17/08/2022 10:48 GMT+7

App cho vay nặng lãi hoành hành - Kỳ 2: Tầng tầng cạm bẫy

ĐỨC THIỆN - ĐAN THUẦN - MINH HÒA
ĐỨC THIỆN - ĐAN THUẦN - MINH HÒA

TTO - Rất nhiều người vay tiền ít khi để ý đến mức lãi suất cho vay cũng như các phí, quy định (trả lãi, xử phạt) của app cho vay.

App cho vay nặng lãi hoành hành -  Kỳ 2: Tầng tầng cạm bẫy - Ảnh 1.

Rất nhiều app vay tiền với quảng cáo thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, lãi suất từ 0% - Ảnh: H.T.

Chẳng hạn lãi suất vay được các app quảng cáo chỉ có 9%/tuần, tức người vay 1 triệu đồng chỉ trả lãi 90.000 đồng. Con số có vẻ chả đáng là bao này đã khiến nhiều người lầm tưởng rẻ và "dính bẫy".

"Tuy nhiên, khi đã vay rồi mới thấy mọi chuyện không đơn giản như suy nghĩ lúc đầu. Người vay dễ bị lâm vào cảnh phóng lao phải theo lao" - P., giám đốc kinh doanh một công ty dịch vụ tài chính, cho hay.

"Chết" vì lãi... vô hình

Theo P., khi người dùng vay 1 triệu đồng thì họ chỉ nhận được chừng 700.000 đồng vì 300.000 đồng đã bị trừ vào các chi phí, thủ tục này kia mà chẳng mấy người dùng đọc kỹ các điều khoản, quy định khi nhấn nút đồng ý vay. 

Thế nhưng họ vẫn bị tính là vay 1 triệu đồng. Và với mức lãi suất 9%/tuần có vẻ nhỏ, nhưng nếu tính theo đơn vị năm thì lãi suất đã lên đến khoảng 468% - một con số "cắt cổ". "Khi đó, một người vay 10 triệu đồng sẽ phải trả lãi lên đến gần 50 triệu đồng. 

Đó là chưa kể các loại hình phạt chậm trả lãi, lãi mẹ đẻ lãi con khiến người vay trả hoài không dứt nợ. Đó là chiêu thức kiếm tiền cơ bản của các ứng dụng cho vay hiện nay", P. tiết lộ.

Bên cạnh lãi vay "cắt cổ", người vay còn phải chịu một thứ "lãi" vô hình khác, đó là các thông tin cá nhân, danh bạ người thân quen, tài khoản mạng xã hội, hình ảnh CMND/CCCD... 

"Tùy theo đối tượng vay là công nhân hay học sinh, sinh viên, người đi làm mà các ứng dụng sẽ có những cách thu thập và khai thác thông tin khác nhau. Các thông tin này đối với một số người là không quan trọng nhưng bên app cho vay sẽ có cách khai thác nó để kiếm lời trong tương lai", P. cho biết.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, app cho vay là một dạng ứng dụng được cấp quyền quản trị cao nhất của thiết bị, giúp bên cho vay dễ dàng kiểm soát người vay đang làm gì trên thiết bị của mình. 

Tâm lý người đang "khát tiền" cần vay sẽ bỏ qua tất cả những cảnh báo nguy hiểm. Một số ứng dụng cho vay còn được thiết kế để "xin" mọi quyền truy cập các thông tin, hình ảnh, tài khoản trên smartphone của người dùng.

Liên minh "bóng đêm"

Các ứng dụng cho vay nặng lãi đã được cơ quan chức năng lẫn các phương tiện truyền thông "điểm mặt" nhưng thay vì giảm bớt, chúng lại ngày càng nở rộ và có thêm nhiều khách hàng. 

Vì sao chúng luôn có thêm những nạn nhân mới dù chiêu thức vẫn như cũ, có lẽ là thắc mắc của rất nhiều người dùng hiện nay. 

"Vì chúng luôn biết cách tìm đến đúng đối tượng cần vay tiền khẩn cấp" - Trung Hiếu, chuyên gia phân tích dữ liệu một công ty công nghệ tại TP.HCM, cho biết.

Theo Hiếu, hầu hết người dùng Việt Nam hiện nay, đặc biệt là sinh viên, công nhân, người đi làm công ăn lương... dễ dàng đưa mọi thông tin cá nhân của mình lên các trang mạng xã hội như Facebook. 

"Kể cả chuyện họ đang túng thiếu tiền trọ, tiền ăn, cần mượn tiền cho các khoản chi tiêu cá nhân, gia đình, hoặc họ là những người thường chơi bài bạc, cá độ... Tổng hợp các thông tin trên mạng có thể giúp các công cụ kỹ thuật "ngửi" được người dùng nào đang cần tiền nhưng khó vay mượn bạn bè, người thân quen. Đó là lúc các ứng dụng cho vay "đánh trúng tim đen" của khách hàng", Hiếu phân tích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dữ liệu, thông tin của người dùng đưa lên mạng sẽ được nhiều bên thu thập và mua bán, trao đổi lẫn nhau. 

Chẳng hạn thông tin một người dùng tham gia web đánh bài, cá cược có thể có email, tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của họ; thông tin để truy cập Internet WiFi miễn phí ở một điểm công cộng có thể bao gồm số điện thoại, tuổi tác; thông tin check-in ở một cửa hàng khuyến mãi có thể bao gồm họ tên, email, số điện thoại... và tất nhiên là cả mặt hàng mua sắm, thanh toán tiền mặt hay quẹt thẻ... 

Các thông tin riêng lẻ đó có thể được một công ty dữ liệu mua lại, tổng hợp và phân tích để cho ra các mục đích cần thiết. 

Chẳng hạn với ứng dụng cho vay sẽ là dữ liệu người có khả năng vay tiền cao nhất. Tiếp đó các ứng dụng cho vay sẽ mua dữ liệu đó về và khai thác, tập trung quảng cáo, tiếp thị nhắm đến tập khách hàng đã mua. 

"Dân trong nghề thường hay gọi những doanh nghiệp thu thập, mua bán và khai thác dữ liệu người dùng là liên minh "bóng đêm" bởi họ làm các công việc này thường không hợp pháp", Hiếu tiết lộ.

Một thủ thuật khác mà các app cho vay thường sử dụng là đẩy nạn nhân vào thế hoảng loạn tinh thần bằng cách đòi nợ theo kiểu "khủng bố" tin nhắn. 

Nhiều người dùng nhận được tin nhắn có thể hoảng sợ và lo cho sự bình yên của bản thân và gia đình cũng như tránh nguy cơ bị quấy rối, bêu riếu trên mạng xã hội nên sẵn sàng giải quyết cho xong chuyện. 

Đó là lúc kẻ xấu ngoài đòi tiền còn "thòng" thêm bẫy dụ người dùng cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mã OTP... thông qua các trang web mạo danh kiểm tra thông tin, thanh lý hợp đồng. Từ đó, các đối tượng này sẽ tiếp tục trục lợi tiền từ các thông tin chiếm đoạt được.

Theo trung tướng Trần Ngọc Hà - cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an, lợi dụng công nghệ, mạng xã hội các đối tượng cho vay thường tung những hình ảnh, thông tin quảng cáo hấp dẫn như không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng... 

Nhưng khi "con mồi" vào tròng thì bọn chúng thực hiện nhiều thủ đoạn để thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; hoặc ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay...

Rõ ràng "tín dụng đen" hiện không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo bằng tờ rơi, ngân hàng "cột điện" như cách đây một vài năm, mà còn bằng nhiều hình thức với "công nghệ cao" để đưa người túng tiền vào tròng với tầng tầng cạm bẫy.

Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, cảnh báo: "Một số app cho vay có thể chứa mã độc hoặc back-door (cửa hậu), cho phép chủ ứng dụng thực hiện các thao tác điều khiển điện thoại từ xa dễ dàng.

Từ đó, kẻ xấu có thể lấy mã OTP tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài khoản email, Facebook, Zalo... hoặc lén thu thập các thông tin riêng tư của người dùng để phục vụ các hoạt động trục lợi của chúng".

Bỗng dưng bị "khủng bố"

tin nhan de doa app ) 1(Read-Only)

Những cuộc gọi thâu đêm suốt sáng “khủng bố” tinh thần người vay - Ảnh: T.X.

Những người vay tiền bị tra tấn đã đành, nhiều người không vay, không liên quan gì cũng bị các nhóm tín dụng đen, app cho vay trên mạng "khủng bố" tinh thần.

Thế nên, bạn đừng bất ngờ nếu một ngày nào đó bỗng dưng mình nhận được liên tiếp các cuộc gọi "khủng bố" tinh thần, đe dọa đòi nợ vì khoản vay của một người khác...

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, thầy Đ.L.N. (hiệu trưởng một trường đào tạo nghề tại TP.HCM) cho biết cuối tháng 4 năm nay, đột nhiên ông nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ có nội dung tố vợ chồng ông vay tiền của công ty tài chính nhưng không trả.

Không chỉ vậy, hình ảnh của vợ chồng thầy N. cũng bị lấy để bêu xấu là lừa đảo trên mạng xã hội. Những người này còn dọa đến trường thầy N. làm việc để gây rối.

Vô cớ bị quấy rối, sau một thời gian tìm hiểu thì thầy N. mới tá hỏa vì căn nguyên sự việc xuất phát từ việc một cộng tác viên làm việc hành chính tại trường có vay một số tiền qua app. Khi làm thủ tục vay, nhân viên này có điền thông tin cá nhân của lãnh đạo nơi làm việc theo yêu cầu của app cho vay.

"Tôi hỏi thì cộng tác viên này khẳng định đã trả đủ, còn đối tượng cho vay thì nói do người này chậm trả nên phát sinh lãi phạt, chưa trả đủ. Đòi không được, họ quay qua kêu tôi trả nợ dù tôi không liên quan gì", thầy N. bức xúc.

Liên tục bị quấy rối bất kể ngày đêm, thậm chí còn dọa "xử đẹp", thầy N. đã phải làm đơn trình báo sự việc gửi đến công an.

Tương tự, hơn 4 tháng nay, thầy Bùi Đình T., hiệu trưởng một trường học ở xã Ea H’đing (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk), liên tục bị người của công ty tài chính cho vay tiền qua mạng gọi điện, nhắn tin đòi nợ.

Nhóm này nói rõ, khoản nợ này là của người quen hiệu trưởng T., nên buộc thầy phải có trách nhiệm nhắc nhở, hối thúc người này trả nợ.

Thầy T. đã giải thích và yêu cầu họ đòi trực tiếp người vay nhưng nhóm đòi nợ vẫn liên tục "khủng bố" ông cả ngày lẫn đêm. "Họ gọi điện bất kể ngày đêm, vu khống tôi đồng lõa, chạy nợ... Tôi chặn số này thì họ lập tức gọi lại bằng số khác. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tôi", thầy T. mệt mỏi nói.

App cho vay nặng lãi: Không trả tiền không sống yên! App cho vay nặng lãi: Không trả tiền không sống yên!

TTO - Sau một thời gian tạm lắng khi nhiều tổ chức tín dụng đen - cho vay qua app, bị công an truy quét thì gần đây loại tội phạm này có dấu hiệu hoạt động mạnh mẽ trở lại.

ĐỨC THIỆN - ĐAN THUẦN - MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên