03/09/2020 18:25 GMT+7

Ban chỉ đạo COVID-19: mở cửa bầu trời, biên giới và phải có chiến lược xét nghiệm mới

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 nhấn mạnh tinh thần phải chung sống an toàn với dịch cũng như có chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới.

Ban chỉ đạo COVID-19: mở cửa bầu trời, biên giới và phải có chiến lược xét nghiệm mới - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 3-9, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) họp triển khai công tác phòng, chống dịch với sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng ban chỉ đạo.

Theo đánh giá, thời gian qua Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Tính tới thời điểm hiện tại, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD.

Tuy nhiên, nhiệm vụ kép đặt ra là phải bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Trước mắt và dễ thấy nhất là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu, tổ chức hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Muốn vậy, cần thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm mới.

Đẩy nhanh xét nghiệm nhanh, sàng lọc tại cửa khẩu

Cụ thể, cần tổ chức theo hướng xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.

GS. Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho rằng cần sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên tại ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… với thời gian nhanh, kết quả chính xác; tiết kiệm thời gian, giảm chi phí.

Hiện Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. 

Còn với phương pháp Realtime-PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu mới, thường trực ban chỉ đạo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime-PCR.

Đẩy nhanh nghiên cứu xét nghiệm nhanh

Là một trong ba đơn vị nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên cho biết đơn vị đang triển khai phương án Realtime-LAMP - kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên cho phép phát hiện SARS-CoV-2 với độ đặc hiệu, độ nhạy tương đương với phương pháp Realtime-PCR nhưng thời gian cho ra kết quả ngắn hơn nhiều.

Phương án tận dụng được các máy móc, thiết bị sẵn có của các trung tâm y tế dự phòng, có thể tăng năng lực xét nghiệm lên từ 9-12 lần; đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, bệnh viện… trong thời gian ngắn, lưu lượng lớn.

Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang tích cực phối hợp với đối tác, nhận chuyển giao quy trình để sớm thử nghiệm kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên theo công nghệ enzyme của Hoa Kỳ. Công ty Medicon cũng đang triển khai nghiên cứu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, trước mắt nhập khẩu

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ban chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Khoa học - công nghệ khẳng định trong tuần này bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.

Trước mắt, Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không. Tăng cường nghiên cứu, chủ động trong sản xuất văcxin trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thu phí cách ly người nhập cảnh từ 1-9, nhanh mở đường bay thương mại với Nhật, Hàn Thu phí cách ly người nhập cảnh từ 1-9, nhanh mở đường bay thương mại với Nhật, Hàn

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao. Trước hết, thực hiện chuyến bay lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên