Bừng tỉnh khi "mất mạng" một ngày

NGUYỄN VŨ 08/08/2022 07:39 GMT+7

TTCT - Có lẽ chúng ta vẫn thường tự hỏi nếu một ngày kia không có Internet, cuộc sống sẽ đảo lộn tới mức nào. Canada bất ngờ "được" trải nghiệm cuộc sống như thế, thậm chí còn tệ hơn khi không có cả sóng di động.

Số là một trong những hãng viễn thông lớn nhất nước này là Rogers khi nâng cấp mạng lưới đã gặp sự cố làm hàng triệu khách hàng mất cả kết nối Internet lẫn điện thoại di động - người bị "nhanh" thì cũng mười mấy tiếng đồng hồ, còn chậm thì kéo đến mấy ngày - hồi đầu tháng 7. 

Hãng Rogers vừa cung cấp mạng di động vừa cung cấp kết nối Internet qua đường dây cáp quang cho nhiều gia đình, thành ra sự cố gây "mất mạng" cả 2 loại dịch vụ.

Từ chuyện Canada

Thử tưởng tượng chúng ta là một khách hàng của Rogers, sáng sớm thức dậy thấy điện thoại di động trở thành cục gạch, không liên lạc được với ai. Mở TV lên, màn hình trắng xóa, không bắt được đài nào vì TV thuộc loại thuê bao Internet kiểu như MyTV ở Việt Nam. Mở laptop lên cũng không có WiFi để vào mạng. Radio nếu có loại truyền thống ắt còn thu sóng được chứ ai dùng loại radio đời mới kết nối Internet coi như thua. Thế là hậu quả đầu tiên rất rõ là con người bị tách biệt khỏi thế giới thông tin bên ngoài, không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Ngày nay ít ai đặt mua báo in, nhiều người đọc tin qua điện thoại.

Ra đường thăm dò tin tức, rất có thể chúng ta sẽ thấy một đám đông tụ tập trước tiệm cà phê Starbucks; họ đến hòng tìm WiFi để vào mạng - khi không có thì đứng xì xầm trao đổi thông tin chứ không vào mua cà phê. Các phương tiện chi trả phổ biến hiện nay như ví điện tử trên điện thoại di động, quét mã QR, chuyển khoản qua mạng… đều bị vô hiệu hóa. Ngay cả cà thẻ tín dụng, máy cà thẻ của tiệm do không kết nối Internet được nên kẹt cứng ngắc.

Tìm cách lên cơ quan, rất có thể chúng ta bó tay vì không thể dùng ứng dụng gọi xe Grab như bình thường. Không có điện thoại để đặt taxi bình thường, chỉ còn cách vẫy xe trên đường nhưng không còn xe nào trống. Có thể chúng ta hy vọng đi vài dãy phố sẽ tìm gặp một buồng điện thoại công cộng nhưng đi mãi không thấy chúng đâu; các buồng điện thoại loại này đã bị tháo gỡ từ lâu, trừ một hai cái để lại làm cảnh. Lên đến cơ quan tình hình cũng không có gì khá hơn; nhân viên không thể vào mạng, không thể nhận hay gởi email, mọi cuộc họp từ xa qua Zoom bị hủy bỏ.

Canada may mắn có được trải nghiệm này để sực tỉnh mà thấy rằng cuộc sống hiện đại nay quá phụ thuộc vào công nghệ. Giả thử một sự cố gì xảy ra như thiên tai bất thường làm đứt kết nối mạng di động và mạng Internet, coi như cuộc sống gần như hoàn toàn ngưng trệ. Sực tỉnh là để đi tìm giải pháp phòng hờ cho một sự cố tương tự và nhất là nhận ra một giải pháp cơ bản: đừng đặt hết mọi thứ vào duy nhất một cửa công nghệ. Cái này đặc biệt quan trọng với những nơi đang bắt đầu số hóa ngày càng nhiều như nước ta.

Tới chuyện xứ ta

Thú thiệt mặc dù cũng thuộc giới tương đối rành về công nghệ, người viết vẫn còn thấy mơ hồ lúng túng trước một rừng thông tin liên quan đến việc mở một tài khoản để từ đó có thể thực hiện các dịch vụ hành chính công qua mạng, khỏi cần mất công đi xa, chờ đợi.

Tổ dân phố đến "tập huấn" cách đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, rồi công an quận gởi thông tin qua Zalo "hướng dẫn" đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Trong khi đó báo chí đưa tin về cách đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, cũng nói rất hữu ích trong đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng y như Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Không biết nên bắt đầu từ cái nào!

Trong hai cái đầu, khi tiến hành đăng ký một tài khoản, người dùng cũng bối rối trước hàng loạt chọn lựa được đưa ra như đăng ký bằng số điện thoại, bằng bảo hiểm xã hội hay bưu điện Việt Nam. Đó là chưa kể chọn lựa đăng ký qua SIM "ký số" với mức độ xác minh cao! Thế nhưng khi bắt tay vào đăng ký, chọn lựa vào cũng có thể có vấn đề: số điện thoại có thông tin đăng ký chưa chính chủ hay chưa chính xác là thua; người đã làm căn cước công dân nhưng chưa thông báo với bảo hiểm xã hội để cập nhật thông tin cũng thua luôn.

Đăng ký tài khoản thành công rồi, đến khi đi vào bên trong để thực hiện một số dịch vụ công, chẳng hạn như đổi hộ chiếu cũng không phải chuyện dễ. Báo Tuổi Trẻ kể nhiều trường hợp bị hệ thống thông báo "số căn cước công dân trên ảnh không trùng hợp với tài khoản đã đăng nhập" - có thể do chưa cập nhật số căn cước công dân với các nơi như viễn thông, bảo hiểm xã hội… như đã nói. 

Hệ lụy là gì? Theo thống kê của Bộ Công an từ ngày 15-5 đến 27-6, dịch vụ công cấp hộ chiếu online tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Hà Nội và Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ tiếp nhận 1.272 hồ sơ. Còn tại TP.HCM, theo thống kê của Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP, từ ngày 1-7, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý trung bình 1.500 hồ sơ/ngày nộp trực tiếp, trong khi chỉ có hơn 55 hồ sơ trực tuyến/ngày. Số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông mang tính khái quát hơn: bộ này cho biết tỉ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trung bình của cả nước mới đạt 24,89%.

Thật ra nhiều lúc vấn đề không nằm ở chỗ công nghệ. Chẳng hạn chuyện dán thẻ thu phí không dừng chỉ sử dụng loại công nghệ sơ đẳng nhất, các nước đã làm từ lâu. Thế nhưng ở nước ta khi triển khai gặp các trường hợp tréo ngoe như xe chính chủ đi đăng ký dịch vụ thì bị từ chối vì số xe này đã đăng ký tài khoản rồi hay xe nằm nhà nhưng cũng bị thu phí… Ở đây trục trặc xảy ra là do con người cố tình làm sai kiểu như nhân viên dịch vụ thu phí lấy số xe bất kỳ để đăng ký cho đủ chỉ tiêu hay có xe sử dụng biển số giả. Những trường hợp này thì dù công nghệ có tinh vi đến đâu cũng chịu thua con người cố ý gian dối.

Về nguyên tắc, người lái xe có tiền để nộp phí qua trạm bằng bất kỳ phương tiện nào là hết trách nhiệm; thu phí không dừng có nhiều mục đích, kể cả giảm ùn tắc, nhưng chủ yếu để ngăn ngừa chủ trạm khai gian doanh thu làm thất thu thuế. Như vậy trách nhiệm triển khai thu phí không dừng chủ yếu rơi vào Nhà nước và hai nơi được giao cung cấp dịch vụ; họ phải rà soát để chấn chỉnh nhân viên tránh chuyện mở tài khoản ma, sử dụng biển số thật chứ tại sao lại bắt chủ xe đi khắp nơi để hủy cái mình không đăng ký. Một khi chưa làm được chuyện đó, sao có thể "phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện để nộp phí theo hình thức tự động không dừng". Bởi như thế là con người phục vụ công nghệ, không phải công nghệ phục vụ con người.

Công nghệ là nhằm phục vụ cho cuộc sống chứ không phải ngược lại, con người loay hoay tìm mọi cách để phục vụ cho công nghệ. Nếu đồng ý với nguyên tắc này, rất dễ tìm ra con đường ứng xử đúng đắn, không cực đoan. Một khi công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận công nghệ; ngược lại, luôn phải chừa ra một con đường "phi công nghệ" để phục vụ cho những người vì lý do nào đó chưa thể tiếp cận công nghệ. Có như thế chúng ta mới lấp đầy hố sâu ngăn cách kỹ thuật số từng được cảnh báo từ lâu.■

Theo tổ chức giám sát an ninh mạng và quản trị Internet Netblocks, sự cố của Rogers bắt đầu từ ngày thứ sáu 8-7 và làm mất 1/4 kết nối Internet lẫn mạng viễn thông toàn quốc. Sang thứ bảy, nhà mạng tuyên bố dịch vụ đã khôi phục cho "đại đa số" người dân Canada. Tuy nhiên, đến tận thứ hai, tức 72 giờ sau sự cố, khách hàng ở một số nơi như thành phổ Oshawa (tỉnh Ontario) cho biết WiFi và sóng di động vẫn còn trục trặc. Cùng ngày, sau nhiều lần im lặng, Rogers mới công bố nguyên nhân sự cố là do "sập hệ thống mạng sau khi cập nhật bảo trì".

Theo báo Washington Post, sự cố để lại hậu quả cực kỳ tai hại: các ngân hàng cho biết gặp vấn đề với hệ thống thanh toán, máy ATM không hoạt động; tổng đài của hãng hàng không lớn nhất nước Air Canada ngưng hoạt động; một hãng hàng không không thể liên lạc với hành khách để cập nhật thông tin chuyến bay. Cảnh sát thành phố Winnipeg (tỉnh Manitoba) yêu cầu người dùng mạng Rogers tìm đường dây điện thoại cố định hay dùng nhà mạng khác khi cần gọi số khẩn cấp 911.

Đây là lần đứt kết nối thứ 2 của nhà mạng này trong vòng hơn 1 năm. Có ý kiến cho rằng sự cố mới nhất này là bằng chứng cho thấy cần phải có thêm cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông ở Canada. Rogers, với hơn 11 triệu thuê bao di động và 2,25 triệu thuê bao Internet, là 1 trong 3 nhà mạng thống lĩnh thị trường ở Canada.

Sự cố tất nhiên ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ công điện tử và nghị sĩ Đảng bảo thủ Michelle Rempel Garner cho rằng việc "mất mạng" này đã cho thấy "lỗ hổng bảo mật quốc gia" tiềm tàng. Còn với công chúng, mọi thứ không đơn giản là "mất mạng" thì tạm thời quay về những thứ phi kỹ thuật số. "Điều đáng sợ là mọi thứ có thể dễ dàng sụp đổ thế nào" - Gordon Barton, người đã nạp tiền vào thẻ trước khi đi dự một sự kiện âm nhạc để rồi không dùng được, nói với kênh CBC.

Ngày 12-7, Rogers tuyên bố sẽ bồi thường cho khách hàng bị ảnh hưởng số tiền tương đương phí thuê bao của 5 ngày sử dụng dịch vụ. Theo ước tính của Ngân hàng Scotiabank, nhà mạng sẽ phải chi 65-75 triệu đôla Canada để dàn xếp vụ này.

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận