15/02/2020 11:54 GMT+7

'Bỏ phố về quê': an trú hay trốn chạy?

SƯƠNG - MINH ĐỨC
SƯƠNG - MINH ĐỨC

TTO - Bạn trẻ bỏ phố về quê là lựa chọn an phận hay tâm thế lập nghiệp mới? Họ là thiểu số chọn lối sống "ẩn sĩ" hay những người nuôi chí khởi nghiệp trên đất quê?

Bỏ phố về quê: an trú hay trốn chạy? - Ảnh 1.

Nhóm bạn trẻ Võ Thành Phúc, Lê Cao Cường (Công ty CP Phương Trà, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã quyết định bỏ phố về mở nông trang trồng nấm sạch ở quê nhà, tạo việc làm cho nhiều người ở quê - Ảnh: NGỌC TÀI

Câu chuyện "bỏ phố về quê" trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần và TTO 9-2-2020 đã được nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi. 

Về quê có trụ nổi không, dễ sống không? Số báo hôm nay, Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc theo góc nhìn này.

Tôi từng "bỏ phố về quê"

Như một trào lưu, "bỏ phố về quê" tạm hiểu là người trẻ bỏ việc ở thành phố lớn, trở về quê nhà sống thanh đạm, tự cung tự cấp như thời xa xưa. Cách đây một năm, tôi cũng vậy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, có mảnh đất ở tỉnh, có đủ tiềm lực tài chính để nghỉ việc, về quê trồng rau, thả gà.

Tôi thuê trồng vườn rau theo phương pháp hữu cơ, trước để ăn và sau bán cho bạn bè xung quanh. Tôi chủ động tự cung tự cấp vì muốn tiêu khiển và thấy rằng đồ nhà trồng, nhà nuôi... có vẻ ngon hơn ở chợ.

Nhưng mục tiêu của tôi không phải là sống thanh đạm với số ít ỏi nông sản có được. Sau một năm "chuyên tâm nửa vời", vườn rau chuồng gà của tôi đạt mức tự vận hành, có nghĩa là tiền lời bán rau đủ trả chi phí nhân công, phân bón, vận chuyển các loại... Giờ đây, chỉ cần bỏ chút công quản lý, tôi được ăn đồ sạch tự sản xuất với mức giá 0 đồng. Nhưng tôi không thể mãi mãi sống kiểu tự cung tự cấp như thế này. Sau thời gian sống thanh nhàn, tôi thấy rõ "lòng mình còn tơ vương khanh tướng".

Tại sao một người trẻ, trình độ đại học, từng có việc làm ở TP.HCM lại từ bỏ thành thị phồn hoa đô hội trở về quê hẻo lánh để "có rau ăn rau, có cháo ăn cháo"? Tuổi trẻ của khám phá cái mới đâu rồi? Sao lại làm ẩn sĩ sớm dữ vậy? Sao lại gói ghém nhu cầu trong số tiền ít ỏi kiếm được? 

"Biết đủ là đủ", nhưng những người trẻ như tôi mấy ai dám tự tin vỗ ngực biết "mức đủ" của bản thân? Tôi không là họ nên không thể trả lời loạt câu hỏi này, và tôi lại nghĩ về chuyện hay là bỏ quê về phố?

Xã hội hiện đại là xã hội chuyên môn hóa, một đối cực của lối sống "tự cung tự cấp". Tại sao không phát huy hết sức mạnh ở chuyên môn được đào tạo để lấy tiền mua lại những thứ cần thiết? Tôi vẫn không hiểu tại sao một người tốt nghiệp ngành kiểm toán lại đi về quê trồng rau, nuôi gà, sống với số thu nhập ít ỏi. Mà trồng rau, nuôi gà vẫn cần phải được đào tạo và có kỹ thuật riêng chứ!

Tôi biết xã hội hiện tại không để sót người tài, chỉ cần chứng minh được bạn có tài, không thiếu công ty trong nước, ngoài nước mời bạn. Dĩ nhiên chứng minh như thế nào là tài năng mỗi người, quan hệ của mỗi người và nỗ lực của mỗi người. Người giỏi sẽ có công việc tốt. Người ít giỏi hơn vẫn sẽ có việc làm ở vị trí khiêm tốn hơn. 

Trong cuộc cạnh tranh tìm chỗ đứng ở thành thị, những người ít tài năng, lười cố gắng nhất sẽ thế nào? Và con đường họ chọn có thể là về quê theo cách dân gian hay nói là "về quê đuổi gà".

Ở phố hay ở quê không quan trọng, quan trọng là người trẻ phải phát huy hết tố chất của bản thân, khám phá hết sức mạnh bản thân, chứ không phải cố gói ghém nhu cầu bản thân. Bỏ phố về quê là một sự lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện và cả năng lực từng người, chứ không phải là một trào lưu. Bỏ phố về quê là một sự chọn lựa sinh kế bền vững, không phải tìm về nơi yên bình, cũng không phải là sự "trốn chạy" khỏi thị thành.

SƯƠNG (BÌNH DƯƠNG)

Cầm bằng cấp về quê, rồi sao nữa?

Bạn từ quê ra phố học đại học, cao đẳng, ở lại thành thị có phải là sự lựa chọn luôn hợp lý hơn, oách hơn, dễ thành công và dễ kiếm tiền hơn không? Nhưng bạn kiếm tiền bằng cách nào ở phố? Có một thực tế không thể phủ nhận là ngày càng nhiều cử nhân đang cất mảnh bằng của mình để làm công việc lao động phổ thông. 

Những ai từng thấy uổng phí sự học của mình và khao khát có việc làm đúng ngành nghề mình đã chọn và đã được đào tạo? Ở phố để chạy xe ôm, đứng bán hàng sau khi bạn tốt nghiệp đại học liệu có phải là chọn lựa tốt không?

Và có một thực tế là tốc độ phát triển kinh tế dịch vụ các tỉnh đang rất nhanh chóng. Khu công nghiệp mở ra khắp các vùng miền, cơ hội việc làm không ít. Nhiều bạn bè tôi học nghề xong về quê xin việc làm, sống gần gia đình, chi tiêu ít tốn kém, do vậy lương ít chút cũng sống được. 

Nhìn thực tế cuộc sống đang khá lên dần ở nhiều tỉnh rồi so sánh với thực tế đời sống thị dân với khói bụi ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông... thì cầm bằng cấp về quê cũng là một sự chọn lựa đâu có tệ.

Một nghề kiếm sống đang thịnh, nhiều người chọn hiện nay là nghề bán hàng online, nhiều bạn cũng đang khấm khá ở quê đó thôi. Lại có một dòng người chạy từ phố về quê làm nông như một lối sống, tự cấp tự túc tối đa. Họ làm nông như một thú vui, hay một cách kiếm sống khác thay cho bon chen thị thành. 

Họ sẽ có nhiều cách làm nghề kinh doanh đưa hàng hóa, nông sản ra thị trường thành thị (bán online). Điều này tốt nhưng sẽ khó bền lâu nếu họ thiếu những điều kiện về đất đai và hiểu biết để có thể làm nông hiệu quả đúng nghĩa.

Làm nông nghiệp tự cấp nghĩ cho cùng cũng là sự lựa chọn của thiểu số, thành quả chưa nhiều, chưa có hiệu quả xã hội lớn. Câu chuyện "bỏ phố về quê" không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, theo sở thích tạm thời. Đó phải là câu chuyện của ý chí lập thân, phải có nghề, có việc, có sinh kế bền vững ở quê. 

Do vậy, đây không chỉ là chuyện của số ít những người tiên phong dám "bỏ phố" hôm nay. Quan trọng là họ có thể làm được gì ở quê giống như họ có thể làm nếu ở phố. Có cơ hội nào cho họ không? 

Làm thế nào để chuyện này thành một xu hướng chọn việc làm của một thế hệ, không phải là trào lưu "sớm nở tối tàn"? Điều này cần sự chuyển động mạnh mẽ hơn từ nhiều phía, trong đó có cả tầm nhìn chính sách lao động và chính sách kinh tế ở từng địa phương.

MINH ĐỨC (TP.HCM)

Họ từng học đại học, từng đi làm thuê xứ người và đã chọn con đường quay về để làm chủ trên đất quê? Vì sao? Họ đang làm gì, làm cách nào và được hỗ trợ ra sao?

Câu chuyện những người đang tạo nên thương hiệu sản phẩm mới, tạo việc cho nhiều người sẽ được đăng trong số báo kế tiếp.

Tuổi Trẻ chào đón ý kiến của bạn về những câu chuyện “bỏ phố về quê” (tin bài gửi về email phucdien@tuoitre.com.vn). Trân trọng.

Hai Hai 'kẻ điên' bỏ phố lên vùng cao

TTO - "Mình nhớ tới nơi có những tấm ảnh đầu tiên chụp về miền sơn cước, người dân tộc bản địa mộc mạc. Lúc ấy, mình bỗng chán Sài Gòn, chán cả Hà Nội. Rồi mình bỏ học".


SƯƠNG - MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên