28/01/2020 08:00 GMT+7

Ẩm thực và văn hóa hay văn hóa ẩm thực

NGUYỄN MỸ LINH
NGUYỄN MỸ LINH

TTO - Ngoại giao văn hóa" là một vấn đề tế nhị, nhưng hầu như không quốc gia phát triển nào trên thế giới không có công cuộc chinh phục thế giới theo cách này.

Ẩm thực và văn hóa hay văn hóa ẩm thực - Ảnh 1.

Nguyên liệu để nấu phở Việt, ảnh chụp trong cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon” 2019 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kinh nghiệm sát sườn của nhiều quốc gia châu Á lân cận là văn hóa mở đường đi trước, kinh tế và ảnh hưởng chính trị theo sau, và thường đạt được mục tiêu.

Mãi phở và nem?

Ẩm thực - một phần của văn hóa và là công cụ hữu hiệu. Người ta làm quen với một món ăn, quen với nếp sinh hoạt gắn liền với thói quen ăn đó, rồi từ đấy hiểu rộng hơn, biết nhiều thêm do những tò mò vô thức. Và thế là văn hóa có một cơ hội để chen chân.

Dù đã trở thành công thức đến mức có phần nhàm chán nhưng không thể phủ nhận phở và nem đã khiến người ta nhận ra: "Đấy là ẩm thực Việt Nam. Việt Nam có những món này, nó vừa là món ăn ngon nhưng cũng là món ăn bình dân, và cho thấy một phần nếp ăn uống sinh hoạt của xứ sở".

Như vậy, ẩm thực Việt Nam nhiều năm qua đã hoàn thành sứ mạng ban đầu, để giúp nhận diện một phần văn hóa trong sự ăn uống của người Việt. Phở và nem Việt ở khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á, ở bất cứ đâu có người Việt đặt chân, như một phần của việc đánh dấu sự hiện diện.

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, việc mang ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài được coi là một phần của sứ giả văn hóa, vậy thì vị sứ giả ấy có diện mạo ra sao? Có mang được vóc dáng của một đất nước đang mong muốn chinh phục và thiết tha cho thế giới thấy những nỗ lực đi lên của xứ sở mình?

Trả lời câu hỏi này khó nhưng thật ra không khó. Khó vì nó bắt chúng ta từ bỏ những thói quen, nếp nghĩ đã hình thành từ nhiều năm là mang tất cả những món ăn ngon được công nhận trong ẩm thực Việt Nam để khoe với thế giới.

Nem ngon ta khoe nem, phở ngon ta khoe phở, nộm đu đủ ngon ta khoe nộm… nghĩa là ta yên tâm sống trong "vùng an toàn". Ta yên tâm rằng cha ông đã nghĩ ra, đã được kết tinh và thử thách qua năm tháng - vậy thì không còn rủi ro.

Ẩm thực và văn hóa hay văn hóa ẩm thực - Ảnh 2.

Nem Hà Nội - Ảnh minh họa

Rủi ro của sự “nhận vơ”

Nhưng sai, rủi ro vẫn còn. Đấy chính là sự chiếm dụng những thành quả của văn hóa ẩm thực, hay nói nôm na hơn là việc nấu phở, làm nem để bán không còn là độc quyền của người Việt.

Ngay cả sự nhận diện ẩm thực cũng có nguy cơ bị chiếm dụng. Nhiều người Nam Phi ngỡ ngàng khi biết nem là của Việt Nam bởi tại đó người Hoa rán nem bán trên hè phố.

Nhiều người Paris nghĩ phơ, phổ, phỡ là của người Hoa khi mà quán phở được bán bởi một ông chủ không nói “cảm ơn” mà nói “xia xia nỉ”, và chữ “phở” được viết hoặc cố tình viết sai lỗi chính tả.

Như vậy, ngay cả những giá trị đã có, được khẳng định cũng không đồng nghĩa với việc không thể nhầm lẫn. Vậy điều gì khiến ẩm thực trở thành một phần của văn hóa? Và giúp gì để văn hóa Việt Nam có thể tìm một chỗ chen chân trên thế giới rộng lớn này?

Chỉ cần đi nhiều một chút, không chỉ ở Hà Nội, sẽ thấy chúng ta thật may mắn vì có một nền ẩm thực quá phong phú. Một đất nước có tới 54 dân tộc, dù người Kinh chiếm đa số cũng không thể phủ nhận đóng góp của những dân tộc khác cho sự giàu có của nền ẩm thực Việt Nam.

Cũng là một con gà nhưng người Thái luộc và pha nước chấm với chẩm chéo, người ở Hà Nội với muối tiêu chanh, người ở khu vực sông Mekong với nước tương chưng… Nghĩa là chỉ nhìn vào mâm cơm, vào món ăn là ra được câu chuyện về đời sống vùng miền, về thói quen sinh hoạt.

Ăn đồ Huế nhìn ngay ra một vùng đất không trù phú giàu có về nguyên liệu, lấy sự cầu kỳ diệu vợi trong chế biến tỉa tót làm thế mạnh. Ăn đồ miền Tây lục tỉnh thấy sự khoáng đạt, chim trời cá nước ê hề đồ ăn, một nồi lẩu mắm thôi là đọc ra hết cái sự may mắn trời cho của một vùng đất.

Nhìn vào nồi canh dưa nấu lạc giã hay tóp mỡ là ra ngay cái cảnh nhà nghèo vùng chiêm trũng vượt khó, kiểu gì cũng làm được một bữa ngon. Hay nhìn bát bún thang là biết ngay bà nội trợ Bắc Kỳ khó tính, kỹ càng nhường nào.

Vậy ẩm thực chắc chắn là văn hóa rồi

Món ăn cho người ta thấy những câu chuyện đời sống. Ẩm thực giúp người ta đọc ra được thói quen sinh hoạt của một cộng đồng. Người ta thưởng thức món ăn nhưng thấy được phần hồn trong đó. Tiệc tùng chỉ là một phần của câu chuyện, chuyện còn lại là món này làm thế nào, chế biến ra sao.

Đặc trưng vùng miền có thể thấy trong đó không? Tại sao lại là món ăn này mà không là món khác trên bàn tiệc? Tại sao món này được mời ăn trước mà không là món kia? Đầu bếp Việt Nam hôm nay đã tài hoa thế nào? Có gì mang dấu ấn riêng, không thể tìm thấy ở nơi khác?

Khách đến ăn tiệc giới thiệu ẩm thực của một đất nước thường là người chờ đợi điều gì thú vị hơn miếng ăn. Nếu chỉ là thịt là rau là gà là cá, có gì mà xúc động?

Thay đổi nếp nghĩ về ẩm thực, bước ra khỏi “vùng an toàn” của những món ăn đã quen thuộc mà chúng ta nghĩ rằng được thế giới ghi nhận, để tiến thêm một bước nữa tới việc khoe ra sự giàu có của văn hóa ẩm thực Việt Nam, ấy mới thực sự là giới thiệu một góc của văn hóa Việt.

Ẩm thực là sáng tạo, ắt phải có phát triển

Chỉ nhìn vào mâm cơm của các gia đình Việt Nam những năm trở lại đây đã thấy thay đổi khá nhiều. 20, 10 hay thậm chí là 5 năm trở lại, món ăn Việt Nam đã khác, sự ăn uống của người Việt cũng khác.

Cùng với sự xuất hiện của một thế hệ đầu bếp trưởng thành sau thời bao cấp, nhiều cơ hội giao lưu thì bên cạnh những món ăn truyền thống là những món ăn được sáng tạo ra, cho thấy một sự phát triển về tay nghề và của chính nền văn hóa ẩm thực. Với tất cả những lợi thế ấy, việc bước ra khỏi “vùng an toàn” dường như là cần thiết.

Hãy cho thế giới thấy một bức tranh văn hóa ẩm thực Việt Nam vừa nhiều bản sắc, vừa giàu có, vừa phát triển. Hãy cho thế giới thấy Việt Nam có sự động não, có tay nghề.

Không chỉ là những bữa ăn gần như được rập khuôn hoặc được quẩy kĩu kịt từ Việt Nam sang, mà là những bữa ăn được trầm trồ trước tài nghệ của các đầu bếp biết dùng sản phẩm địa phương nước bạn để chế biến những món ăn giàu hương vị Việt.

Hãy là những bữa ăn giới thiệu nghệ thuật ẩm thực vùng biển đảo Việt Nam, thay vì lại nem và phở. Hãy là những bữa giới thiệu cơm cung đình, thay vì mì xào, bún chả. Hãy dùng vịt Toulouse để làm ra món ăn Việt và dùng chân giò Đức để nấu những món Việt khi đến giao lưu, khiến các bạn Tây không ngờ!

Đã đến lúc chúng ta có đầy đủ điều kiện để thoát khỏi những nếp suy nghĩ cũ, những cách hiểu về văn hóa ẩm thực Việt Nam cũ, chỉ còn là quyết định tung cánh thôi...

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh từng là “chủ xị” chương trình Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật trên VTV3. Hiện Mỹ Linh là phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam chuyên đưa các tin tức, phóng sự về những hoạt động giao thương Pháp - Việt cũng như tình hình chính sự ở Pháp hay ở châu Âu. Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ với Tuổi Trẻ Xuân từ chiêm nghiệm của chị về ẩm thực - văn hóa.

Festival Văn hóa ẩm thực du lịch quốc tế - Nghệ An 2019 Festival Văn hóa ẩm thực du lịch quốc tế - Nghệ An 2019

Từ ngày 17 - 21/7/2019, tại thành phố Vinh, Nghệ An sẽ diễn ra Festival Văn hóa ẩm thực du lịch Quốc tế - Nghệ An 2019.

NGUYỄN MỸ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên