01/12/2017 14:35 GMT+7

Bệnh trầm cảm sau sinh, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Sụt cân nhanh chóng, nói năng hoang tưởng, luôn trong trạng thái thất thần và đặc biệt không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình là triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh.

Bệnh trầm cảm sau sinh, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: simplynurtured.ca

Trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh rất khó điều trị, thậm chí người bệnh sẽ có những biểu hiện loạn thần, có hành vi gây hại cho sức khỏe bản thân hoặc cho những người xung quanh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm sau sinh, tuy nhiên, những nguyên nhân thường thấy nhất là sau sinh, các bà mẹ phải trải qua sự biến đổi đột ngột về cơ thể, như: thay đổi nội tiết tố, suy giảm nồng độ hooc môn, áp lực sinh con theo giới tính, hoặc những sản phụ lần đầu làm mẹ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, cảm thấy khó khăn trong chăm sóc con, thay đổi thói quen sống một cách đột ngột, hay thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ giấc… Ngoài ra, nếu sản phụ sống trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn, thiếu sự quan tâm, chia sẻ của những người thân hoặc chính người chồng của mình trong việc chăm sóc con cái cũng có thể làm gia tăng cảm giác chán nản và dễ có lối suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến sản phụ dễ bị trầm cảm sau sinh.

Bệnh trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ mắc bệnh, ở thể nhẹ, sản phụ hay cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc một cách thoáng qua. Ở mức độ nặng hơn, biểu hiện mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, gây khó khăn trong việc chăm sóc bé, thậm chí bị rối loạn tâm thần, khi đó, người bị trầm cảm không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình, không hề nhận ra mình đang bị trầm cảm nên họ thực hiện các hành vi một cách vô thức, không biết mình đang làm những gì, làm điều đó có đúng hay không. Chính vì vậy, nhiều trường hợp bị trầm cảm ở thể nặng có những hành vi gây hại cho chính bản thân, gia đình hoặc có thể giết hại chính đứa con của mình.

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh rất nguy hiểm, nhưng hiện nay rất ít người biết đến căn bệnh này, thậm chí một số người còn cho rằng do bị "ma nhập" nên thường mời thầy về cúng đuổi tà ma, hoặc cũng có nhiều trường hợp tự sắc các loại thuốc nam uống, đến khi bệnh quá nặng mới đưa đến bệnh viện điều trị khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Còn với những trường hợp biết về bệnh này thì không kiên trì trong việc điều trị bệnh, đến viện được một, hai tuần thấy bệnh không khả quan thì tự ý đưa bệnh nhân về nhà, trong khi thuốc điều trị bệnh trầm cảm thời gian phát huy tác dụng là từ ba tuần trở lên. Vì vậy, để điều trị trầm cảm sau sinh hiệu quả, nếu thấy sản phụ sau sinh có biểu hiện buồn rầu, chán nản nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có chẩn đoán, điều trị kịp thời, đồng thời điều trị bệnh trầm cảm cần phải kiên trì, bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sĩ một cách nghiêm túc. Ngoài ra, gia đình, người thân, đặc biệt là người chồng cần gần gũi, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và thấu hiểu người bệnh, luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ, chan hòa để người bệnh không cảm thấy cô đơn, buồn tủi cũng là giải pháp giúp việc điều trị bệnh trầm cảm sau sinh đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh, trước và trong khi mang thai, thai phụ cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như chăm sóc sau sinh thông qua các phương tiện truyền thông hoặc các cơ sở y tế để làm mẹ một cách chủ động, không bỡ ngỡ sau khi sinh con. Sau sinh, sản phụ cần giữ tâm trạng thoải mái, ổn định, nên suy nghĩ tích cực, lạc quan, không nghiêm trọng và bi kịch hóa vấn đề, đặc biệt tránh những tác động mạnh về tâm lý, phải có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động hợp lý. Phụ nữ sau sinh thường xảy ra rất nhiều vấn đề, vì vậy người thân cần hết sức chú ý, không nên trách mắng khi họ có sai sót khiến họ trở nên rối trí, suy nghĩ tiêu cực hơn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên