29/03/2021 06:31 GMT+7

Bản quyền hồi ký đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ứng xử thế nào cho phải?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Bạn đọc đang mong đợi câu chuyện bản quyền Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giải quyết hợp tình hợp lý để bộ sách có giá trị lịch sử đất nước này tiếp tục đến được tay bạn đọc các thế hệ tiếp theo.

Bản quyền hồi ký đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ứng xử thế nào cho phải? - Ảnh 1.

Bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm 6 cuốn sách do nhà văn Hữu Mai chấp bút và 1 cuốn sách khác của Đại tướng - Ảnh: HỮU BÌNH

Sau bài "Bản quyền hồi ký: Chuyện không đơn giản", báo Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được những chia sẻ từ chuyên gia, người trong ngành xuất bản...

Có quyền liên quan, không phải quyền tác giả

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Lưu Trần Luân - nguyên ủy viên hội đồng biên tập Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật, người từng được tiếp xúc khá nhiều với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như tiếp tục có mối quan hệ với các con của Đại tướng - khẳng định tác giả của hồi ký là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Theo ông, khi phân giải khúc mắc hiện nay giữa hai gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai, cần phải đặt nó vào bối cảnh lịch sử của thời kỳ viết bộ sách này chứ không thể "bê" hoàn cảnh ngày nay để xét.

Ông Luân nói trước đây có quan niệm truyền thống trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của nước ta là "viết hồi ký thì cá nhân chủ nghĩa" nên các chính khách ở ta trước đây rất ít có hồi ký. 

Đến năm 1964, kỷ niệm 10 năm Điện Biên Phủ, Tổng cục Chính trị mới mở cuộc phát động viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, lúc đó mới xuất hiện hồi ký cách mạng và gần như không một chính khách, nhà cách mạng nào tự viết hồi ký mà tất cả đều được những người khác viết hộ.

"Đặc thù hồi đó là tổ chức phân công viết, đây là nhiệm vụ và cũng là vinh dự cho những người viết, chứ không có ai nhờ viết, không có hợp đồng thuê viết nào. Chỉ khoảng mươi năm trở về đây vấn đề bản quyền ở nước ta mới được để ý đến chứ trước không ai nói đến bản quyền và những cuốn hồi ký này đều mặc nhiên thuộc về các nhân vật lịch sử như Đại tướng Võ Nguyên Giáp", ông Luân nói.

Ngoài bối cảnh lịch sử như vậy, ông Luân cho biết thêm với kinh nghiệm của người đã đọc rất nhiều thư từ, tác phẩm của Đại tướng, ông khẳng định bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai thể hiện mang đậm dấu ấn Đại tướng từ văn chương, cách kể chuyện đến tư tưởng.

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dân chữ nghĩa nên rất cẩn trọng. Ông chuẩn bị đề cương rất kỹ càng, ông sửa chữa bản thảo rất kỹ. Cách kể cũng là cách kể của Đại tướng. Được tiếp xúc thường xuyên với Đại tướng nên tôi biết, bất luận là ai viết cái gì cho Đại tướng đều nhất quán phong cách văn chương của ông, cách kể của ông không giống bất cứ ai", ông Luân nói.

Tuy vậy, ông Luân cũng khẳng định nhà văn Hữu Mai có công trong bộ hồi ký và có quyền liên quan và quyền này là vĩnh viễn, hoặc là quyền tác giả "thứ cấp", Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới giữ quyền tác giả chính.

Theo ông Luân, hai gia đình nên thể hiện trách nhiệm với nhau trong việc xuất bản bộ hồi ký và nhuận bút nên chia hai bên với tỉ lệ được thỏa thuận giữa hai nhà, không nhất thiết là 50/50 như trước đây.

"Gia đình chưa có ý kiến"

Về việc bản quyền bộ Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Văn Sáu - phó giám đốc, phó tổng biên tập Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân - cho biết nhà xuất bản này từng ký với gia đình Đại tướng để xuất bản Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các năm 2006, 2011 và 2018. 

Trong hai lần đầu, khi Đại tướng còn sống, việc chia nhuận bút được thể hiện luôn trong hợp đồng với tỉ lệ 50/50. Nhưng đến năm 2018, áp dụng Luật xuất bản mới, bên A (gia đình Đại tướng) chịu trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm đối với các bài viết, tư liệu sử dụng trong tác phẩm này, nhà xuất bản trả toàn bộ nhuận bút cho gia đình Đại tướng mà không can thiệp vào việc chia nhuận bút.

Là đơn vị xuất bản, ông mong muốn hai gia đình sớm thống nhất được chuyện bản quyền để thuận lợi cho việc xuất bản bộ sách, đặc biệt là tháng 8 tới đây sẽ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, nhiều nhà xuất bản muốn in lại bộ sách này.

Tuổi Trẻ tiếp tục liên hệ với ông Võ Điện Biên (trưởng nam của Đại tướng) ngày 28-3 nhưng ông Biên nói "việc này gia đình chưa có ý kiến".

Tác giả Bình Ca (con nhà văn Hữu Mai) cho biết nếu gia đình Đại tướng tiếp tục im lặng, gia đình ông cũng sẽ không nói thêm và cũng không chọn cách đưa ra tòa phân giải, chấp nhận chuyện đáng tiếc là bộ sách sẽ không được in nữa.

Đại diện Cục Bản quyền cho biết họ chưa nhận được hồ sơ về việc này nên không thể cho biết quan điểm và nói chỉ tòa án mới có thể đưa ra phán quyết trong một tranh chấp dân sự.

Một NXB muốn mua bản quyền nhưng Đại tướng từ chối

TS Lưu Trần Luân chia sẻ ông từng được một người con Đại tướng là Võ Hồng Nam kể rằng nhà văn Hữu Mai có lần từng đến nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về một nhà xuất bản nước ngoài muốn mua bản quyền xuất bản bộ hồi ký, chia đôi nhuận bút giữa Đại tướng và nhà văn Hữu Mai nhưng Đại tướng đã từ chối.

Bản quyền hồi ký: Chuyện không đơn giản Bản quyền hồi ký: Chuyện không đơn giản

TTO - Những ngày qua có thông tin nhà văn Hữu Mai không được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp công nhận là đồng tác giả trong bộ hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn này thể hiện.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên