09/05/2020 08:42 GMT+7

Bệnh nhân số 91, phi công người Anh: Ghép phổi, hi vọng cuối cùng

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế vừa đưa ra phương án ghép phổi cho bệnh nhân người Anh - bệnh nhân COVID-19 số 91.

Bệnh nhân số 91, phi công người Anh: Ghép phổi, hi vọng cuối cùng - Ảnh 1.

Ông Lương Ngọc Khuê - phó trưởng tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia - phát biểu tại cuộc họp của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế với các tổ chức quốc tế hôm 8-5 - Ảnh: THÚY ANH

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Văn Kính - chủ tịch hội đồng chuyên môn điều trị bệnh COVID-19 - cho hay hai phổi của bệnh nhân số 91 phi công người Anh đã đông đặc, ban đầu bệnh nhân bị đông đặc một lá phổi, rồi một lá rưỡi và giờ hai lá đều có tình trạng này. 

Do phổi đặc lại, việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng đông đặc dần sẽ khiến phổi mủn ra, là "ổ" để vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, hội đồng chuyên môn đã đề xuất với tiểu ban điều trị việc ghép phổi cho bệnh nhân.

"Thể H", rất nặng

Theo BS Phạm Văn Phúc - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, so với bệnh nhân mắc các bệnh lý khác có ảnh hưởng đến phổi, bệnh nhân COVID-19 có những khác biệt, cụ thể tổn thương phổi lan tỏa nhưng liên quan đến vi mạch, đây là một thể bệnh trong bệnh COVID-19.

"Hiện có nhiều nghiên cứu về thể bệnh COVID-19, có thể L, thể H, bệnh nhân phi công người Anh thuộc thể H, đây là thể bệnh nặng. Ở bệnh viện chúng tôi có bệnh nhân 19 L.T.H. cũng thể H và cũng phải dùng ECMO - thiết bị tim phổi nhân tạo tương tự bệnh nhân phi công người Anh" - BS Phúc nói.

BS Phúc cho biết bệnh nhân thể này gặp tổn thương đông đặc ở phổi, độ giãn nở phổi kém, trong khi thể L dấu hiệu phổi có tốt hơn. Tổng chi phí điều trị liên quan đến ECMO rất đắt đỏ vì đây là kỹ thuật cao nhất đã sử dụng cho bệnh nhân.

Về cơ hội ghép phổi cho bệnh nhân, bác sĩ cho biết cũng đã có một số ca ghép phổi ở bệnh nhân COVID-19 được công bố tại Trung Quốc, nhưng số lượng rất ít ỏi. 

"Tại Việt Nam đã có trường hợp bệnh nhân có bệnh lý ở phổi tương tự bệnh nhân người Anh được ghép phổi trước đây, nhưng báo cáo về ghép phổi ở bệnh nhân COVID-19 còn quá ít ỏi. Nếu sử dụng thiết bị tim phổi nhân tạo không đáp ứng thì ghép phổi gần như là kỹ thuật cuối cùng" - BS Phúc nhận định.

Tại Việt Nam đã có 3 bệnh viện là Bệnh viện 103 ghép phổi từ người cho còn sống, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt Đức ghép phổi từ người hiến đã chết não. Trong số này, Bệnh viện Việt Đức có kinh nghiệm nhất do ghép nhiều ca nhất, đã có 4 ca ghép phổi được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức và 3/4 ca là thành công cho đến nay.

Có hi vọng hay không?

Tình trạng bệnh nhân phi công người Anh hiện nay, theo các chuyên gia, nếu không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả. Ghép phổi là cơ hội cuối cùng. Phổi ở đây có thể từ người hiến tặng đã chết não hoặc người cho còn sống (là người thân của bệnh nhân). 

Nếu có phổi hiến tặng, các bác sĩ còn phải đánh giá bệnh nhân xem toàn trạng có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch, người hiến, người nhận chỉ nên chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%...

Theo một chuyên gia, về mặt kỹ thuật các bác sĩ Việt Nam có thể ghép phổi cả từ người hiến chết não và người hiến còn sống, nhưng với bệnh nhân phi công người Anh có thời gian điều trị tại khu vực hồi sức quá dài, nguy cơ nhiễm trùng cao, chưa kể cần đánh giá lại não của bệnh nhân xem có thể hồi phục hay không...

"Thông thường có thể ghép phổi khi bệnh nhân bị bệnh lý ở phổi và mọi phương án điều trị không còn có thể cứu vãn. Nhưng với bệnh nhân phi công người Anh, cơ hội ghép phổi theo chúng tôi là không nhiều" - chuyên gia kể trên nói.

Chi phí điều trị ra sao?

Hiện chi phí để thực hiện 1 ca ghép phổi tại Việt Nam là 1,5 - 2 tỉ đồng, tùy tình trạng, thể trạng của bệnh nhân. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ quy định điều trị miễn phí cho công dân Việt Nam và thu phí điều trị đối với người nước ngoài. Riêng cách ly đều miễn phí cho cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.

Chỉ có thể ghép phổi khi hết nhiễm trùng

bv nhiet doi

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - nơi bệnh nhân 91 đang điều trị - Ảnh: XUÂN MAI

Mới đây, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đề nghị phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91 mắc COVID-19.

Ngày 8-5, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, hiện bệnh nhân 91, phi công người Anh, 43 tuổi vẫn trong tình trạng rất nguy kịch, hai phổi đông đặc, ngày càng có diễn tiến nặng, có biểu hiện nhiễm trùng phổi. Sáng cùng ngày bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với virus corona. Trước đó, bệnh nhân đã có 5 ngày có kết quả âm tính và ngày 7-5 lại có kết quả dương tính. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân cũng có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.

Đến nay, sau 52 ngày điều trị, 33 ngày được can thiệp ECMO, hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

Do tình trạng bệnh nhân 91 quá nặng, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã dùng nhiều loại thuốc tốt nhất, đặt mua từ nước ngoài về để điều trị tích cực cho bệnh nhân như thuốc an thần, thuốc kháng đông...

Các bác sĩ điều trị cho rằng muốn ghép được phổi cho bệnh nhân 91 phải đợi tình trạng phổi của bệnh nhân không còn bị nhiễm trùng. Ngoài ra, còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác như nguồn cho phổi, độ tương thích của người cho phổi và người nhận phổi...

"Việc ghép phổi cho bệnh nhân 91 là giải pháp được tính đến trong thời gian tới. Với tình trạng tiên lượng rất nặng của bệnh nhân hiện tại, gồm đang nhiễm trùng, tràn khí màng phổi, đang tiếp tục dẫn lưu và điều trị phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh thì chưa đủ điều kiện để ghép phổi.

Để có thể ghép, bệnh nhân cần phải được điều trị sức khỏe ổn định" - BS Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết.

Theo BS Phong, kể từ khi nhập viện đến nay, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân đang do bệnh viện chi trả. Việc chạy ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể) khá tốn kém, mỗi lần thay màng lọc có thể tốn gần cả trăm triệu đồng. Theo thông tin Tuổi Trẻ có được thì chi phí điều trị của bệnh nhân từ lúc nhập viện đến nay trên dưới 5 tỉ đồng.

Về quy trình ghép phổi (nếu có) sẽ được thực hiện như thế nào? Một bác sĩ phụ trách đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người cho biết đối với người được ghép phổi phải đảm bảo rất nhiều điều kiện của Bộ Y tế quy định, trong đó có thể kể đến: không có bệnh lý cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, ung thư; không bị rối loạn chức năng các cơ quan quan trọng (tim, gan, thận)...

Đặc biệt chống chỉ định với người có bệnh lý tim mạch, trào ngược dạ dày - tá tràng, nhiễm khuẩn... Đối với người cho phổi, ngoài vấn đề tuổi tác, phải phù hợp về nhóm máu với người nhận hoặc có quan hệ họ hàng thế hệ thứ ba, hoặc là vợ - chồng.

Theo vị này, hiện có rất nhiều bộ phận được ghép như tim, gan, phổi... Tùy thuộc mỗi bộ phận, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, thời gian nằm viện hồi sức, kỹ thuật... sẽ quyết định số tiền cao hay thấp.

THÙY DƯƠNG - HOÀNG LỘC

Bệnh nhân 65 tuổi nhiễm COVID-19 được cứu sống nhờ ghép phổi Bệnh nhân 65 tuổi nhiễm COVID-19 được cứu sống nhờ ghép phổi

TTO - Một bệnh nhân 65 tuổi nhiễm COVID-19 được các bác sĩ tiên lượng xấu đã vượt qua cửa tử thần nhờ được ghép phổi.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên