Bác sĩ thần kinh và câu hỏi lớn: COVID-19 đã làm gì não của chúng ta?

HỒNG VÂN 11/10/2022 06:15 GMT+7

TTCT - Một bác sĩ chuyên khoa thần kinh đang dẫn dắt hành trình giải một trong những bí ẩn liên quan COVID-19 khiến giới khoa học đau đầu nhất: ảnh hưởng của nó lên não bệnh nhân.

Bác sĩ thần kinh và câu hỏi lớn: COVID-19 đã làm gì não của chúng ta? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhưng khoa học thần kinh thì liên quan gì đến một căn bệnh đường hô hấp? Bác sĩ người Mỹ gốc Thụy Sĩ Igor Koralnik cũng từng băn khoăn như thế, khi được một đài địa phương ở bang Illinois (Mỹ) mời tham gia một chương trình trò chuyện về con virus mới xuất hiện ở Trung Quốc hồi tháng 1-2020.

Tuy nhiên giờ thì ông đã có thể cho ta biết lý do tại sao: "COVID-19 cấp tính là bệnh đường hô hấp nhưng COVID-19 kéo dài thật ra lại là về não".

Bắt đầu là hô hấp, sau đó là não

Trước khi chuyển đến Đại học Northwestern (Illinois), Koralnik đã nổi tiếng nhờ dành cả sự nghiệp nghiên cứu các biểu hiện thần kinh của bệnh truyền nhiễm.

Mọi chuyện bắt đầu vào thập niên 1980, khi Koralnik đang là sinh viên khoa thần kinh của một trường y ở Geneva, và dịch HIV/AIDS mới xuất hiện. Ban đầu, HIV không được xem là bệnh về thần kinh. Theo thời gian, nhiều người có HIV bắt đầu gặp các vấn đề về mất trí nhớ, về tủy sống…; điều này gợi mở cho Koralnik một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới: biểu hiện thần kinh của HIV, và sau này là các bệnh truyền nhiễm. Nói là mới bởi lúc đó, các nhà thần kinh học không có lý do gì để quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm và ngược lại, các bác sĩ bệnh truyền nhiễm cũng không thực hành thần kinh học.

Koralnik sau đó có đến 21 năm làm việc tại Đại học Y Harvard, với vị trí cao nhất từng nắm là trưởng khoa miễn dịch học thần kinh (neuroimmunology) của Trung tâm y khoa Beth Israel. Tại đây, ông sáng lập và lãnh đạo Trung tâm HIV/Khoa học thần kinh, một phòng khám chuyên điều trị các triệu chứng về thần kinh của bệnh nhân HIV vốn trước đó không được chú ý đến.

"[Koralnik] đã khẳng định tên tuổi của mình khi xác định HIV có tác động đến thần kinh... Nói một cách ngắn gọn thì ông ấy đang lặp lại lịch sử với COVID" - Eric Liotta, phó giáo sư thần kinh học tại Northwestern, cũng là thành viên nhóm nghiên cứu của Koralnik, nhận xét.

Koralnik hiện là trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm thần kinh và thần kinh học toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu y khoa Searle của ĐH Northwestern, dẫn đầu nhóm nghiên cứu giải mã bí ẩn "COVID kéo dài". Ông đến đại học này ngay trước khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo từ Vũ Hán, âu cũng là cái duyên. Khi COVID-19 đã là đại dịch toàn cầu, và giới khoa học tập trung vào tác động của nó lên phổi, Koralnik cho rằng nó sẽ còn có các ảnh hưởng khác.

Tháng 4-2020, ông cho thành lập một nhóm nghiên cứu neuro-COVID (các triệu chứng thần kinh kéo dài sau khi nhiễm COVID), và một tháng sau đó, mở tiếp phòng khám neuro-COVID tại Bệnh viện Northwestern Memorial. Đây là một trong những phòng khám thần kinh COVID-19 đầu tiên ở Mỹ. Ngoài điều trị, phòng khám cũng thu thập số liệu nhân khẩu học, chất lượng sống và kết quả kiểm tra nhận thức của bệnh nhân.

Bác sĩ thần kinh và câu hỏi lớn: COVID-19 đã làm gì não của chúng ta? - Ảnh 2.

Bác sĩ Igor Koralnik khám cho bệnh nhân tại phòng khám neuro-COVID. Ảnh: Đại học Northwestern

"Chúng tôi dự đoán mình sẽ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng (đã nhập viện) và cần điều trị ngoại trú về thần kinh là chính nhưng thực tế ngược lại. Đối tượng chính của phòng khám là những người không phải nhập viện. Họ nhiễm COVID-19 nhưng chỉ bị đau họng nhẹ, ho hoặc sốt một chút. Tình trạng kéo dài dai dẳng và sau đó gây suy nhược. Họ bị sương mù não, nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, mất vị giác, khứu giác, mờ mắt, ù tai và mệt mỏi dữ dội" - bác sĩ Koralnik kể lại với tạp chí Chicago.

Trong số liệu mới nhất, nhóm nghiên cứu của ông Koralnik thu thập được, tỉ lệ trầm cảm và lo lắng ở những bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài không nhập viện là 16%, cao hơn so với những người phải nhập viện (9%). Tình trạng đau đầu, mất vị giác, khứu giác kéo dài cũng phổ biến hơn ở những bệnh nhân bị COVID-19 không nhập viện. Tình trạng sương mù não cũng xảy ra ở tỉ lệ tương tự giữa những người phải nhập viện và không nhập viện, nhưng nguyên nhân có thể khác nhau.

Trong một nghiên cứu của nhóm tác giả khác, bệnh nhân COVID-19 kéo dài không nhập viện cũng báo cáo chất lượng sống của họ giảm đi, họ bị lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung.

Những phát hiện mới này cho thấy có thể không có mối tương quan giữa mức độ nghiêm trọng của việc mắc COVID và ảnh hưởng lâu dài đến não. Nhiều người nhiễm COVID-19 nhẹ với các triệu chứng chỉ như bị cảm cũng có thể bị những tác động đến não/thần kinh lâu dài.

Theo Koralnik, trước khi có vaccine, khoảng 1/3 (hơn 33%) người nhiễm COVID-19 có nguy cơ bị COVID-19 kéo dài. Dữ liệu mới cho thấy nếu tiêm 1-2 mũi tăng cường, rủi ro bị COVID-19 kéo dài còn khoảng

16 - 17%. Như vậy, trong số 1 triệu người tiêm vaccine tăng cường, sẽ có 160.000 đến 170.000 người bị COVID-19 kéo dài - đây là một con số không nhỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa hành trình giải mã bí ẩn của Koralnik và đồng nghiệp vẫn chưa thể kết thúc.

Bác sĩ thần kinh và câu hỏi lớn: COVID-19 đã làm gì não của chúng ta? - Ảnh 3.

Bác sĩ Igor Koralnik. Ảnh: Đại học Northwestern

Hậu quả đáng báo động

Thực tế là hơn hai năm sau đại dịch, nhiều khía cạnh của COVID-19 kéo dài, đặc biệt là nguyên nhân và cách khắc phục - vẫn còn là bí ẩn với các bác sĩ. Vẫn cần có nhiều nghiên cứu đầy đủ về ảnh hưởng thần kinh của COVID-19 hơn nữa, song ở thời điểm này, các bằng chứng mới nhất cho thấy hậu quả là đáng báo động.

Tại Trung Quốc, các bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở các bệnh viện tại Vũ Hán trong giai đoạn từ 12-2 đến 10-4-2020 đã được mời tham gia điều tra về sức khỏe sau một và hai năm mắc bệnh. Theo kết quả công bố trên tập san JAMA Netw Open ngày

15-9, trong số 3.988 người đáp ứng tiêu chí nghiên cứu, có 1.864 người thực hiện đủ cả hai khảo sát sức khỏe sau hai năm. Trong nhóm này, 505 người (27,1%) bị COVID-19 nặng.

Vào thời điểm một năm sau khi mắc bệnh, các triệu chứng phổ biến nhất ở những người hồi phục sau COVID-19 là mệt mỏi, đổ mồ hôi, tức ngực, lo lắng và đau cơ. Ở thời điểm sau hai năm, các vấn đề thường gặp là mệt mỏi, tức ngực, lo lắng, khó thở và đau cơ.

Mệt mỏi là triệu chứng chung phổ biến ở cả hai lần khảo sát nhưng tỉ lệ giảm từ 26,9% (501 trong số 1.864 người) sau một năm, còn 10,3% (192 trong số 1.864 người) sau hai năm. Hầu hết các triệu chứng khác cũng giảm đáng kể theo thời gian. Chỉ có ngoại lệ với một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân bị khó thở. Tình trạng này không thay đổi nhiều sau một năm, với 2,6% (49 bệnh nhân) bị khó thở so với sau hai năm, với 2,0% (37 bệnh nhân).

Các phát hiện này gợi ý rằng các triệu chứng COVID kéo dài có thể tồn tại ít nhất đến hai năm kể từ khi nhiễm bệnh đối với một số bệnh nhân.

Bác sĩ thần kinh và câu hỏi lớn: COVID-19 đã làm gì não của chúng ta? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Cũng trong tháng 9 vừa rồi, trên tập san Nature Medicine, các nhà khoa học Trường Y Đại học Washington ở St Louis, Mỹ công bố kết quả nghiên cứu "đánh giá toàn diện về hậu quả thần kinh lâu dài của COVID-19", thực hiện trên 154.068 người nhiễm COVID-19 kéo dài trong giai đoạn từ ngày 1-3-2020 đến 15-1-2021.

Nhóm nghiên cứu ghi nhận đột quỵ, trầm cảm, lo lắng, đau nửa đầu, động kinh, các vấn đề về nhận thức và trí nhớ, rối loạn vận động… có thể xảy ra với các bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài trong năm đầu sau khi mắc bệnh. Đáng chú ý là ngay cả bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ, không cần nhập viện trước đó cũng tăng nguy cơ gặp các vấn đề này.

"Các nghiên cứu trước đây chỉ kiểm tra một số biểu hiện thần kinh nhất định, hầu hết ở bệnh nhân nhập viện. Trong khi đó, chúng tôi đánh giá 44 rối loạn não và thần kinh ở cả bệnh nhân không nhập viện và nhập viện cũng như bệnh nhân nặng ở phòng chăm sóc đặc biệt. Kết quả cho thấy tác hại lâu dài của COVID-19 là đáng báo động" - tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia về dịch tễ học lâm sàng của Đại học Washington, cho biết.

Theo bác sĩ Al-Aly, COVID-19 đã làm thế giới có thêm hơn 40 triệu người bị rối loạn thần kinh mới mà không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, lối sống… Các vấn đề về trí nhớ - gọi chung là sương mù não - một triệu chứng phổ biến của COVID-19 kéo dài, ở người nhiễm COVID-19 cao hơn 77% so với người không nhiễm. Mặc dù tình trạng sương mù não có giảm đi ở một số người nhưng vẫn kéo dài ở nhiều người khác. Tại thời điểm này, tỉ lệ người bị sương mù não kéo dài hồi phục vẫn còn là ẩn số.■

Tháng 7-2022, Viện hàn lâm về Thần kinh Mỹ công bố báo cáo với nội dung rất nhiều người đã và đang gặp các vấn đề về não do COVID-19 kéo dài và đây là nguyên nhân gây rối loạn thần kinh cao thứ ba ở Mỹ.

Tính đến cuối tháng 5-2022, có 82,5 triệu người nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh ở Mỹ, 30% trong số họ - khoảng 24,8 triệu người - gặp hội chứng COVID-19 kéo dài. Một nghiên cứu gần đây với các bệnh nhân khám não hậu COVID-19 ở Đại học Northwestern cho thấy hầu hết các triệu chứng thần kinh tồn tại trung bình gần 15 tháng sau khi mắc COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận