15/09/2019 13:27 GMT+7

Bàn về cách dụng nhân của ông Trump

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Như phong cách vẫn thường thấy của Tổng thống Trump, một thông báo vẻn vẹn 2 dòng trên Twitter là dấu chấm hết cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia của ông Bolton.

Bàn về cách dụng nhân của ông Trump - Ảnh 1.

Ông Trump thông báo ông Bolton (phải) nghỉ việc chỉ với 2 dòng tweet - Ảnh: Olivier Douliery/MCT

Nhiều người muốn công việc này, đó là công việc tuyệt vời. Nó tuyệt là bởi vì sẽ rất vui khi làm việc với Donald Trump. Làm việc với tôi cũng thật dễ. Bởi vì tôi luôn là người quyết định mọi chuyện. .

Tổng thống Donald Trump nói hôm 12-9 khi được báo giới hỏi về người kế nhiệm ông Bolton

Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet thông báo về việc ông John Bolton rời Nhà Trắng hôm 10-9: “Tôi không đồng ý với nhiều đề xuất của ông ấy và những người khác trong chính quyền cũng vậy, nên tôi yêu cầu Bolton từ chức và đơn đã được nộp cho tôi sáng nay”.

Ai còn, ai mất

Nhưng có lẽ ông Bolton không lấy đó làm buồn vì ông không phải là ngoại lệ. Trong chưa đầy 3 năm đầu tiên của Tổng thống Trump, đã có 3 cố vấn an ninh quốc gia phải ra đi, chưa kể nhiều vị trí bộ trưởng quan trọng trong chính quyền Mỹ.

Nếu nhìn lại lịch sử nước Mỹ thời gian từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, nhất là các đời tổng thống gần đây, dường như Tổng thống Trump đang tạo ra một "ngoại lệ" trong chính sách nhân sự. Đó là không có vị trí nào được đảm bảo là ổn định và bất kỳ vị trí nào cũng có thể thay thế, cho dù trước đó là người thân tín và được ông Trump ca ngợi hết lời.

Chưa đầy 3 năm đầu tiên dưới trào ông Trump, có thể thấy tất cả các vị trí "sức mạnh" liên quan đến an ninh quốc gia đều đã có sự thay đổi, không ít thì nhiều. Thậm chí có những vị trí chỉ tồn tại chưa đầy một năm trong chính quyền của Tổng thống Trump.

Cho đến nay, ở các bộ "sức mạnh" như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa đều đã có 2 đời bộ trưởng. Cũng đã có 2 đời giám đốc tình báo quốc gia và 3 đời cố vấn an ninh quốc gia (người thay ông Bolton sẽ là cố vấn an ninh quốc gia thứ 4). Và chưa biết từ nay cho đến hết nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump, những người đảm nhận vị trí "sức mạnh" vẫn yên vị.

Có lẽ vị trí duy nhất trong Nhà Trắng hiện nay được coi là an toàn là Phó tổng thống Mike Pence. Đơn giản không phải chỉ vì ông Pence có quan hệ tốt với tổng thống hay làm tốt nhiệm vụ của mình mà vì đây là vị trí dân cử, do người dân Mỹ bầu lên.

Chính sách nhân sự "kiểu Trump"

Xuất phát từ việc chưa từng bao giờ đảm nhận các vị trí trong chính quyền trước khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump có cách "làm nhân sự" không giống ai.

Thứ nhất là việc lựa chọn nhân sự của Tổng thống Trump cũng bất ngờ như ra quyết định sa thải. Nhiều cá nhân được ông Trump lựa chọn là những nhân vật chưa một ngày đảm nhiệm những công việc liên quan.

Ví dụ như việc lựa chọn ông Rex Tillerson, một người có rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh, đã từng làm tổng giám đốc của Tập đoàn dầu khí lớn Exxon Mobil nhưng thiếu kinh nghiệm đối ngoại, đảm nhận vị trí ngoại trưởng Mỹ. Đây cũng là một lý do chỉ sau đúng 14 tháng, ông Tillerson đã buộc phải rời khỏi vị trí này.

Thứ hai, nhiều vị trí khi được bổ nhiệm ban đầu được ông Trump ca ngợi hết lời nhưng cuối cùng cũng phải ra đi trong bối cảnh quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" như trường hợp của ông Bolton vừa qua.

Nhiều người trong số họ phải ra đi vì "bất đồng" với tổng thống như cựu bộ trưởng an ninh nội địa Nielsen phải rời chính quyền, sau khi ngăn cản kế hoạch ngăn không cho người di cư tìm kiếm quy chế tị nạn tại Mỹ vì cho rằng điều này vi phạm pháp luật Mỹ. 

Hay cựu bộ trưởng tư pháp Sessions do không ngăn cản việc điều tra sự liên quan của ông Trump trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ mà cuối cùng phải từ chức.

Những bổ nhiệm nhân sự của ông Trump dường như là thể hiện "cung cách quản lý" của ông hơn là cho thấy chính sách của Mỹ.

Như việc bổ nhiệm ông Bolton, một người có nhiều quan điểm trái ngược với ông Trump cách đây 17 tháng cũng gây bất ngờ không kém việc sa thải ông. Giữa hai người có quá nhiều điểm khác biệt: trong khi ông Trump theo đuổi đối thoại với Triều Tiên thì ông Bolton là người ủng hộ "ném bom Triều Tiên", cũng như những khác biệt trong chính sách với Iran, Nga, Venezuela...

Với việc Tổng thống Trump đang gấp rút tìm kiếm những "thỏa thuận có tính di sản" cho nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhất là việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, với Iran và với Taliban, nhiều khả năng sẽ là những nhân vật không quá nổi bật, có quan điểm và cách nhìn tương đồng và đặc biệt là "một lòng một dạ" cùng chí hướng, trung thành và theo đuổi các chính sách của ông Trump.

Nhưng cho dù có vậy, với cách "làm nhân sự" của ông Trump, cũng không có ai dám bảo đảm là có thể sẽ giữ vị trí đến cuối nhiệm kỳ.

9

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Brookings của Mỹ, cho đến năm thứ 3 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã có 9 sự thay đổi vị trí bộ trưởng trong chính quyền Mỹ. Con số này thậm chí còn cao hơn so với nhiệm kỳ 4 năm đầu của các đời tổng thống Mỹ trong 40 năm qua.

Loạn tin ông Trump ra thỏa thuận thương mại ‘tạm thời’ với Trung Quốc Loạn tin ông Trump ra thỏa thuận thương mại ‘tạm thời’ với Trung Quốc

TTO – Hãng tin Bloomberg khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc, nhưng CNBC sau đó bác bỏ.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên