TTO - Những xung đột sâu sắc và kéo dài của một xã hội Hoa Kỳ phức tạp về màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo... đã lộ rõ trong những ngày chuyển giao quyền lực đầy sóng gió này.

Hình ảnh những người biểu tình - bạo động tràn vào trụ sở Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao của nước Mỹ - đã gây ra một cú sốc tầm cỡ toàn cầu. Hàng chục nghìn binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai ở Washington DC chuẩn bị cho lễ nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden trong một bầu không khí cực kỳ căng thẳng. Điều gì đã gây ra một cuộc hỗn loạn lớn như thế? Trách nhiệm chỉ là của một mình ông Donald Trump và nhiệm kỳ 4 năm đầy sóng gió của ông vừa qua, hay còn gì sâu xa hơn thế?

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 1.

Những ân oán từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 Donald Trump, thái độ trước dịch COVID-19, cuộc nổi loạn ngày 6-1, cho tới cảnh báo của FBI về những cuộc xuống đường có vũ trang khi ông Joe Biden nhậm chức, phải chăng tất cả đều là dấu chỉ về sự tàn lụi của "đế quốc Mỹ"?

Ký ức trở về năm 1965 cùng bộ phim Ngày tàn của đế quốc La Mã, thuật lại chuyện hoàng đế - nhà hiền triết Marcus Aurelius định không truyền ngôi cho con ruột là Commodus khét tiếng là một kẻ hung bạo. Đấu đá chính trị sau đó bắt đầu cho sự sụp đổ của đế chế La Mã.

Nước Mỹ nay cũng gần như thế, khi hai ông Trump và Biden cùng các môn hạ quyết đấu tới kỳ cùng.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 2.

Thật vậy, nước Mỹ ngày đầu tuần này chìm lỉm trong đại dịch COVID-19, với hơn 23 triệu ca nhiễm và hơn 380.000 người tử vong. Nhưng từ lâu rồi, có vẻ như những con số đó chỉ nhận được cái nhún vai quen thuộc "Who cares?" (Ai mà quan tâm?), mọi chuyện phó mặc cho các hãng bào chế vaccine!

Nói cho ngay, cách đây đúng 5 tháng, 11-8 năm ngoái, Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ (HHS) có loan báo một ngân quỹ 1,5 tỉ đôla hỗ trợ sản xuất và cung cấp vaccine Moderna, đổi lại chính phủ sẽ nhận được 100 triệu liều và có thể mua thêm. Hôm 11-8 đó, Mỹ mới có hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 164.000 ca tử vong.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 3.

Vấn đề ở chỗ, như kết luận của CNBC 31-12-2020 về đại dịch: "Tổng thống Donald Trump hầu như không thốt ra một lời nào về con số bi thảm của COVID-19. Thay vào đó, tổng thống dành cả tháng ám ảnh với tuyên bố vô căn cứ về một cuộc bầu cử bị đánh cắp, trì hoãn luật cứu trợ... và đả kích các thành viên trong đảng của mình". Có phải do "nhất tướng công thành" mà "vạn cốt khô"?

Vấn đề không chỉ là số người nhiễm và tử vong, mà là tại sao lại để những con số đó tăng tốc chóng mặt? Nước Mỹ chống dịch theo cấp tiểu bang, với trách nhiệm trực tiếp nơi các thống đốc, song vẫn có vai trò lĩnh xướng, chỉ đạo, điều phối tài nguyên, và nhất là thái độ của tổng tư lệnh ở Nhà Trắng.

Người Pháp có câu "Đừng giỡn với ái tình!". Năm 2020, toàn thế giới có thể nhái theo thành: "Đừng giỡn với COVID!". Song những gì chính quyền Mỹ đang làm lại chính là "giỡn mặt COVID", dẫn tới thái độ coi thường dịch nơi một bộ phận không nhỏ quần chúng theo phò tổng thống. Mới hôm 11-1 thôi, trên một chuyến bay từ Charlotte tới Washington DC, một hành khách đã nhất định không đeo khẩu trang như mọi người và luôn miệng la lối "chế độ độc tài".

Sự hun đúc tâm lý quần chúng đó, mà truyền thông dòng chính cho là toàn những dối trá, lặp đi lặp lại riết thành đức tin.

Cuộc bầu cử cũng vậy.

Trưa 6-1, ông Trump có bài phát biểu ở quảng trường Ellipse kế bên Nhà Trắng và Điện Capitol, chỉ ít phút trước cuộc nổi loạn. Không cần một ngôn ngữ lý luận cao cấp, mà vẫn là kiểu ăn nói bỗ bã đơn sơ, bông lơn càng tốt, ông tuyên bố: "Hôm nay tôi sẽ đưa ra bằng chứng chứng minh rằng chúng ta đã thắng cuộc bầu cử này và chúng ta đã thắng long trời lở đất. Đôi khi tôi nói đùa, nhưng về chuyện này thì không có đùa".

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 4.

Ngôn ngữ đó chủ yếu xoay quanh hai đại từ chủ chốt là "chúng ta" và "bọn nó" - như một lằn ranh bằng xương bằng thịt giữa ông và những người chống đối. Mới 12-1, ở biên giới Mỹ - Mexico khi thăm bức tường chặn người nhập cư, ông Trump vẫn lặp lại hai đại từ này: "Bọn nó nói [bức tường này] không thể xây được, nhưng chúng ta đã xây xong, một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta".

Trong thâm sâu, đó là kiểu trị quốc "bá đạo". "Bá đạo" ở đây có nghĩa hiện đại là ngang ngược, lạ lùng, nhưng cũng có cả nghĩa cổ điển là kiểu cai trị bằng thủ thuật, thứ hạ cấp nhất trong ba kiểu cai trị: đế đạo, vương đạo, và bá đạo, vốn được cả Thương Ưởng ở Tàu lẫn Machiavelli ở Ý nói tới khi giảng giải cho những nhà quân chủ thời họ về nghề "cầm cương chúng dân".

Trong cuốn sách nổi tiếng Quân vương (Il Principe, 1513), Machiavelli đề xướng: "Không gì gây tuyệt vọng cho bằng không tìm ra một lý do mới để hi vọng". Điều thu hút quần chúng chính là hi vọng, kể cả hi vọng hoang đường. Ở Mỹ lúc này là hi vọng "đuổi cùng giết tận" đối thủ chính trị, ngay cả khi đã liên tiếp thua, hết keo này lại bày keo khác, hết tòa này sang tòa khác, cho tới tận ngày nhậm chức, và sau đó nữa - "30 chưa phải là tết", nhưng mùng 1 cũng chưa phải là tết luôn!

Machiavelli viết: "Hầu hết mọi người, bị thu hút bởi sự hấp dẫn của điều tốt đẹp giả tạo hoặc ảo ảnh vinh quang, đều để cho mình bị quyến rũ, một cách tự nguyện hoặc do thiếu hiểu biết, trước sự sáng chói dối trá của những người đáng khinh bỉ hơn là khen ngợi".

Tự cổ chí kim, theo Machiavelli, "những tên tuổi lớn xem thất bại là điều sỉ nhục, còn gian lận để giành chiến thắng thì không hề". Hậu quả là cả một đạo quân quần chúng chỉ cho rằng phe mình đúng, ai khác đều sai. Điều gọi là sự chia rẽ, phân hóa ở Mỹ bắt nguồn từ tâm lý và thái độ này, lên đến đỉnh điểm là vụ chiếm trụ sở Quốc hội, quyền lực cao nhất quốc gia.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 5.
Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 6.

Dù ai là chủ mưu vụ tấn chiếm Đồi Capitol hôm 6-1, biến cố này đã hủy hoại hình ảnh và vai trò "lãnh đạo nền dân chủ" của Mỹ. Thanh danh gầy dựng hơn hai thế kỷ đã hoen ố rất nhiều chỉ sau một buổi chiều điên loạn.

Thế giới lập tức phản ứng theo.

Đầu tuần này, ngay cả đồng minh chí cốt của Tổng thống Trump là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã thấy tới lúc phải chia tay "bạn hiền": trên Twitter của mình trước giờ ông Netanyahu vẫn gắn tấm hình chụp với ông Trump trong Nhà Trắng, qua thứ ba 12-1, ông đã gỡ tấm hình này.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 7.

Đồng minh thì vậy, đối thủ thì được dịp ồn ào "lên lớp" Hoa Kỳ. Hoàn Cầu Thời Báo 10-1 oang oang xã luận về nước Mỹ: "Liệu việc bịt mồm Trump [ý chỉ việc Twitter treo tài khoản của tổng thống Mỹ] có vi phạm nguyên tắc tự do ngôn luận? Cho dù tu chính án thứ nhất nói gì, việc Trump không thể bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội và mất quyền mà mọi người Mỹ bình thường được hưởng chắc chắn vi phạm nguyên tắc tự do ngôn luận từng được giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ hậu thuẫn.

"Tôi phản đối những gì anh nói, nhưng sẽ bảo vệ quyền được nói của anh cho đến chết" vẫn là điều mà Hoa Kỳ lên lớp thế giới, với tư cách là "ngọn hải đăng của tự do""! Tuy khó nghe, nhưng những lý lẽ trên Hoàn Cầu cũng khó phản bác, khi nước Mỹ đang tự hại mình: "Khi ông ta [Trump] nắm quyền, ông ta nói quái đản gì cũng không sao. Nhưng nay khi ông mất quyền lực, một số nền tảng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ đã hè nhau tổ chức một cuộc "đàn áp", điều này phản ánh bản chất chính trị của việc buộc ông im lặng".

Một đối thủ khác của Mỹ là Nga cũng cho thấy ý kiến qua trang tin Sputnik 8-1: "Phần lớn người Mỹ dựa trên các phương tiện truyền thông chính thống chính thức, vốn là cánh hẩu của Đảng Dân chủ, bộ máy kỹ trị và Phố Wall... Ý kiến và thậm chí hiểu biết về các "dữ kiện" trên thế giới của dân chúng đều là dựa trên những thông tin mà các hãng tin này mớm cho họ".

Nói cho ngay, cả hai phe đều có trách nhiệm trong sự phân hóa này của nước Mỹ. Phải nhắc rằng Đảng Dân chủ đã chẳng hề kêu gọi hòa hợp gì mới cách đây không lâu: họ khăng khăng đòi truất phế tổng thống đương nhiệm. 4 năm ròng rã điều tra tới lui, một cuộc "săn phù thủy", theo lời ông Trump, cũng đã tiêu tán không biết bao nhiêu thời gian, tiền của và công sức, mà lẽ ra có thể dành cho việc chung. "Việc chung" cũng chính là từ nguyên của chữ "cộng hòa" (Republic, gốc Latin là res: việc, publica: chung).

Đáp lại việc trở thành đối tượng của cuộc "săn phù thủy", không có gì lạ khi ông Trump bắt đầu "nuôi âm binh", những kẻ cánh hữu cực đoan, thành phần ưu sinh da trắng, và cả không ít dân lao động cảm thấy bị chèn ép đã quá lâu. Chia rẽ đã không ít lần bùng lên thành bạo lực trong năm 2020 - điển hình là những vụ đụng độ sau cái chết của người da màu George Floyd dưới tay cảnh sát da trắng ở Minneapolis: 73% người theo Đảng Dân chủ ủng hộ cuộc phản kháng sau đó, so với chỉ 27% bên phe Cộng hòa, theo fivethirtyeight.com. Sự phân hóa chính trị đó dẫn đến cao trào chiều 6-1. Và không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra thứ tư tuần tới 20-1.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 8.
Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 9.

Trong lúc ông Mike Pence đang ẩn nấp trong Điện Capitol trốn tránh đám đông bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1 đòi treo cổ ông, thì Tổng thống Donald Trump lại lên Twitter tấn công vô cớ phó tướng của mình.

"Mike Pence không đủ dũng cảm để bảo vệ đất nước và hiến pháp, cho các tiểu bang thêm cơ hội để xác nhận sự thật, không phải những lừa dối trước đó. Nước Mỹ cần sự thật", ông Trump tweet lúc 14h24 ngày 6-1. Giữa bạo loạn, ông không hề gọi hỏi thăm xem phó tướng của mình có an toàn không, hay tham vấn việc chính phủ nên phản ứng thế nào!

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 10.

Sự chia rẽ nghiêm trọng giữa hai người trong những ngày nước Mỹ hỗn loạn là bước ngoặt bất ngờ sau hơn 4 năm trung thành gần như tuyệt đối của ông Pence. Phó tổng thống Mỹ thường sát cánh ông Trump vài tiếng mỗi ngày, bảo vệ tất cả những phát ngôn bất thường và chia rẽ của ông Trump, tránh chỉ trích hay phàn nàn tổng thống ngay cả ở những nơi riêng tư hay với những cố vấn thân cận nhất.

Càng như thế, cách ông Trump đối xử với ông Pence càng bị chỉ trích - ngay trong nội bộ Nhà Trắng và các cố vấn tranh cử - nhiều người trong họ cho rằng ông Pence đã bị tấn công thiếu công bằng. Một quan chức cao cấp giấu tên nói với The Washington Post rằng những rủa xả của ông Trump nhắm vào người phó thật vô lý. Tất cả bắt đầu từ việc ông Pence từ chối không tham gia việc lật lại kết quả bầu cử trong phiên kiểm đếm ở Quốc hội hôm 6-1, vốn bình thường chỉ là thủ tục.

"Chúng ta rất may mắn khi Mike Pence là người tử tế, có lý lẽ và điềm tĩnh - Joe Grogran, cựu lãnh đạo hội đồng chính sách đối nội dưới thời Trump, nói - Nếu ông cũng điên khùng như những cố vấn quanh tổng thống mấy tháng qua, chúng ta có lẽ còn thấy máu đổ tồi tệ hơn. Thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu Pence cũng lạc lối, đê hèn, và không dám đứng lên bảo vệ hiến pháp".

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 11.

Những người thân cận với ông Pence chia sẻ với báo chí rằng phó tổng thống Mỹ "rất tức giận" khi ông Trump không ngăn cản đám đông cuồng nộ, đặc biệt khi cuộc bạo loạn đã làm ít nhất năm người thiệt mạng. Chưa bao giờ hệ thống lập pháp nước Mỹ bị giáng một đòn chấn động như vậy, và rất nhiều ngón tay đổ tội đang chỉ về phía ông Trump. Nhà Trắng, sau bốn ngày im lặng, ra một tuyên bố chung chung hôm 10-1 lên án "tất cả những cổ xúy bạo lực". Tổng thống Mỹ cho tới giờ vẫn không thừa nhận an ninh của các nghị sĩ hay ông Pence bị đe dọa trong ngày 6-1.

Nhưng sự cứng rắn vào phút chót của ông Pence là chưa đủ để ông không bị dè bỉu. Những người chỉ trích nói ông Pence đã trung thành với Trump quá lâu và không đủ mạnh mẽ lên án ông Trump trong những sai lầm chính sách trước đó, như việc nhốt trẻ con nhập cư trong lồng, cuộc gọi điện với tổng thống Ukraine...

Một số khác chỉ ra ông Pence lựa chọn phục vụ Tổng thống Trump trong 4 năm và là người đứng đầu nhóm xử lý COVID-19 tệ hại của nước Mỹ - đại dịch hiện đã khiến gần 400.000 người thiệt mạng. Để rồi tới ngày bạo loạn 6-1, ông Pence lại phải chịu thêm những sỉ nhục nặng nề, lần này là từ chính những người ủng hộ Trump. Một số người xông vào Quốc hội Mỹ đã hô vang: "Mike Pence đâu?" và "Treo cổ Mike Pence!". Phó tổng thống Mỹ rơi vào một vị thế cực kỳ khó xử, nhưng một phần cũng do ông đã quá chiều chuộng ông Trump trước đó.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 12.

Ngày 6-1, ông Pence tới Quốc hội và đưa ra quyết định chứng nhận kết quả khiến ông Trump nổi đóa. Rất nhanh chóng, đám đông giận dữ tràn vào tòa nhà Quốc hội, còn ông Trump lên Twitter để tấn công phó tướng của mình.

Giữa bạo loạn và dù ba lần lực lượng cận vệ đề nghị, ông Pence vẫn từ chối rời Đồi Capitol, ngay cả khi lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện và một số người đã rời đi. Ông Trump trong 6 tiếng bạo loạn chỉ coi tivi và từ chối kêu gọi của các bên về việc lên tiếng yêu cầu nhóm bạo loạn về nhà.

Từ Đồi Capitol, ông Pence cố gắng gọi các quan chức quân đội và chính quyền để đẩy nhanh việc triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia (vốn dưới quyền điều hành của các tiểu bang hoặc Lầu Năm Góc cho khu vực thủ đô). Ông cũng thuyết phục lãnh đạo Quốc hội hoàn tất việc xác nhận kết quả ngay đêm đó (hoàn tất lúc gần 3h30 sáng), dù ông Trump và luật sư tìm mọi cách trì hoãn.

"Pence chịu áp lực công chúng và cá nhân rất lớn trong một thời khắc lịch sử. Ông đã tuân thủ hiến pháp, giữ gìn pháp quyền và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Những người đã biết rõ ông ta thì không ngạc nhiên" - Tim Phillips, lãnh đạo Americans for Prosperity, một nhóm thân phe Cộng hòa của nhà Koch, bình luận.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 13.

Thật vậy, những ai biết rõ Pence sẽ không ngạc nhiên về các quyết định của ông trong giai đoạn đầy biến động vừa qua. Với hầu hết những người Cộng hòa, Pence là một người Công giáo kính Chúa, kỹ lưỡng trong quan hệ, nhất quán với những giá trị của mình, gắng sống chính trực hết sức, theo một nghĩa rất truyền thống: chính giới Mỹ kháo nhau rằng cố vấn chính trị gần gũi nhất của ông là bà vợ tào khang đã 34 năm qua - Karen Pence.

Sinh ra trong một gia đình Công giáo La Mã trung lưu, ông Pence, 62 tuổi, là con thứ ba trong sáu anh chị em. Lớn lên ở Columbus, Indiana, chính trị vốn không phải đề tài quen thuộc trong những bữa tối của gia đình Pence. Bản thân ông từng thổ lộ thời trẻ, ông có xu hướng thân Dân chủ, rất ngưỡng mộ những người như cố tổng thống John F. Kennedy và mục sư Martin Luther King Jr.

Ở đại học, ông bắt đầu chuyển sang xu hướng bảo thủ hơn, gia nhập một nhóm Công giáo và bỏ phiếu cho Jimmy Carter, một tín hữu Kitô nhiệt thành - nhưng là một người Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống 1976. Thất vọng với Carter sau 4 năm, đến năm 1980, Pence chuyển sang bầu cho Ronald Reagan và đã là một người Cộng hòa kể từ đó.

Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông tranh cử vào Quốc hội và sau lần bất quá tam (1988, 1990 và 2000), ông mới đắc cử. Ở đó, ông giữ nguyên lập trường gắn với phe Đảng Trà đang đình đám lúc bấy giờ, cũng là cánh bảo thủ nhất trong phe Cộng hòa. Nhưng dù bảo thủ, Pence cho thấy kỹ năng chính trị của mình thời gian làm nghị sĩ: bị coi là thuộc thành phần cực đoan, ông vẫn xây dựng được quan hệ tốt với nhiều nhân vật Cộng hòa trung dung hàng đầu lúc bấy giờ.

Pence đã khéo léo cân bằng hai hình ảnh của ông: một người biết thương lượng ở Washington; nhưng ở Indiana là một người tự hào về xuất thân trung lưu da trắng, sùng đạo, và coi trọng các giá trị gia đình cổ điển ("Đồng tính là điều không tương thích với việc phục vụ trong quân ngũ vì sự hiện diện của những người đồng tính làm suy yếu sự gắn kết của các đơn vị quân đội" - Pence từng nói).

Chiến thắng trong cuộc đua thống đốc Indiana năm 2013 càng khẳng định hướng đi chính trị của Pence là đúng đắn, đồng thời chuẩn bị cho ông những kinh nghiệm điều hành cần thiết để làm phó tổng thống sau này.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 14.

Trong vai trò thống đốc, ông cũng đã cư xử nhất quán với lòng tin của mình. Một chương trình giáo dục mẫu giáo đắt đỏ do tiểu bang tài trợ, điều dù đi ngược các giá trị Cộng hòa, được thông qua vì "Karen [vợ ông] muốn thế. Bà ấy là giáo viên mà". Đồng thời là Đạo luật khôi phục tự do tôn giáo - mà thực chất là việc cho phép các doanh nghiệp Indiana từ chối phục vụ những đám cưới đồng tính trên cơ sở tôn giáo.

Nhìn lại nhân thân đó là điều có ích để hiểu rõ hơn những hành động của Mike Pence trong cơn tao loạn vừa qua.

Trong khi không chịu nghe ông Trump lật ngược kết quả bầu cử, ông Pence cũng từ chối việc phế truất tổng thống khi chỉ còn một tuần là kết thúc nhiệm kỳ. Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tối 12-1, ông Pence nói động thái đấy sẽ tạo "tiền lệ kinh hoàng" và cho rằng nó không có lợi cho đất nước cũng như không phù hợp với hiến pháp.

"Tôi kêu gọi bà và mỗi thành viên trong Quốc hội tránh các hành động làm chia rẽ và thổi bùng thêm ngọn lửa cảm xúc vào lúc này". Phe Dân chủ vẫn tiếp tục các bước của bỏ phiếu luận tội vào ngày 13-1 và ngày càng có thêm nhiều sự ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hòa.

"Chúng ta đều muốn hàn gắn, nhưng để hàn gắn, chúng ta cần sự thật và chịu trách nhiệm" - chủ tịch Ủy ban pháp lý Hạ viện Jim McGovern nói về nỗ lực của phe Dân chủ.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 15.

Bằng cách làm Tổng thống Donald Trump phải "im tiếng" trên không gian ảo, Twitter và Facebook đã cho cả thế giới thấy ai mới là kẻ nắm quyền quyết định cuối cùng trong một thế giới mà truyền thông xã hội nắm vai trò không thể thay thế. Tổng thống Mỹ, người quyền lực nhất hành tinh, hóa ra cũng chỉ là một người dùng dịch vụ Internet không hơn không kém.

"Cuối cùng thì hai tỉ phú từ California đã làm được điều mà hàng loạt chính trị gia, công tố viên và nhà môi giới chính trị đã cố gắng thực hiện và thất bại trong hàng năm liền: khiến Tổng thống Donald Trump tắt đài" - New York Times ngày 9-1 viết. Báo chí Mỹ gọi các kênh trên mạng xã hội là cái "loa phóng thanh" của ông Trump, nhưng thực tế ông chỉ là người dùng, và chủ sở hữu chúng đã quyết định "lấy lại" công cụ ưa thích của ông.

Facebook tuyên bố sẽ cấm quyền đăng bài mới trên trang của ông Trump ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ (tức ngày 20-1), còn Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của người sắp rời Nhà Trắng. Trang Facebook của ông Trump (https://www.facebook.com/DonaldTrump) vẫn còn truy cập được, nhưng bài đăng gần nhất là từ ngày 7-1, còn trang Twitter (@realDonaldTrump) thì trắng trơn, chỉ còn lại dòng chữ "Tài khoản bị tạm ngưng" vì vi phạm quy tắc.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 16.

Có nhiều thứ để bàn về thời điểm của việc Facebook và Twitter cấm cửa ông Trump: nó diễn ra chỉ vài ngày sau sự vụ ở Điện Capitol, và chỉ cách ngày ông Trump rời Nhà Trắng đúng 2 tuần. Vì sao lại ngay lúc này, khi cả hai nền tảng trong nhiều năm liền trước đây đã bảo vệ quyền được "tiếp tục hiện diện" của Trump trên nền tảng của mình?

Lý do của việc "trở cờ" không khó đoán: CEO của hai hãng, Jack Dorsey và Mark Zuckerberg, liên tục phải chịu sức ép bắt Trump phải chịu trách nhiệm cho cách dùng mạng xã hội của ông, và áp lực đó lại càng gia tăng sau vụ bạo loạn khiến 5 người chết ngày 6-1.

Twitter cho biết quyết định khóa tài khoản vĩnh viễn bắt nguồn từ 2 tweet gần nhất của ông Trump, trong đó có thông tin ông sẽ không đến dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Nền tảng này nhấn mạnh 2 tweet đó phải được xét trong bối cảnh rộng hơn, với tình hình căng thẳng ở Mỹ, sự vụ ở Điện Capitol, các sự kiện diễn ra trong nước, và cả "hành vi của tài khoản này [Trump] trong những tuần gần đây".

Khi xét hết các yếu tố đó, Twitter cho rằng các tuyên bố của tổng thống có thể được nhiều đối tượng sử dụng cho các mục đích khác nhau, bao gồm cả kích động bạo lực. Lời lẽ của ông Trump cũng vi phạm quy định chống kích động bạo lực của Twitter, và vì thế "người dùng @realDonaldTrump sẽ bị khóa dịch vụ vĩnh viễn".

Có thể Dorsey và Zuckerberg thực sự cho rằng mọi thứ với ông Trump thế là quá đủ, song cũng có thể nhìn nhận theo một cách khác, rằng chọn thời điểm này là khôn ngoan, do lẽ ông Trump giờ đã là "vịt què": thất bại khi ra tái cử, phe Dân chủ nắm cả lưỡng viện ở Quốc hội và cả chức tổng thống.

Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, ông Trump cũng mất đi nhiều đồng minh, kể cả những người thân cận nhất. Cái giá chính trị phải trả khi "tống cổ" Trump đối với Facebook và Twitter vào lúc này vì thế sẽ thấp hơn nếu hành động ở một thời điểm khác. Tuy nhiên, hệ quả trước mắt là giá cổ phiếu của hai mạng xã hội này đã giảm hôm 11-1. Biểu tình cũng diễn ra trước trụ sở Twitter.

Nhưng không chỉ có các mạng xã hội. Apple, Google và Amazon cũng cho thấy các Big Tech - các hãng công nghệ khổng lồ có ảnh hưởng toàn cầu - cũng có quyền "sinh sát", phán quyết đúng sai mạnh đến cỡ nào, khi cùng nhau "triệt" Parler - bến đỗ của những người phe hữu muốn tránh sự kiểm duyệt của Twitter.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 17.

Là chủ của hai hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, Apple và Google cấm Parler xuất hiện trên chợ ứng dụng của mình, còn Amazon ngưng cung cấp dịch vụ hosting - tương đương với việc trục xuất app này khỏi cõi mạng. Cả ba gã khổng lồ công nghệ này đều cho rằng Parler được dùng làm phương tiện bàn kế hoạch bạo loạn.

Hành động của các mạng xã hội, dù được không ít người hoan nghênh, thật ra đã đưa các công ty này vào thế leo lưng cọp, không còn đường lui. Trước đây, khi mũ ni che tai, kiên quyết cho rằng mình là nền tảng công nghệ, không phải chịu trách nhiệm với nội dung người dùng đăng tải, Facebook và Twitter đã bị cả hai phe tả hữu chỉ trích, thì giờ đây, khi đã tự tay phá vỡ lập trường, mọi hành động của các mạng xã hội này - nhất là đối với các thuật toán sàng lọc thông tin và kiểm duyệt nội dung - sẽ bị soi hơn nữa.

Chẳng hạn, sẽ có ý kiến đã khóa tài khoản Trump, sao không làm gì với tài khoản của các nhân vật chính trị mà Mỹ xem là "có vấn đề" khác? Khó có thể phớt lờ áp lực này như trước đây, khi các mạng xã hội đã chọn một nhân vật cỡ bự như Tổng thống Trump làm tiền lệ. Nhưng lúc đó, vấn đề lại là mạng xã hội lấy quyền gì mà đứng ra phân xử đúng sai, hay quyết định ai được nói và nói gì? Đây là chuyện gây tranh cãi đã dai dẳng từ trước; nếu giao cho con người thì không đủ nguồn lực, hay không tránh khỏi thiên kiến của "người phán xử", còn trí tuệ nhân tạo thì lại chưa đủ thông minh.

Vụ việc của ông Trump một lần nữa cho thấy sức ảnh hưởng của các công ty công nghệ lên những gì diễn ra trong đời thực, và tác động đấy không chỉ ở chính trị Mỹ. The Economist đưa ra ví dụ Facebook đang mắc kẹt trong cuộc đấu chính trị ở Ấn Độ, khi cả đảng cánh tả Quốc đại và đảng cầm quyền BJP đều cáo buộc Facebook ưu ái đảng kia. "Nếu họ có thể làm điều này với tổng thống Mỹ, họ có thể làm vậy với bất kỳ ai" - Tejasvi Surya, chủ tịch tổ chức thanh niên của BJP, đăng tweet sau khi Twitter tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 18.

Tôi không nghĩ tôi là người ngây thơ về nước Mỹ hay về những thời khắc đen tối trong lịch sử nước mình. Nhưng tôi không thể ngờ những biến cố như thế này, và tôi không dám chắc sắp tới sẽ còn gì nữa đây.

Ngày Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ 20-1-2017, tôi còn nhớ có đọc được tin tức về một đất nước xa xôi mà tôi hầu như chẳng biết gì về nó. Gambia, quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi, đang chìm trong khủng hoảng. Tổng thống nước đó không chịu rời nhiệm sở sau khi đã thất cử dưới tay đảng đối lập. Mọi nỗ lực chính trị đã thất bại. Sẽ không thể có sự chuyển giao quyền lực êm thấm. Rốt cuộc họ phải đưa quân đội từ các tỉnh lân cận vào thủ đô để buộc vị tổng thống thất cử rời nhiệm sở. Ông ta từ chức đúng ngày 21-1, hai ngày sau khi quân đội vào thủ đô - rồi ngay lập tức bỏ ra nước ngoài.

Tôi thấy được an ủi phần nào trong lễ nhậm chức năm 2017 của Trump bởi biết rằng Hoa Kỳ không phải là Gambia. Cuộc bầu cử năm 2016 đầy cay đắng và chia rẽ, và nhiều người Mỹ (bao gồm cá nhân tôi) thấy tức giận với kết quả cuối cùng. Nhưng hệ thống các định chế, truyền thống, và quy tắc của đất nước chúng tôi vẫn là bất khả xâm phạm. Cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình.

Bốn năm và một nhiệm kỳ tổng thống sau, Hoa Kỳ đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị giống với Gambia hơn bất kỳ giấc mơ lạ lùng nhất nào của tôi. Trump đã không chịu chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11, đeo đuổi những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử trên diện rộng ở các tòa án tiểu bang và liên bang. Mọi vụ kiện tụng đều thất bại - vì không hề có bằng chứng.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 19.

Nhưng rất nhiều người tin ở những lời dối trá của Trump. Và hôm thứ tư, 6-1, một đám đông hỗn loạn tràn vào tòa nhà Capitol, nơi Quốc hội sẽ họp để chính thức xác nhận kết quả bầu cử - biến cố do chính tổng thống kích động trong một cuộc vận động của ông ngay trước đó. 

"Ta không bao giờ có thể lấy lại đất nước này nếu yếu đuối", ông nói. "Các bạn phải cho thấy sức mạnh của mình, và các bạn phải mạnh mẽ". Giới lãnh đạo cấp cao trong nước, gồm Phó tổng thống Mike Pence, đã buộc phải ẩn nấp đằng sau những cánh cửa khóa chặt khi đám đông cuồng nộ và phá phách tràn vào tòa nhà. Cảnh sát bị tấn công không thương tiếc. Một video công bố hôm chủ nhật cho thấy những kẻ bạo động sử dụng lá cờ Mỹ để đánh một cảnh sát ngã xuống đất.

Ít nhất một cảnh sát thiệt mạng vì thương tích trong cuộc bạo động. Bên phía phe bạo động, ít nhất bốn người chết trong cuộc vây hãm tòa nhà Capitol. Và khi những đoạn video cùng nhiều thông tin khác tiếp tục được công bố, ngày càng rõ ràng là mọi chuyện đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Hôm chủ nhật, lần đầu tiên tôi được xem một video quay bên ngoài điện Capitol chiếu cảnh những kẻ bạo động hét vang, "Treo cổ Mike Pence lên!".

Tôi viết những dòng này vào thứ hai, năm ngày sau cuộc tấn công, và tôi vẫn thấy mình khó nói nên lời. Tôi thật sự không tin nổi mọi chuyện có thể tồi tệ thế này. Tôi không nghĩ tôi là người ngây thơ về nước Mỹ hay về những thời khắc đen tối trong lịch sử nước mình. Nhưng tôi không thể ngờ những biến cố như thế này, và tôi không dám chắc sắp tới sẽ còn gì nữa đây.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 20.

Tôi có mặt ở Washington, DC, vào ngày 6-1. Tôi sống ở đây, cách Điện Capitol và nơi xảy ra những hỗn loạn vài dặm. Sống ở DC có thể đã tạo cho tôi cảm giác an toàn giả tạo. Tôi nhận được những tin nhắn "ở yên trong nhà, bảo trọng nhé!" đầu tiên từ gia đình và bạn bè lúc khoảng 2h30 chiều hôm đó. 

Tới khoảng 3h chiều, thị trưởng đã ra lệnh giới nghiêm từ 6h tối tới 6h sáng hôm sau trên toàn thành phố. Khoảng 4h chiều, tôi rời căn hộ nhà mình để đi mua nhu yếu phẩm cho tối hôm đó. Các cửa hàng đông nghẹt người. Ai cũng dán mắt vào điện thoại, đọc và xem tin tức. Nhiều người đã bật khóc.

Sự bất an của ngày hôm đó là điều khiến tôi bực dọc nhất - và bây giờ vẫn khiến tôi bực dọc. Tất cả những chuyện này rồi sẽ kết thúc thế nào đây? May mắn là bạo lực cho tới giờ không lan rộng ở Washington. Lệnh giới nghiêm chỉ kéo dài một đêm. Nhưng cuối tuần tới thì sao? 

Đã bắt đầu có tin về những cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch ở DC bắt đầu từ 16 và 17-1, đó là chưa kể lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20-1. Tôi thấy sợ hãi - không phải cho bản thân, mà vì nguy cơ cuộc khủng hoảng này có thể leo thang.

Tôi có cảm giác một lằn ranh đã bị vượt qua. Biden sẽ nhậm chức tổng thống, điều đó thì tôi chắc chắn. Nhưng còn cuộc bầu cử tiếp theo thì sao? Liệu việc từ chối nhận thua, rồi đấu đá tới cùng khi kết quả bầu cử không như ý mình có trở thành điều bình thường mới trong tương lai? Liệu di sản lâu dài của Trump có phải là sự chấm dứt truyền thống chuyển giao quyền lực hòa bình ở Mỹ?

Ở đây có một sự mỉa mai đen tối. Sự khinh thị của Trump với những nước nghèo và kém ổn định hơn Mỹ là điều ai cũng biết. Nổi tiếng nhất, ông từng mạt sát Haiti và các nước châu Phi trong một cuộc gặp ở Nhà Trắng với các thượng nghị sĩ năm 2018. 

Nhưng giờ chúng tôi, sau chỉ bốn năm dưới thời Trump, đang phải chịu đựng một nhà lãnh đạo không chịu chấp nhận thất bại chính trị và quyết tâm gieo rắc càng nhiều hủy diệt càng tốt trong những ngày làm tổng thống cuối cùng. 

Bốn năm trước, khi đọc về cuộc khủng hoảng ở Gambia trong ngày Trump nhậm chức, tôi đã nghĩ, "Chà, ít ra thì chuyện đó không thể xảy ra ở đây". Còn hôm nay, tôi đang nghĩ, "Ít ra thì các tiểu bang xung quanh thủ đô không cần đưa quân đội vào để buộc tổng thống từ nhiệm". Nhưng thật lòng mà nói, tôi nghĩ ngay cả điều đó cũng không còn chắc chắn nữa.

Bóc gỡ một cuộc chuyển giao hỗn loạn - Ảnh 21.

DANH ĐỨC - ANH NGUYỄN - TỊNH ANH - TIM KENNEDY (từ Washington, DC) - HẢI MINH dịch
AP, AFP, THE NATIONAL, REUTERS
Kiều Nhi
Bảo SuZu
20-1-2021
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0