28/04/2019 08:31 GMT+7

Bỏ điện thoại xuống, chơi với con đi!

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Đơn giản là bỏ điện thoại xuống và bày một trò chơi, vẽ một bức tranh, xem một bộ phim, đọc cùng cuốn sách, kể nhau nghe những câu chuyện, trồng với nhau một cái cây, làm với nhau những việc có khi chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

1. Cô Hai của con, tức là chị ruột của anh, lâu lâu mới ghé nhà chơi một lần. Những đêm ngủ lại, cô Hai đều có tiết mục kể chuyện phục vụ mấy nhóc cháu. 

Đó là những truyện cô Hai đọc hồi nhỏ, như: Đảo giấu vàng, Nghìn lẻ một đêm, Arabella con gái tên cướp biển..., thỉnh thoảng là truyện hài hước hay cả những truyện ngắn cô vừa đọc được trên báo. Đám nhóc mê tít thò lò chuyện cô Hai kể, mỗi đêm, hết đứa này lại đứa khác giành nhau nằm gần cô Hai.

Bỏ điện thoại xuống, chơi với con đi! - Ảnh 1.

Cùng con đọc sách, cùng con chia sẻ những điều thú vị trên trang sách... - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hóa ra trẻ con bây giờ cũng thích nghe kể chuyện, như mỗi khi cô Hai mở tiết mục kể chuyện, đám nhóc đâu có cần điện thoại, iPad nữa. 

Những câu chuyện ly kỳ, thậm chí nhiều kỳ của cô Hai khiến đứa nào cũng mê, nên hễ thấy cô Hai ghé là có đứa hỏi: Bữa nay cô Hai kể chuyện gì vậy cô Hai? 

Với tụi nhỏ, cô Hai luôn có "một bụng" các câu chuyện kể. Có đứa làm một "tổng kết nhẹ": từ hồi đó đến giờ, cô Hai kể cả ngàn câu chuyện luôn á.

Tụi nhỏ làm anh nhớ mình hồi nhỏ, anh cũng thích nghe bố anh kể chuyện rừng, chuyện cọp, chuyện đánh võ. Những câu chuyện bố anh nghe ngóng, lượm lặt và đọc được. 

Những câu chuyện kể khiến cho anh cảm thấy thế giới xung quanh thần bí, huyền diệu và nỗi mong ước khám phá về nó ngày một lớn. Những câu chuyện đưa anh gần hơn với sách vở, ham muốn được đi, được học.

Đơn giản là ngồi xuống và kể chuyện. Kể chuyện cũng là cách để mình có thể chơi cùng con. 

Thay vì anh cứ bực tức la hét khi nhìn con mải miết vào thế giới chuyển động trên cái iPad, bắt nó phải đọc, phải vẽ, phải học bằng những khẩu hiệu của người lớn nhàm chán, thì, bằng cách kể chuyện cùng con, anh có thể hạn chế giờ online của con mà được sự đồng thuận vui vẻ của trẻ. 

Và, sự thú vị của việc kể chuyện có khi chỉ đơn giản là con cùng anh khám phá ra "khả năng" sáng tác của nhau. Anh dần khuyến khích con cùng sáng tác câu chuyện, ghi nhật ký mỗi ngày, vừa làm giàu trí tưởng tượng vừa có vốn ngôn ngữ tốt.

2. Những ngày nắng nóng, lại nghỉ lễ dài, rủ con đến nhà sách trốn nóng cũng là một "liệu pháp". Vừa là một cơ hội để có thể hướng dẫn con chọn sách, vừa biết con đang thích đọc gì nhất.

Anh thỉnh thoảng hay có thói quen áp đặt con phải đọc sách này mới hay, phải đọc sách kia mới bổ. 

Nhưng, thử để một bữa con tự chọn sách mình yêu thích, anh làm người quan sát, anh lại thấy con rất kỹ lưỡng trong việc chọn sách gì. 

Chẳng hạn, chú nhóc con anh mới hôm qua còn mê đọc truyện tranh, hôm nay đã biết tìm các sách về nghệ thuật, các cuốn bách khoa về khoa học: thực vật, động vật, máy móc... Cả những quyển truyện đầy chữ kinh điển của Roald Dahl, Rudyard Kipling...

Thấy con say mê đọc những Cô bé Matilda, Nhóc Nicolas, truyện Nguyễn Nhật Ánh... anh cũng vui. 

Nhưng khi con yêu cầu anh: ba hãy đọc truyện này nha, truyện hay lắm, thì anh hẹn lần hẹn lữa mà chưa đọc. Con trẻ dường như vui biết chừng nào khi có ba hay mẹ cùng đọc quyển sách nó đã đọc. 

Từ những chuyện như vậy, anh cũng chợt nhận ra, nếu anh áp đặt con đọc sách anh thích, liệu có công bằng không khi con yêu cầu lại anh đọc quyển sách nó thích mà anh làm lơ đi?

Anh quá hạn hẹp thời gian, hay đơn giản là anh chưa chịu bỏ điện thoại xuống?

3. Đơn giản là bỏ điện thoại xuống và bày một trò chơi, vẽ một bức tranh, xem một bộ phim, đọc cùng cuốn sách, kể nhau nghe những câu chuyện, trồng với nhau một cái cây, làm với nhau những việc có khi chẳng có ý nghĩa gì nhiều. 

Nhưng, chính thời gian dành hết tâm can cho con, chính những câu chuyện nhỏ bé trong hành trình bên con mỗi ngày, anh lại thấy vui nhất.

Đôi khi chính anh quên mất những câu chuyện nho nhỏ mà anh đã chơi cùng con, đã nói với con, để con nhắc lại khiến anh thấy khoảng thời gian bên cạnh con, hóa ra, với con trẻ là kỳ diệu và lớn lao vô cùng. 

Hành trình cả nhà đi cùng nhau trong thời gian thơ bé của con sẽ nhiều ý nghĩa lắm, để mai này con lớn, con còn có một tâm hồn đầy ắp.

Và anh tự hứa, sẽ bỏ điện thoại xuống nhiều hơn, mỗi khi về nhà!

WHO lần đầu tiên khuyến cáo không cho trẻ dưới 1 tuổi xem điện thoại WHO lần đầu tiên khuyến cáo không cho trẻ dưới 1 tuổi xem điện thoại

TTO - Lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chỉ dẫn về thời gian tiếp xúc thiết bị điện tử với trẻ nhỏ, theo đó trẻ dưới 1 tuổi được khuyên tuyệt đối không cho tiếp xúc.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên