20/03/2018 09:00 GMT+7

Bảo hộ doanh nghiệp dược nội, lợi ích cho ai?

HẰNG NGA
HẰNG NGA

Nghị định 54 có hiệu lực từ 1-7-2017 đang gây tranh cãi, khi mở rộng định nghĩa "phân phối" nằm ngoài quy định của WTO bằng cách bổ sung các hoạt động của khâu phân phối là dịch vụ kho bãi và vận chuyển.

Bảo hộ doanh nghiệp dược nội, lợi ích cho ai? - Ảnh 1.

ông Roeland Roelofs, Đồng chủ tịch, Tiểu ban Dược phẩm, EuroCham

Việc này dẫn đến nguy cơ chỉ công ty 100% vốn trong nước mới được thực hiện dịch vụ này.

Không nên bảo hộ bằng mọi giá

Bộ Y tế đưa ra con số, đến năm 2020, 80% chi cho thuốc là dành mua thuốc sản xuất trong nước. Mốc 2020 đã đến rất gần nhưng mục tiêu kể trên còn rất xa mới đạt được, dù lượng thuốc nội sử dụng có tăng nhẹ ở cả ba tuyến huyện, tỉnh và T.Ư.

Theo một thống kê mới đây, năm 2016 Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi cho thuốc khoảng 32.000 tỉ đồng, chiếm trên 46% tổng chi bảo hiểm y tế. Riêng tại nhóm bệnh viện T.Ư trụ sở tại Hà Nội đã chi 3.300 tỉ đồng tiền thuốc, nhưng thuốc nội chỉ chiếm 11% trong số này.

Dù xa vời, thiếu thực tế, nhưng việc đặt ra các mục tiêu kể trên có thể là rất hữu ích cho các cơ quan quản lý vì nó là cái cớ dễ thuyết phục để đưa ra các chính sách "ưu đãi" riêng cho doanh nghiệp trong nước.

Trong hơn 10 năm qua kể từ Luật Dược 2005, doanh nghiệp dược nội vẫn được bảo hộ ở nhiều lĩnh vực, nhưng ngoại trừ một số "ngôi sao thuốc Việt", đại bộ phận doanh nghiệp hiện vẫn chú trọng sản xuất thuốc thông thường, thị trường có đến hàng trăm số đăng ký các vitamin, paracetamol nhưng lại chỉ có vài thuốc có dạng dùng mới, thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường…

Nguyên nhân nào các doanh nghiệp dược nội không lớn lên được?

Năm 2017 vừa qua, thị trường dược Việt Nam đạt doanh thu trên 4 tỉ đô la, tương đương trên 90.000 tỉ đồng, tăng trưởng thị trường vẫn đạt khoảng 15%/năm. Đây quả là sân chơi đáng ao ước của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, việc đưa ra các chính sách bảo hộ nếu không được định hướng một cách đúng đắn, nhất quán sẽ có tác dụng ngược. Nó sẽ làm cho các doanh nghiệp dược nội trở thành những đứa trẻ được bao bọc và sẽ không bao giờ có thể lớn lên được.

Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dược sẽ trở nên mang tính cơ hội, chỉ quan tâm đến doanh số, đến mức độ kiếm lời. Trong khi đó, dù thế giới có phát minh ra bao nhiêu loại thuốc tân tiến đi nữa thì đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải phó mặc bệnh tật của mình vào các loại thuốc quen thuộc của bảo hiểm y tế.

Phương thuốc nào cho ngành công nghiệp dược nội?

Muốn doanh nghiệp dược nội địa lớn dần thì phải giảm dần bảo hộ để doanh nghiệp cạnh tranh bằng nội lực. Thực tế cho thấy đã có những doanh nghiệp nội tăng trưởng nhanh nhờ đầu tư cho nghiên cứu phát triển thuốc mới, có định hướng độc đáo và có đầu tư bài bản, có chiều sâu.

Bảo hộ doanh nghiệp dược nội, lợi ích cho ai? - Ảnh 2.

Lễ công bố Sách Trắng của EuroCham

Chìa khóa để khởi động ngành công nghiệp dược nội theo hướng phát triển bền vưng là: Xây dựng năng lực trong nước đạt được tiêu chuẩn quốc tế bằng cách đầu tư vào đào tạo, cơ sở vật chất và hệ thống. Cạnh tranh trực tiếp và hợp tác với các đối tác nước ngoài là cơ hội không thể bỏ qua để các doanh nghiệp dược Việt Nam tiếp cận được mặt bằng ngành dược quốc tế.

Đại diện các doanh nghiệp dược nước ngoài cũng bày tỏ: "Chúng tôi cũng chia sẻ mong muốn của Chính phủ trong việc phát triển các ngành công nghiệp nội địa. Các thành viên của chúng tôi, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và kho bãi sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng năng lực trong nước để đạt được tiêu chuẩn quốc tế bằng cách đầu tư vào đào tạo, cơ sở vật chất và hệ thống".

Những dấu hiệu đáng lưu ý

Trong lúc nhiều ý kiến đang kêu gọi xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc về vai trò, tác dụng của các chính sách bảo hộ đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, thì mới đây lại có thêm doanh nghiệp phàn nàn về việc nghị định 54/2017/NĐ-CP (nghị định 54 ) ra đời đã làm ảnh hưởng tới quyền kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cấp phép, cụ thể là quyền tiếp tục cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển.

Theo đại diện của Tiểu ban Dược phẩm (Pharma Group) thuộc EuroCharm, do nghị định 54 mở rộng về định nghĩa phân phối, bao gồm các hoạt động của chuỗi cung ứng thông thường như dịch vụ kho bãi và vận tải, mà theo truyền thống trước đây vốn không thuộc định nghĩa phân phối theo cả luật Việt Nam và quốc tế. Quy định này dẫn tới hậu quả là nhiều công ty nước ngoài đã cung cấp dịch vụ kho bãi, vận chuyển ở Việt Nam một cách hợp pháp trong gần hai thập kỷ qua sẽ không được phép tiếp tục duy trì hoạt động này.

"Chúng tôi cho rằng việc mở rộng khái niệm phân phối trong Nghị định 54 (Điều 91.10) có mâu thuẫn với các cam kết của Việt Nam trong WTO, với Hệ thống phân loại sản phẩm của Liên Hiệp quốc (UNCPC), cũng như mâu thuẫn với các cam kết song phương hiện tại của Việt Nam nhằm bảo vệ nhà đầu tư"- đại diện các doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn.

Các doanh nghiệp cũng lo ngại việc các nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp tục cung cấp dịch vụ kho bãi, vận chuyển sẽ dẫn tới hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao đã được đầu tư sẽ không được sử dụng.

Điều này cũng có khả năng làm ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng dược phẩm do khác với các mặt hàng khác, phân phối dược phẩm yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn về nhiệt độ bảo quản và vận chuyển đặc biệt hơn nhiều lần, nếu không chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, động thái này cũng hạn chế đáng kể hoạt động của các nhà đầu tư có vốn nước ngoài đã hiện diện tại VN, trong khi các quyết định liên quan đến hợp đồng dược phẩm đều dựa trên tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, tính an toàn, minh bạch, tuân thủ, tài chính của nhà cung cấp chuỗi dịch vụ cung ứng.

HẰNG NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên