25/08/2019 07:07 GMT+7

'Bác sĩ cứu con em, 6 tuổi cháu đã có kinh nguyệt!'

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG

TTO - Một bà mẹ hốt hoảng dắt đứa con gái chạy vào phòng khám, “bác sĩ ơi, cứu con em với, nó mới 6 tuổi mà đã “bị” (có kinh nguyệt) rồi!”. Ngoài ra, bà mẹ còn cho biết con gái bỗng nhiên cao vọt lên và ngực nhô ra.

Bác sĩ cứu con em, 6 tuổi cháu đã có kinh nguyệt! - Ảnh 1.

Bé gái có tỉ lệ dậy thì sớm gấp 10 lần so với bé trai

Vẻ mặt bé còn non nớt, bản thân chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Con được chẩn đoán dậy thì sớm khi chỉ vừa bước vào lớp 1!

Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì sớm được xác định là khi trẻ có biểu hiện dậy thì khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai (tuy nhiên, độ tuổi này hiện còn được bàn cãi).

Các biểu hiện của dậy thì ở trẻ là gì?

* Ở bé gái: (trước 8 tuổi)

- Phát triển ngực

- Mọc lông mu, lông nách

- Tăng vọt chiều cao

- Có kinh nguyệt

- Mụn trứng cá

- Cơ thể "có mùi".

* Ở bé trai: (trước 9 tuổi)

- Tinh hoàn, dương vật phát triển

- Mọc lông mu, lông nách, râu

- Tăng vọt chiều cao

- "Vỡ" giọng, giọng trầm đi

- Mụn trứng cá

- Cơ thể "có mùi".

Tại sao trẻ dậy thì sớm?

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, đôi khi dậy thì sớm lại là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, nên cần được khám và kiểm tra.

Có 2 loại dậy thì sớm:

1. Dậy thì sớm trung ương: thường gặp nhất, do hoạt động sớm của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục gây tăng tiết GnRH.

Đa số là không xác định được nguyên nhân, nhưng cũng có những bệnh lý gây ra tăng GnRH như: khối u trong não hoặc tủy sống, tổn thương các cơ quan hệ thần kinh trung ương, bức xạ vào não hay cột sống, suy giáp, hội chứng McCune-Albright - tăng sản thượng thận bẩm sinh...

2. Dậy thì sớm ngoại vi: dạng này ít phổ biến hơn. Nguyên nhân không phải do nồng độ GnRH, mà do chính bản thân các nội tiết tố sinh dục (estrogen, testosteron) tăng cao.

Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến dậy thì sớm ngoại vi gồm: khối u ở tuyến thượng thận hoặc trong tuyến yên tiết ra estrogen hoặc là testosteron; u nang buồng trứng, khối u buồng trứng; tiếp xúc với các nguồn estrogen hay testosteron bên ngoài, chẳng hạn như các loại kem thoa...

Một số yếu tố có thể liên quan đến dậy thì sớm, bao gồm:

- Giới tính: con gái có tỉ lệ dậy thì sớm gấp 10 lần so với con trai.

- Di truyền: dậy thì sớm có thể do các đột biến gen kích hoạt giải phóng hormone giới tính sớm, hầu hết những đứa trẻ này thường có cha mẹ hoặc anh chị em có bất thường tương tự.

- Béo phì: các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa béo phì và tăng nguy cơ dậy thì sớm ở các bé gái, nhưng chưa thấy liên quan đến dậy thì sớm ở bé trai.

Dậy thì sớm gây ảnh hưởng gì cho trẻ?

Về tâm lý: Những thay đổi trên cơ thể (ngực lớn, mụn trứng cá, râu…) làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ khiến trẻ tự ti, trầm cảm. Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học.

Hạn chế chiều cao: Những trẻ dậy thì sớm sẽ có giai đoạn dậy thì ngắn. Ban đầu, trẻ sẽ phát triển nhanh, cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng giai đoạn này không kéo dài và khi giai đoạn này kết thúc, trẻ cũng chậm phát triển lại và thấp hơn các bạn.

Nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang: chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển các rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.

Quan hệ tình dục sớm: Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. 

Bé còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng; và hậu quả là mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai khi tuổi đời còn quá nhỏ dẫn đến nạo, phá thai, để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trẻ dậy thì sớm cần làm xét nghiệm gì?

Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ dậy thì sớm, ba mẹ nên đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi để được kiểm tra. Tùy vào tình trạng lâm sàng của trẻ, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác định các bệnh lý tiềm ẩn:

Xét nghiệm máu để kiểm tra nội tiết tố; chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u; chụp X-quang bàn tay để xác định tốc độ trưởng thành của xương.

Trẻ bị dậy thì sớm được điều trị như thế nào?

Khi trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm, trẻ cần được điều trị. Mục tiêu điều trị là ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng và trưởng thành của xương, từ đó giúp trẻ tránh được những hậu quả của dậy thì sớm.

Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra dậy thì sớm (sau khi đã làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh).

Kết quả điều trị sẽ được theo dõi, đánh giá dựa vào các đặc điểm lâm sàng và các xét nghiệm kiểm tra:

- Ở bé gái: kích thước ngực có thể giảm hoặc không phát triển hơn nữa

- Ở bé trai: dương vật và tinh hoàn có thể nhỏ lại về kích thước ​​theo tuổi

- Tăng trưởng chiều cao, tăng trưởng xương cũng sẽ chậm lại với tốc độ dự kiến ​​

- Tâm lý, hành vi của trẻ thường cũng trở nên phù hợp với lứa tuổi hơn.

Chăm sóc trẻ dậy thì sớm như thế nào?

Ba mẹ nên giải thích cho trẻ đơn giản về những gì đang xảy ra, rằng những thay đổi này là bình thường đối với trẻ lớn và vị thành niên, nhưng ở trẻ lại bị bắt đầu phát triển quá sớm. Nên cho trẻ biết về việc điều trị và những gì tốt cho trẻ khi được điều trị.

Ngoài ra, ba mẹ cần theo dõi các dấu hiệu ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ như: bị trêu chọc, khó chịu về cơ thể, cảm xúc bất thường… để giúp đỡ trẻ vượt qua. Mục tiêu là để ngăn chặn trẻ em phát triển tình dục hoặc cảm thấy tự ti, phiền muộn.

Ba mẹ cần tạo một môi trường sống thoải mái và lành mạnh, khen ngợi và động viên trẻ, có chế độ ăn uống cân đối hợp lý, duy trì tập thể dục thể thao và tham gia các hoạt động phù hợp lứa tuổi.

Tóm lại, ba mẹ cần theo dõi để phát hiện các dấu hiệu dậy thì sớm của trẻ và đưa trẻ đi khám. Dậy thì sớm cần được điều trị để giúp cho trẻ phát triển được chiều cao theo tiềm năng cũng như giúp trẻ hạn chế được những khó khăn về cảm xúc, tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ gặp phải khi trưởng thành sớm.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên