18/11/2019 13:07 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội’

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN
TIẾN LONG - NGỌC HIỂN

TTO - 'Hầu hết các bộ, ngay bộ tôi, có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập hội và đều xung phong nhận nhiệm vụ chủ tịch một hội', Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ hội - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ như vậy tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, sáng 18-11.

Ông Dung nêu thực trạng: "Khi xin họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp. Nhưng thưa thật với các anh chị, không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có hội trụ sở chính, có hội trụ sở phụ. Có hội khi chúng tôi đề nghị trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn. Rồi xe pháo, phương tiện đủ các loại".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng hiện nay luật về hội chưa được ban hành nhưng vấn đề về hội rất đa dạng, phức tạp. Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, đều vì đất nước nhưng xét quá trình tổ chức, hoạt động thì rất nhiều chuyện phải bàn. Các hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang hội đặc thù phải phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động.

Mặt khác, quy định hội trực thuộc sự quản lý cơ quan nhà nước nhưng hầu hết các hội sau khi thành lập đều "tách ra" hoạt động riêng. Mặt khác, còn đề nghị bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử thứ trưởng sang làm thành viên hội đó.

Từ thực trạng trên, ông Dung đề nghị phải siết lại việc thành lập, tổ chức hội.

"Nếu chưa có luật hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt hội đặc thù sang hội tự chủ tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho cho trung ương và địa phương", Bộ trưởng Dung đề nghị.

Nói thêm về vấn đề quỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị không nên đưa các loại quỹ vào luật.

Theo ông Dung, Quốc hội nên giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ hội. Nhiều hội thu quỹ lớn, bao gồm quỹ quốc tế, quỹ trong nước nhưng hoạt động như thế nào không ai biết.

"Bộ tôi hiện nay có 38 loại quỹ nhưng bộ trưởng không nắm được quỹ gì. Nghị định quy định bộ trưởng làm quản lý nhà nước nhưng quy định quản lý hội, quỹ thế nào không có. Muốn thanh tra kiểm tra thì không có quyền", ông Dung nêu thực trạng "loạn quỹ".

Cần phân định rõ thiên tai và nhân tai

Các đại biểu TP.HCM đều cho rằng cần phân định rõ khái niệm thiên tai và nhân tai trong phiên thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều.

truong trong nghia

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Quochoi.vn

Trước đề xuất trong báo cáo thẩm tra về việc bổ sung một số loại hình thiên tai do tác động của nhân tai như sụt lún đất do khai thác nước ngầm, do hoạt động xây dựng, sạt lở bờ sông do khai thác cát quá mức cho phép, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không thể đưa các loại hình trên vào thiên tai, phải xem đó là nhân tai.

Đồng thời, luật sư Nghĩa đánh giá đây là tư duy lợi dụng, vin vào Luật phòng chống thiên tai để nhập nhằng trách nhiệm với những hệ lụy do con người gây ra.

Thậm chí, đây là vấn đề lợi dụng luật để lấy ngân quỹ thiên tai bù đắp thiệt hại do con người gây ra.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Đức Sáu cũng cho rằng cần phải phân định lại sạt lở bờ sông do biến đổi dòng chảy là do thiên nhiên nhưng nếu do con người khác thác khoáng sản bừa bãi.

Nếu do con người gây ra, ông Sáu khẳng định không thể đưa vào do thiên tai mà phải là nhân tai và cần phải nghiêm trị.

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) đề nghị trong khái niệm thiên tai cần có thể cụm về triều cường bởi TP.HCM thường xuyên chịu các tác động của triều cường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chỉ 41 địa phương đã có 18.268 tỉ đồng quỹ ngoài ngân sách xài không hiệu quả Chỉ 41 địa phương đã có 18.268 tỉ đồng quỹ ngoài ngân sách xài không hiệu quả

TTO - Số thu của các quỹ tài chính ngoài ngân sách của 41 địa phương không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2013 khoảng 8.074 tỉ đồng, đến 2018 đã tăng lên 18.268 tỉ đồng. Nhưng theo Bộ Tài chính, đây là thống kê chưa đầy đủ.

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên