28/08/2017 09:32 GMT+7

Ai bảo vệ khách khi họ bị lộ thông tin?

TS NGUYỄN NGỌC SƠN
TS NGUYỄN NGỌC SƠN

TTO - Từ câu chuyện “Hãng bay để lộ thông tin khách?”, TS Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng khoa luật Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng luật có quy định về bảo mật thông tin cá nhân nhưng người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ.

Có lẽ người tiêu dùng Việt Nam đã phải chịu đựng quá nhiều sự phiền toái từ những cuộc điện thoại chào mời bất kể thời gian, bất kể sự xâm phạm riêng tư từ các đơn vị, cá nhân kinh doanh. Các lời mời chào có được thông tin về người tiêu dùng chính xác đến ngỡ ngàng.

Người tiêu dùng vốn yếu thế, họ không thể đủ điều kiện để tự điều tra trong khi chẳng ai giúp họ điều tra người có khả năng tiết lộ thông tin của họ.

Quyền “bất khả xâm phạm”

Trở lại vụ việc một hành khách bị tiết lộ thông tin trong câu chuyện “Hãng bay để lộ thông tin khách?”, rất nhiều người tiêu dùng là bạn đọc của tờ báo cũng bày tỏ đồng cảm, chia sẻ vì hoàn cảnh của họ chẳng khác gì.

Và họ đành bỏ qua cho êm chuyện hoặc ít nhất không tốn thêm thời gian để đi tìm công bằng. Vấn đề đặt ra là: pháp luật đang ở tình trạng nào đối với việc bảo vệ quyền thông tin của người tiêu dùng?

Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”, “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Từ góc độ pháp lý, quy định trên của Bộ luật dân sự đặt nền tảng cho quyền bảo mật thông tin cá nhân và quyền này là tuyệt đối (với quy định “là bất khả xâm phạm”).

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định rõ hơn về quyền bảo mật thông tin. Theo đó, điều 6 của đạo luật này quy định “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Tương ứng với quyền nêu trên của người tiêu dùng, luật này đặt ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau: (1) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; (2) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

TS Nguyễn Ngọc Sơn - Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Ngọc Sơn - Ảnh: NVCC

Vô phương chứng minh thiệt hại

Tại sao pháp luật đã có quy định nhưng quyền bảo mật thông tin cá nhân vẫn bị vi phạm? Tôi cho rằng có một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các quy định nêu trên chỉ là sự ghi nhận của pháp luật về quyền bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Sự ghi nhận này sẽ chỉ trở thành hiện thực và quyền của người tiêu dùng sẽ chỉ được bảo đảm trên thực tế nếu đáp ứng được hai yêu cầu: (1) phải có cơ chế thực thi phù hợp; (2) phải có cơ chế xử lý và hệ thống chế tài đủ để răn đe và phục hồi lợi ích cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, Bộ luật dân sự và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoàn toàn chưa có cơ chế thực thi quyền bảo mật thông tin phù hợp với đặc tính của quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu sử dụng các công cụ pháp lý của hai luật này để giải quyết thì dứt khoát hành khách bị xâm phạm phải chứng minh doanh nghiệp mà họ khiếu nại có hành vi tiết lộ thông tin. Điều này là vô phương với người tiêu dùng.

Thứ hai, thông tin của người tiêu dùng là vô giá, là tài sản vô hình thuộc sở hữu tuyệt đối của cá nhân. Do đó, khi bị xâm phạm, người bị xâm phạm cũng khó định lượng thiệt hại quy đổi bằng tiền. Trong khi đó, nguyên tắc bồi thường thiệt hại buộc người bị thiệt hại phải chứng minh giá trị thiệt hại để tính số tiền bồi thường.

Việc khó định lượng và quy định của pháp luật về bồi thường sẽ làm cho những gì vô giá trở thành “vô giá trị”. Khi đó, người vi phạm sẽ thoải mái vi phạm vì họ chẳng mất gì, nếu có phải bồi thường thì giá trị bồi thường cũng chẳng đáng gì so với cái họ được khi bán thông tin của người khác cho những nơi cần.

Thông tin lộ ra từ đâu?

Các thông tin chi tiết về giờ bay, chuyến bay, số điện thoại... của hành khách chắc chắn chỉ có hành khách, phòng vé và doanh nghiệp vận tải hàng không nắm rõ nhất. Thông tin này lộ từ đâu? Việc điều tra hoàn toàn có thể thực hiện nếu cơ quan nhà nước coi người dân trong các quan hệ giao dịch này là đối tượng phục vụ.

TS NGUYỄN NGỌC SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên