11/11/2019 09:43 GMT+7

Biết tiếng Anh là kỹ năng tối thiểu của cán bộ công chức

LU LING KAI (NGƯỜI ĐÀI LOAN) - HÀ MỸ ghi
LU LING KAI (NGƯỜI ĐÀI LOAN) - HÀ MỸ ghi

TTO - Bạn đọc Lu Ling Kai (người Đài Loan), chia sẻ với Tuổi Trẻ quan điểm của ông về chuyện Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tất cả lãnh đạo các sở ngành của TP phải có trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp, không cần phiên dịch.

Biết tiếng Anh là kỹ năng tối thiểu của cán bộ công chức - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Phó thủ tướng Hà Lan Carola Schouten trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan, tháng 5-2019 - Ảnh: VIỄN SỰ

Theo tôi, việc biết tiếng Anh là kỹ năng tối thiểu không chỉ của cán bộ mà còn của những người làm việc chức cao. Tuy nhiên, cũng phải xét đến nhu cầu và sự đòi hỏi của vị trí làm việc, cũng như giáo dục tiếng Anh trong chương trình giáo dục 12 năm toàn quốc.

Tôi đã gặp nhiều người Việt nói được tiếng Anh rất tốt dù theo các bạn ấy, không đầu tư vào các trường học ngoại ngữ đắt tiền, chỉ cần tự tạo cho mình môi trường nói tiếng Anh. Chính vì vậy mà các trường học ở Việt Nam cần phải cung cấp môi trường này để tất cả mọi người có thể cùng nói tiếng Anh, thay vì chỉ một vài bạn có đam mê tìm đến các câu lạc bộ và khóa học bổ trợ.

Lu Ling Kai


Việc các cán bộ công chức vẫn còn sử dụng phiên dịch viên khi công tác nước ngoài, theo tôi, không phải là vấn đề lớn vì không thể phân biệt đối xử với công chức lớn tuổi và nhỏ tuổi nếu như không đặt yêu cầu ngay từ khâu tuyển dụng.

Bên cạnh đó, dù nhiều lúc họ biết tiếng Anh, đối với các vấn đề quan trọng, họ vẫn chưa tự tin hiểu đúng toàn bộ nội dung nên việc có phiên dịch viên đi theo không phải vấn đề lớn hay đáng trách. 

Theo đó, nhiều lĩnh vực và ngành nghề có từ ngữ chuyên môn phức tạp khó nắm bắt và ngay cả trong đối thoại thông thường vẫn có nhiều thành ngữ và câu, câu nói bóng gió, cấu trúc câu phức tạp mà người không thành thạo tiếng Anh khó nắm bắt được. Tuy nhiên, việc tìm được người có trình độ tiếng Anh cao và chuyên môn tốt không đơn giản.

Người tài không phải lúc nào cũng giỏi ngoại ngữ nên cần phải nhìn kỹ vào đòi hỏi của vị trí công việc của công chức này để đánh giá mức độ cần thiết của ngoại ngữ. Đặc biệt đối với những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, việc tìm được người giỏi chuyên môn mà vẫn thành thạo tiếng Anh là rất khó nên không cần thiết toàn bộ cán bộ, nhân viên phải biết tiếng Anh, mà chỉ cần một đến hai người mỗi phòng ban để phụ trách các tài liệu nước ngoài, tiếp đón các đoàn khách và các chuyến công tác đòi hỏi trình độ ngoại ngữ. 

Như vậy vẫn có thể đảm bảo chất lượng chuyên môn và không gặp thách thức tìm người quá lớn, đồng thời hiệu quả sẽ cao hơn việc đào tạo các nhân viên đã có mặt tại các ban ngành.

Biết tiếng Anh là kỹ năng tối thiểu của cán bộ công chức - Ảnh 3.

Bạn đọc Lu Ling Kai ( người Đài Loan)

Cách này có thể thấy được sử dụng rất phổ biến ở Nhật Bản. Do người dân không giỏi tiếng Anh nên mỗi phòng ban sẽ có từ một đến hai nhân viên thành thạo ngoại ngữ để phụ trách toàn bộ công việc liên quan đến việc này nhằm đảm bảo không gây hiểu lầm do trình độ ngoại ngữ không tốt, nhưng việc trao đổi cũng không gặp khó khăn.

Để cách làm này có hiệu quả cần phải nhờ vào sự điều phối của phòng tổ chức nhân sự và khả năng nắm bắt yêu cầu công việc của mỗi phòng ban.

Để đảm bảo những cán bộ, nhân viên được tuyển dụng có khả năng ngoại ngữ tốt, trong quá trình tuyển dụng, thay vì phỏng vấn bằng tiếng Việt nên phỏng vấn bằng tiếng Anh để kiểm tra phản xạ tiếng Anh, đảm bảo tránh trường hợp chỉ biết viết tiếng Anh nhưng không nói được, học máy móc hay theo khuôn mẫu.

Tiếng Anh không chỉ cần thiết đối với các cán bộ cấp cao, những người làm việc cho các công ty nước ngoài, mà trên thực tế cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm trong ngành dịch vụ và công việc văn phòng. 

Hiện nay vấn đề hội nhập rất quan trọng, việc học tiếng Anh và các ngoại ngữ khác sẽ là công cụ cần thiết để giới trẻ nói riêng và người dân nói chung có thể giao lưu văn hóa và tiếp xúc với các nước khác. Như vậy, chính khả năng ngoại ngữ của mỗi người đánh giá khát vọng của người đó đối với việc Việt Nam muốn hội nhập với thế giới đến mức nào.

Những người không nói được ngoại ngữ và không cố gắng học hỏi cũng chính là những người không quan tâm đến vấn đề hội nhập của nước mình, không mong muốn học hỏi để phát triển bản thân và đóng góp những kiến thức mới cho đất nước. Nói cách khác, đó là giới trẻ không biết nhìn rộng ra.

Để người Việt có thể sử dụng tiếng Anh sau khi hoàn thành giáo dục 12 năm, các trường nên tập trung vào việc dạy cho các bạn phát âm từ khi còn nhỏ. Như vậy các bạn sẽ không xấu hổ khi nói vì mỗi khi phát âm họ sẽ phát âm đúng, không sợ bị chê cười hay người khác không hiểu. Một khi đã phát âm chuẩn xác thì từ vựng và ngữ pháp có thể trau dồi trong những năm sau.

Bài học kinh nghiệm của Singapore

darren chua

Darren Chua

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tất cả lãnh đạo các sở ngành của TP từ cấp phòng trở lên phải có trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp, không cần phiên dịch.

Tôi tin rằng đó là lời kêu gọi nâng cao năng lực tiếng Anh hướng đến thế hệ lãnh đạo tiếp theo, bởi tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế trong lĩnh vực thương mại. Trong bối cảnh Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2050, việc thông thạo tiếng Anh sẽ mang lại lợi thế ở cấp độ quốc tế khi giao tiếp với các đối tác nước ngoài.

Một ví dụ có thể thấy được là Singapore, đất nước này kết nối với thế giới nhờ tiếng Anh. Là một xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc, Singapore có 75% dân số là người Hoa, 14% người Mã Lai, 9% người Ấn Độ và 2% các dân tộc khác. Trong đó, người Mã Lai được xem là cộng đồng bản địa, nên tiếng Mã Lai cũng được xem là ngôn ngữ quốc gia. Vậy làm thế nào mà tiếng Anh trở thành nền tảng cho sự thành công của Singapore?

Singapore từng là thuộc địa của Anh trong khoảng 15 năm. Sau khi giành được độc lập vào năm 1965, dưới sự lãnh đạo của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, Chính phủ Singapore đã quyết định giữ tiếng Anh là một ngôn ngữ chính. Điều này giúp kết nối khoảng cách giữa các nhóm dân tộc đa dạng ở Singapore, đồng thời việc sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ toàn cầu trong lĩnh vực thương mại, công nghệ và khoa học cũng giúp thúc đẩy Singapore phát triển và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ qua.

Trường công lập ở Singapore sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính để giảng dạy, trừ những bài học bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc. Việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi dẫn đến việc chính phủ phát động phong trào "Speak Good English" vào năm 2000, trong nỗ lực thay thế Singlish (tiếng Anh theo kiểu Singapore) thành tiếng Anh tiêu chuẩn. Ngày nay, phần đông người Singapore đều nói nhiều hơn một ngôn ngữ, thậm chí nhiều người còn nói được 3-4 thứ tiếng. Hầu hết trẻ em Singapore đều được dạy hai ngôn ngữ cùng lúc.

Bản thân tôi rất biết ơn cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Tầm nhìn xa tuyệt vời của ông cách đây nửa thế kỷ đã dẫn dắt một đất nước nhỏ bé trở thành một quốc gia phù hợp với nền kinh tế toàn cầu. Biết nhiều ngôn ngữ chắc chắn là một lợi thế khi mà thế giới đang trở nên gắn kết hơn thông qua toàn cầu hóa.

Darren Chua (người Singapore) - Ngọc Đông chuyển ngữ

Trẻ em Việt Nam nên học tiếng Anh càng sớm càng tốt Trẻ em Việt Nam nên học tiếng Anh càng sớm càng tốt

Đó là chia sẻ từ Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge (Cambridge Assessment English), bà Francesca Woodward, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam.

LU LING KAI (NGƯỜI ĐÀI LOAN) - HÀ MỸ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên