27/08/2022 08:47 GMT+7

Ai sẽ bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản?

THÀNH CHUNG thực hiện
THÀNH CHUNG thực hiện

TTO - Mới đây UBND TP Hà Nội cho hay sẽ bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 nhằm kiểm tra tính trung thực và ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Ai sẽ bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản? - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Việc thực hiện sẽ như thế nào và kỳ vọng hiệu quả đến đâu là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông ĐINH VĂN MINH - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), đơn vị chủ trì xây dựng quy định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập - cho biết quy định bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà Hà Nội ban hành được thực hiện theo Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và nghị định 130 năm 2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bốc thăm như quay xổ số, chọn 10%

* Việc bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Pháp luật đã quy định rõ những người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Việc xác minh là quá trình xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. 

Theo quy định, việc xác minh tài sản, thu nhập hằng năm được tiến hành trong nhiều trường hợp như có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên mà người kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, có tố cáo về việc kê khai không trung thực từ yêu cầu hoặc kiến nghị của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền...

Với bốc thăm dựa trên ngẫu nhiên không có căn cứ, dấu hiệu cụ thể. Việc bốc thăm để tạo công bằng với mọi cán bộ, công chức. Đồng thời nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả người kê khai tài sản dù có che giấu kỹ, khôn khéo đến đâu thì bất kỳ lúc nào cũng có thể nằm trong diện bị xác minh. Do đó người kê khai phải trách nhiệm, trung thực.

Ai sẽ bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản? - Ảnh 2.

Việc kê khai đừng nên tạo ra những rắc rối không cần thiết. Sự biến động trong một năm của cán bộ, công chức có thể có nhiều thứ nên nếu cứ biến động một vài chục triệu đồng/năm mà kê khai sẽ phải kê đi kê lại suốt. Do vậy quy định kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên là vừa phải.

Ông ĐINH VĂN MINH

* Như vậy tất cả các cơ quan đều thực hiện việc này?

- Hiện chúng ta cố gắng hằng năm một cơ quan kiểm soát khoảng 100 đầu mối thì mỗi năm xác minh 20%, tức khoảng 20 cơ quan trong các lĩnh vực được xác định là "có nhiều vấn đề" đưa vào kế hoạch xác minh. Bộ, ngành nào nhiều cơ quan sẽ giảm xuống 10%. Trong từng cơ quan lại cố gắng xác minh được 10% số cán bộ, công chức thuộc diện kê khai hằng năm. 

Ví dụ cơ quan có khoảng 100 người thì 10 người được xác minh. Trong 10% này, dứt khoát phải có một người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Lúc đó mới bốc thăm để tìm ra người ngẫu nhiên vào diện xác minh chứ không phải ngẫu nhiên ngay từ đầu.

Khi chưa xây dựng được phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên sẽ tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, có thể bằng tay hay như quay xổ số dưới sự chứng kiến của đại diện Ủy ban Kiểm tra, Mặt trận Tổ quốc... Sau khi chọn được cán bộ cần xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng sẽ lập tổ kiểm tra. Tổ sẽ thẩm tra, xác minh, kết luận cán bộ đó có trung thực không. Kết quả sẽ được công bố công khai theo quy định.

* Theo ông, cần làm thế nào để ngẫu nhiên nhưng không mang tính hình thức?

- Ngẫu nhiên nhưng không phải tuyệt đối mà vẫn phải căn cứ trên kế hoạch. Năm 2022 Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ và ban hành hướng dẫn cụ thể về việc bốc thăm ngẫu nhiên nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thanh tra Chính phủ sẽ xác định năm qua hoặc hiện tại những lĩnh vực nào có nguy cơ xảy ra tham nhũng nhiều để định hướng cho các đơn vị, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kế hoạch xác minh ngẫu nhiên. Tuy nhiên năm nay do thời gian không nhiều nên không ấn định số lượng mà chỉ nêu cố gắng làm càng nhiều càng tốt.

Hiện các cơ quan, địa phương như Hà Nội đang triển khai. Song việc này rất mới, lần đầu tiên thực hiện nên chắc chắn sẽ có lúng túng nhất định, thậm chí qua thực hiện có thể phát hiện các điểm không hợp lý. Khi đó các cơ quan sẽ báo cáo lại Thanh tra Chính phủ để có hướng dẫn cụ thể hoặc điều chỉnh phù hợp.

Ai sẽ bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản? - Ảnh 4.

Người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ công chức sau khi làm các thủ tục hồ sơ tại UBND quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ động từ chức sẽ không bị kỷ luật

* Với bốc thăm ngẫu nhiên và chỉ với 10% số cán bộ, công chức kê khai hằng năm như vậy, liệu có đạt được hiệu quả?

- Quan trọng nhất kê khai tài sản là ý thức tự giác của mọi người. Khi có các biểu hiện, dấu hiệu mới có thể xác minh còn không thể xác minh tất cả mọi người. Bốc thăm ngẫu nhiên chỉ là biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ chứ không nên quá hy vọng sẽ phát hiện ra bất thường, gia tăng tài sản do tham nhũng.

Điều rất quan trọng nếu kiểm soát được kê khai tài sản sẽ đảm bảo vấn đề thu hồi tài sản. Khi kê khai đạt hiệu quả hơn thì với người bị khởi tố, lập tức tài sản có thể bị phong tỏa ngay, các biệt thự, ôtô không thể chuyển nhượng, sang tên. Chính phủ đang xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, khi đó sẽ có công cụ thêm để kiểm soát tốt hơn.

* Thưa ông, quy định tại nghị định 130 nêu rõ nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức sẽ không bị kỷ luật. Việc này nên hiểu thế nào cho đúng?

- Luật phòng chống tham nhũng và nghị định khá nghiêm khắc khi quy định nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực có thể bị cảnh cáo chứ không có khiển trách. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch...

Luật, nghị định cũng quy định nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức sẽ không bị kỷ luật. Thực tế kê khai không trung thực cũng chỉ kết luận không trung thực chứ chưa thể kết luận tham nhũng hay không. Kê khai không trung thực phải kỷ luật nhưng nếu từ chức, nên hiểu đây cũng là biện pháp kỷ luật. 

Trừng phạt không nhất thiết cần các biện pháp của Nhà nước mà với người đang làm lãnh đạo phải từ chức là một việc rất nặng nề. Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng cần có tính nhân văn chứ không phải cái gì cũng xử lý.

* Việc kiểm tra kê khai có thể không tìm ra chứng cứ, nhưng với tài sản của người thân có liên quan thì sao, thưa ông?

- Hiện việc kê khai tài sản vẫn còn hạn chế là chỉ kiểm soát được tài sản cán bộ, công chức nên dễ dẫn đến tình trạng tài sản đứng tên người khác. Nhiều ý kiến cũng rất muốn mở rộng đối tượng, kiểm soát cả tài sản của vợ, chồng, con, cha mẹ, họ hàng. 

Song về pháp lý, quyền tài sản là quyền con người, quyền công dân mà những người đủ tuổi thành niên có quyền và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời trong nhiều trường hợp quy định như vậy cũng nằm ngoài khả năng của người kê khai.

Tuy nhiên, nếu tài sản mang tên người khác nhưng có mối quan hệ liên quan cũng bị xử lý. Ví dụ biệt thự mang tên cha nhưng cơ quan chức năng chứng minh được có nguồn gốc từ tiền của người con (mà kê khai không trung thực) thì hoàn toàn có thể xử lý được.

Về lâu dài để việc kiểm soát thực sự có hiệu quả, phải mở rộng việc kiểm soát ra toàn xã hội bằng các công cụ thuế, chống rửa tiền, không dùng tiền mặt.

Kê khai tài sản ở nước ngoài

Tại vùng lãnh thổ Kosovo ở đông nam châu Âu, cơ quan chống tham nhũng ở đây cũng áp dụng hình thức bốc thăm để kiểm tra tài sản của các quan chức cấp cao. Việc bốc thăm được thực hiện theo Luật về kê khai, nguồn gốc và kiểm tra tài sản của quan chức.

"20% trong tổng số quan chức có trong danh sách đã kê khai tài sản sẽ chịu sự kiểm tra của cơ quan chống tham nhũng về toàn bộ tài sản đã kê khai của họ. Lễ bốc thăm được tổ chức tại tòa nhà của cơ quan chống tham nhũng", Hãng tin Kosova Press thông tin về một lần bốc thăm để xác minh tài sản quan chức hồi năm 2021.

Tại Trung Quốc, nước này đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt trong vấn đề kê khai tài sản của quan chức. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, nhiều quốc gia ở châu Á như Ấn Độ, Pakistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Nepal... cũng yêu cầu quan chức kê khai tài sản cá nhân.

Chẳng hạn ở Nepal, tất cả quan chức chính phủ, các thành viên của quốc hội... được yêu cầu kê khai thu nhập và tài sản của họ. Các quan chức này cũng được yêu cầu báo cáo tài sản của vợ/chồng và con cái của họ.

BÌNH AN

Tiêu chí lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập

* Người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

* Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền trước đó.

* Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau: người đang bị điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

* Ông Phạm Trọng Đạt (nguyên cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ):

Đề xuất quan chức về hưu cũng phải kê khai tài sản

1PhamTrongDat 1(Read-Only)

Quy định hiện nay kiểm tra xác minh 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại cơ quan, đơn vị thì việc bốc thăm ngẫu nhiên là hợp lý, bước tiến tạo công bằng, tránh cho suy nghĩ là sao không chọn người này mà lại người kia.

Tuy nhiên, việc kê khai hiện nay vẫn trên cơ sở tự giác, trung thực của cán bộ, công chức và nếu kê khai sai, việc xử lý cũng chủ yếu về mặt đảng, hành chính. Hiện chưa có chế tài cụ thể về kê khai không trung thực, không chứng minh được sẽ bị thu hồi số tài sản đó hay xử lý thế nào.

Về lâu dài cần thực hiện quy định cán bộ thuộc diện kê khai phải xác minh toàn bộ. Đồng thời, nên xem xét để có chế tài pháp luật mạnh hơn như thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc và thậm chí xử hình sự nếu cố tình kê khai sai để che giấu.

Ngoài ra hiện luật đã quy định vợ, chồng, con cái trên 18 tuổi của cán bộ cũng phải kê khai nhưng có hiện tượng quan chức lại nhờ họ hàng, bạn bè quan hệ thân thiết đứng tên hộ tài sản, đất đai. Do đó luật cần điều chỉnh để có hướng kiểm soát vấn đề này.

Bên cạnh đó, không ít quan chức về hưu mới mua vài cái nhà, xe nhưng không bị quản lý. Vì thế không chỉ quan chức đương chức mà cần tính toán yêu cầu quan chức về hưu cũng phải kê khai và nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm.

* Ông Lê Hữu Trí (phó Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, nguyên chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa):

Tăng giao dịch không tiền mặt để kiểm soát tài sản, thu nhập

LeHuuTri-KhanhHoa 1(Read-Only)

Việc thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ công chức là phù hợp và tạo sự công bằng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện thế nào để đạt hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thời gian tới cần thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng cũng như nghị định 130 và thường xuyên kiểm tra lại người kê khai tài sản để kịp thời phát hiện các vi phạm.

Bên cạnh đó, trong phạm vi quản lý toàn xã hội việc tăng cường giao dịch không tiền mặt chính là một biện pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Hà Nội bốc thăm tại 12/131 đơn vị

Ông Trương Việt Dũng, chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho hay theo kế hoạch năm đầu tiên thực hiện bốc thăm (năm 2022), Thanh tra Hà Nội sẽ tiến hành xác minh tại 12/131 đơn vị: Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Sở TT-TT, các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, huyện Thanh Trì, BQL dự án ĐTXD công trình giao thông TP, BQL khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Trường cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội.

Ai sẽ bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản? - Ảnh 13.

UBND TP Hà Nội cho hay sẽ bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Trong ảnh: công chức phường tại TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM: mở rộng hình thức công khai

Ngày 26-8, Thanh tra TP.HCM tổ chức tập huấn công tác xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức.

Báo cáo sơ kết việc kê khai tài sản, thu nhập trong 5 năm từ 2014 đến 2018 tại TP.HCM cho thấy việc xác minh tài sản, thu nhập chưa tạo được tính chủ động nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai.

Kê khai tự nguyện, tự giác không có cơ quan xác minh tính trung thực dẫn đến tình trạng người có nghĩa vụ kê khai chưa thật sự nghiêm túc. Việc tổ chức thực hiện còn nặng hình thức, nhiều bất cập, việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập và xác minh việc kê khai chưa hiệu quả.

TP.HCM cũng kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó mở rộng các hình thức công khai việc kê khai tài sản, thu nhập như trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại các cơ quan và nơi sinh sống. Quy định thẩm quyền chủ động xác minh tài sản, thu nhập cho các cơ quan chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra.

Cùng với đó, kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm kiểm soát tất cả các nguồn thu nhập đầu vào, quá trình hình thành tài sản, kiểm soát việc chi tiêu dùng, chi đầu tư và chuyển giao tài sản cho người khác. Tăng chế tài về hành chính, hình sự và cả chính trị đối với những trường hợp kê khai không trung thực. Xử lý nghiêm việc kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm.

TIẾN LONG

Cà Mau dùng phần mềm chọn ngẫu nhiên

Trước Hà Nội, một số địa phương, đơn vị đã thực hiện việc bốc thăm ngẫu nhiên như Cà Mau, Đắk Nông, Lạng Sơn, Ủy ban Dân tộc… Trong đó, ông Nguyễn Minh Phụng - chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau - cho hay mọi việc diễn ra thuận lợi.

"Chúng tôi đã xây dựng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên đối tượng thuộc diện quản lý để xác minh tài sản, thu nhập. Phần mềm thực hiện lựa chọn hồ sơ một cách ngẫu nhiên, không cho phép can thiệp vào kết quả lựa chọn thông qua khóa mã hóa. Quá trình lựa chọn ngẫu nhiên có sự chứng kiến của Ủy ban kiểm tra, Mặt trận Tổ quốc và diễn ra thuận lợi" - ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, đây là năm đầu tiên thực hiện và mới làm xong bước lựa chọn đối tượng, đồng thời theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, do thời gian năm nay không còn nhiều nên không đặt số lượng như quy định mà cố gắng xác minh ngẫu nhiên được nhiều nhất. Còn muốn biết khó khăn thế nào thì phải chờ quá trình tổ chức thực hiện, xác minh.

Tuy nhiên hiện Thanh tra Chính phủ chưa có hướng dẫn quy trình, cách thức xác minh như có yêu cầu các ngân hàng cung cấp tài khoản hay văn phòng đăng ký đất đai cung cấp quyền sử dụng đất không nên cơ bản vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

T.CHUNG

Tin sáng 18-8: Sẽ có chính sách đặc thù mới cho TP.HCM; Xác minh tài sản cá nhân ở 20 đơn vị y tế Tin sáng 18-8: Sẽ có chính sách đặc thù mới cho TP.HCM; Xác minh tài sản cá nhân ở 20 đơn vị y tế

TTO - Sẽ có chính sách đặc thù mới, thay thế nghị quyết 54 cho TP.HCM; Bộ Y tế xác minh tài sản cá nhân ở 20 trong số 104 đơn vị trực thuộc bộ; 7 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 32,47%... là các tin đáng chú ý sáng nay.

THÀNH CHUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên