30/12/2019 09:44 GMT+7

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất ô tô của nhiều hãng lớn

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

Không chỉ biến Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất ô tô của nhiều hãng lớn", mà ngành ô tô Việt Nam còn có tham vọng “lội ngược dòng” để xuất khẩu ô tô ra nước ngoài với các thương hiệu ô tô Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất ô tô của nhiều hãng lớn - Ảnh 1.

Robot hàn hệ thống khung xương xe ô tô trong nhà máy của Thaco. Ảnh: Bá Dũng

Trao đổi với Tuổi trẻ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy trước sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được xe bus ra thị trường thế giới tại Lễ bàn giao xe bus THACO thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines ở Khu công nghiệp THACO Chu Lai vào ngày 28 - 12 vừa qua.

* Sự kiện THACO xuất khẩu xe ô tô nguyên chiếc đánh dấu mốc quan trọng của ngành ô tô Việt Nam. Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

Sự kiện này có 3 ý nghĩa to lớn, trước hết là trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt và áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, thì việc THACO xuất khẩu ô tô sang thị trường ASEAN có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự kiện này khẳng định năng lực của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu,… tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa phát triển, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.

Việc xe Bus THACO chính thức xuất khẩu và phân phối tại thị trường Philippines sau quá trình thẩm định vô cùng khắt khe và chặt chẽ đã khẳng định sản phẩm ô tô Việt Nam có thể chế tạo đạt chất lượng toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất tại khu vực và thế giới, khẳng định được vị thế của Việt Nam trong bản đồ công nghiệp ô tô khu vực và trên thế giới.

Với sản phẩm ô tô nguyên chiếc mang thương hiệu Thaco xuất khẩu ra nước ngoài cũng mở đường cho việc xuất khẩu các loại ô tô khác có xuất xứ từ Việt Nam, nhằm tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập đặc biệt các dòng xe cao cấp như xe dưới 9 chỗ ngồi.

* Việt Nam được biết đến là nước tiêu thụ và nhập khẩu rất nhiều ô tô. Nhiều doanh nghiệp nội đã từng rót tỉ USD vào ngành ô tô. Nhưng tại sao đến nay cánh cửa xuất khẩu mới mở ra?

Sản xuất ô tô là ngành công nghệ cao, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại. Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ nguồn lực để làm chủ toàn bộ chuỗi sản xuất ngành, trong đó đặc biệt các khâu quan trọng như nghiên cứu phát triển, thiết kế kiểu dáng và phát triển thương hiệu,...

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia một phần vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia; các Hãng sản xuất chỉ đặt hàng gia công vì nguồn nhân công rẻ, còn về nguồn linh kiện thì yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu từ chính Hãng sản xuất.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ, do đó, chưa thực sự tạo được niềm tin về chất lượng và dịch vụ đối với khách hàng tại các thị trường khu vực. Thêm vào đó là năng lực tham gia thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế (về khả năng tài chính, khả năng khảo sát và nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường nước ngoài, khả năng tìm hiểu và nắm bắt quy định của nước nhập khẩu…).

Chưa kể là những khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục chứng từ pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định chất lượng sản phẩm, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu

* Với sự kiện Thaco xuất khẩu được xe bus thương hiệu Việt vào thị trường Philippines, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về tiềm năng, triển vọng ngành ô tô "lội ngược dòng" vươn ra thế giới?

Trong bối cảnh hội nhập khu vực, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN là 0% từ ngày 01 - 01 - 2018 dẫn đến rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển, bởi tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam còn rất lớn.

Chưa kể cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập trong thời gian qua cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư, tái cơ cấu chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô (cả sản xuất, lắp ráp và sản xuất linh kiện, phụ tùng).

Trường hợp điển hình như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - THACO đã hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như: KIA, MAZDA, PEUGEOT, MITSUBISHI FUSO… để đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất lắp ráp ô tô mang tầm Khu vực, có quy mô lớn (lên đến 250.000 xe/ năm), với dây chuyền sản xuất tự động, chất lượng sản phẩm tương đương xe sản xuất ở chính quốc.

Trên cơ sở hợp tác, liên doanh với các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam sẽ dần nâng cao trình độ sản xuất và công nghệ để tiến tới làm chủ phần lớn các công đoạn trong chuỗi sản xuất ngành ô tô. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của các Hãng sản xuất ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong quá khứ.

Do đó, việc đưa Việt Nam không chỉ trở thành "cứ điểm sản xuất ô tô của nhiều hãng lớn", mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các Hãng sản xuất ô tô Việt Nam trở thành các Tập đoàn sản xuất ô tô có qui mô khu vực và quốc tế để sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ngược lại cho các nước khác là hoàn toàn có thể.

* Bộ Công thương sẽ có những chính sách nào để hỗ trợ ngành ô tô, doanh nghiệp sản xuất ô tô có thể tạo lợi thế cạnh tranh để hướng ra thị trường thế giới?

Trước hết là Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn như THACO, Thành Công, Vinfast…, thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước để từ đó tăng quy mô thị trường ô tô, tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất; áp dụng miễn thuế nhập khẩu linh kiện để phục vụ gia công sản xuất linh kiện phụ tùng và lắp ráp ô tô và có cơ chế khuyến khích xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng theo kết quả sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu.

buýt 32- phan việt cường

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam PHAN VIỆT CƯỜNG

Tự hào thương hiệu ô tô Việt

Sự xuất hiện của thương hiệu Thaco ở các nước là niềm tự hào tinh thần Việt Nam. Có thể nói xuất khẩu xe qua thị trường Philippines là một cố gắng lớn của Thaco.

Mục đích đầu tiên là giới thiệu dòng xe bus, sau đó là đa dạng các mẫu xe khác. Người dân các nước khi thấy thương hiệu Thaco sẽ nghĩ ngay đến Việt Nam, nghĩ đến Quảng Nam nơi đã xuất xưởng chiếc xe mà họ đang sử dụng. Bây giờ là ASEAN nhưng mục tiêu sẽ là thế giới, Châu Âu, Châu Phi, cạnh tranh trên môi trường toàn cầu chứ không còn chỉ loanh quanh trong nhà nữa.

LÊ TRUNG - ghi

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên