eurovision thì dám về trước giật giải của Ukraine. Nhưng như đã nói, Taliban rất đa thành phần, các hệ phái "tiến bộ" phải đấu tranh với những thành phần bảo thủ hơn.

Việc Mỹ giết Al Zawahiri làm mất mặt thành phần "cởi mở" trong Taliban, chứ các hệ phái khác chẳng ai buồn than khóc. Phần lớn Taliban bảo thủ thuộc phong trào hậu kháng chiến chống Liên Xô và lên nắm quyền khi nội chiến và nhũng lạm giữa chính các thành phần kháng chiến làm dân chúng quá mệt mỏi. Họ không nợ nần gì "hồn ma nhà họ Hứa" Al Qaeda.

Ta không biết các nhà tư tưởng phe Haqqani có thành thật nghĩ rằng phụ nữ không cần che mặt, được quyền đi học và mọi người được nghe nhạc hay không. Nhưng hẳn họ nghĩ làm vậy sẽ giúp Afghanistan bớt bị cô lập. Họ cũng chỉ muốn cho Al Zawahiri một chỗ dưỡng già, chứ không hẳn là dựng Al Qaeda sống dậy để đánh tiếp các tòa tháp ở Mỹ. Tổ chức quá đát này giờ còn vài việc xài được, như Saudi - UAE dùng đánh người Houthi (thân Iran) ở Yemen, hay giúp Israel đánh chế độ Assad ở Syria. Chỉ có Mỹ là vẫn còn tí nợ máu phải đòi, nhân lúc ông Tổng thống Joe Biden đang thiếu điểm với quần chúng!

Đây là tình thế nhạy cảm với Haqqani - thành phần có thể gọi là "thân Mỹ" nhất trong Taliban. Cho đến 4-8, họ vẫn chưa biết phải nói năng sao và làm ngơ về vụ giết Al Zawahiri. Chưa kể sau khi Taliban chiến thắng, 7 tỉ USD của quốc gia này ở nước ngoài bị Mỹ xiết. Haqqani đang phải thương thuyết với Mỹ để đòi về. Đây là số tiền cực kỳ lớn với Afghanistan, bằng 1/3 tổng GDP 2022 là 21 tỉ USD.

Chính quyền Biden hiện đòi mang số tiền đó chia cho gia đình các nạn nhân vụ 11-9 và tổ chức nhân đạo tại Afghanistan. Chính ông Karzai - người được Mỹ dựng lên làm tổng thống suốt 13 năm - cũng phải gọi đây là hành động "độc ác". Ông nói số tiền đó là của Afghanistan, chứ không phải của chế độ nào để mà chia chác. Còn về các tổ chức từ thiện, thì một cựu bộ trưởng kinh tế (thời chế độ thân Mỹ) từng nhận xét nếu một ngày các tổ chức này biến mất thì sẽ chẳng có gì thay đổi tại Afghanistan, ngoại trừ việc ngoài đường không còn xe Toyota Land Cruiser.

Vậy sau 1 năm Taliban nắm quyền, tổng kết ra sao? Một nhà báo nữ Tây phương vừa trở lại điều tra ở Afghanistan sau một năm đã tố cáo Taliban vẫn vi phạm quyền con người. Quả có thế thật. Dù không bằng phiên bản 1, Taliban phiên bản 2 vẫn bảo thủ thô bạo hơn đôi chút so với, nói thí dụ Ai Cập (là quê của Al Zawahiri) hay Saudi (quê Bin Laden). Nếu nữ nhà báo này muốn ở Afghanistan có nhóm team building phụ nữ ra bãi biển cởi áo ngực thì bà thất vọng là phải.

Biển thì Afghanistan không có, còn team building ở xứ đó thì phải có súng. Mà về chuyện súng ống thì Hoa Kỳ là vô đối: Họ đã đổ 73 tỉ USD cho lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan giai đoạn 2001 - 2021, dù cuối cùng cũng chẳng ra trò trống gì cả. Khi ra đi vào tháng 8-2021, Mỹ để lại khoảng 8 tỉ USD vũ khí, gồm nhiều trực thăng, may mà tổng thống Ashraf Ghani kịp mang một chiếc sang Uzbekistan, còn có kèm vali 10 ký vàng hay không thì tùy theo nguồn tin.■

Còn nhớ 1 năm trước, trong lúc bối rối, ngày 21-8-2021 Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đánh bom liều chết vào phi trường khiến 183 người chết. Người chết, thường dân và lính Taliban thì kệ, nhưng trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Mỹ đang chạy mà cũng đánh! IS bảo thì đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Mỹ mất mặt, phải trả đũa. Ngày 27-8, họ trừng trị đích đáng IS bằng máy bay không người lái ở đâu đó trong núi rừng. Ngày 29-8, họ ngăn chặn âm mưu đánh bom xe cách phi trường có mấy cây số. Vì nơi bị Mỹ phóng tên lửa ở gần nên báo chí đến tường thuật và điều tra. Hóa ra trong 10 người bị giết, có một số thuộc diện được Mỹ cho di tản sang Hoa Kỳ và 7 trẻ em. Chối không được, Mỹ đành phải nhận là đánh nhầm. Nếu giết nhầm thì khủng bố đáng giết ở đâu? Dao bay Ginsu bấy giờ ở nơi nào?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận