13/06/2014 07:15 GMT+7

Buồn vui cùng freelancer

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Chủ động chọn con đường “ra riêng” - làm freelancer chứ không đầu quân lâu dài vào các công ty, tổ chức... đang là hướng đi của một bộ phận giới trẻ Việt.

ai2jhHDn.jpg
Nhóm bạn Quang, Lợi, Huy cùng nhau trao đổi công việc trong một văn phòng “di động” ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: Giang Hoàng

“Tốc độ phát triển thành viên của trang Facebook, trang web chuyên về freelancer của chúng tôi có thể nói là nhảy vọt. Nếu trong giai đoạn 2010-2011 chúng tôi chỉ có 365 thành viên thì hiện số thành viên đã lên gần 23.000. Điều đáng lưu ý, lượng bạn trẻ ở độ tuổi 18-24 chiếm 60% trong số này” - bà Phạm Lan Khanh (sáng lập viên trang FreelancerViet.vn) cho biết.

Làm chủ chính mình

"Nhiều bạn nhầm lẫn giữa freelance với làm việc bán thời gian, hoặc thấy chữ “free” (tự do) nên nghĩ đây là loại công việc nhàn hạ. Thực chất bạn phải đủ “chất”, năng lực tốt và có mối quan hệ rộng thì mới đi được với công việc này"

Phạm Lan Khanh (sáng lập viên trang FreelancerViet.vn)

“Tôi thích sự tự do về mặt thời gian, không gian cũng như việc được đi, tiếp xúc với nhiều người” - bạn Phạm Vũ Hoàng Giang (23 tuổi, cựu sinh viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM) giải thích về quyết định từ chối những lời mời làm việc văn phòng để trở thành freelancer nhiếp ảnh sau khi tốt nghiệp ĐH. Một mình, một balô với máy ảnh toòng teng trước ngực, Giang miệt mài đi suốt hai năm qua. “Văn phòng” của Giang có thể là một góc nhỏ cà phê, một con hẻm cổ hoặc một mạn thuyền ở sông nước miền Tây hay vùng đất Myanmar... “Bất cứ nơi đâu đủ đặc biệt để tôi lưu lại khoảnh khắc” - Giang nói.

Còn nhóm bạn 9X Nguyễn Văn Lợi, Phạm Thanh Huy, Nguyễn Bá Huỳnh Quang (cựu sinh viên khoa công nghệ thông tin ĐH Bách khoa TP.HCM) lại gặp nhau ở điểm chung: không muốn đi làm chỉ để lãnh lương. “Trước đây chúng tôi đều từng làm cho các công ty lớn, tuy nhiên hầu hết công việc đều theo hướng làm đúng như chỉ đạo từ trên đưa xuống. Còn ở đây chúng tôi ngang bằng nhau về mọi thứ nên ý kiến của ai cũng được lắng nghe. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn tạo ra một sản phẩm gì đó khắc dấu của riêng mình, đúng cái mình đam mê” - các bạn nói về quyết định lập nhóm freelancer chuyên thiết kế ứng dụng (app) từ tháng 1-2014. Huỳnh Quang còn cho rằng việc trở thành một freelancer cũng giúp bạn năng động hơn, thế giới quan được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Với Ngọc Tuyết (24 tuổi, làm trong lĩnh vực thiết kế web) thì lại cho rằng làm freelancer đồng nghĩa với việc không phải chịu sự quản lý từ nhiều cấp, khi muốn có thể dừng công việc để vi vu đây đó, chẳng còn nỗi lo bị sếp rầy la...

Nhiều áp lực vô hình

Trải qua khoảng thời gian tám tháng làm freelancer, Ngọc Tuyết cho biết thực tế công việc này khác xa với hình dung ban đầu của bạn. “Do thị trường hiện có quá nhiều freelancer nên tình trạng chung của chúng tôi là thường xuyên bị khách hàng ép giá tối đa. Và nếu ai nghĩ freelancer là thoải mái về thời gian thì nên nghĩ lại” - bạn chia sẻ. Cụ thể từ tháng 1-2014, số lượng hợp đồng đến với Tuyết sụt giảm thê thảm chỉ vì trước đó cô nàng thường xuyên nộp sản phẩm trễ hạn. Một đồn mười, “thương hiệu” của Tuyết theo đó bị ảnh hưởng nặng nề.

Từng có thâm niên nhiều năm làm freelancer lẫn nhân viên văn phòng, bà Lan Khanh cho biết áp lực của công việc này là rất lớn so với làm công ăn lương. Chưa kể, theo bà Lan Khanh, các freelancer còn thường gặp những khó khăn ở kỹ năng thương lượng, đàm phán với khách hàng cũng như tự quản lý tiến độ công việc. Quen biết nhiều với giới freelancer, bà khẳng định chỉ 5-10% trong số này thành công với nghề.

Bạn Hoàng Giang cho biết thử thách lớn nhất trong công việc này là bản thân phải có tính kỷ luật rất cao. Theo Giang, do “làm chủ chính mình” nên freelancer thường rơi vào tình trạng chủ quan về thời gian, đôi khi làm theo cảm hứng dẫn đến trễ tiến độ công việc.

Những điều cần lưu ý

Thất bại khi thử sức với freelancer, Ngọc Tuyết quyết định quay lại con đường làm nhân viên như trước đây. Tuy nhiên, với hàng chục bộ hồ sơ rải khắp nơi, bạn chỉ nhận về một lời mời làm việc. “Giai đoạn kinh tế khó khăn nên các công ty không có nhu cầu tuyển mới nhân sự. Huống hồ nhiều nơi vẫn chưa hiểu rõ về freelancer mà nghĩ đây là khoảng thời gian tôi... thất nghiệp nên không cho đó là kinh nghiệm” - Ngọc Tuyết giải thích việc bạn gật đầu với công việc mới có mức thu nhập chỉ bằng 70% so với trước đây.

Còn Hoàng Giang đang gặp ít nhiều khó khăn trong việc nộp đơn xin học bổng du học, bởi làm freelancer đồng nghĩa với việc không có được thư giới thiệu từ cấp trên, một trong những đòi hỏi thường gặp ở các chương trình học bổng.

Bà Nguyễn Liên Khả (giám đốc nhân sự Công ty cổ phần VNG) cho biết nhà tuyển dụng thường ít phân biệt hồ sơ của ứng viên freelancer hay ứng viên bình thường. “Vì điều quan trọng chúng tôi tìm kiếm trong hồ sơ ứng viên là kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng... có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không” - bà Khả nói.

Bà Lan Khanh thì khuyên những bạn trẻ mới tốt nghiệp ĐH không nên chọn con đường freelancer ngay. “Tôi luôn nhấn mạnh điều này trong những buổi nói chuyện với sinh viên, bởi làm cho công ty sẽ cho họ những thứ như: kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, chi phí dự trữ và lượng khách hàng tiềm năng từ những mối quan hệ có được... những thứ mà người “ra riêng” ngay khi tốt nghiệp sẽ khó có được” - bà phân tích. Bà dẫn chứng ở các nước phát triển, phần đông freelancer đều là những người có thâm niên cao và uy tín nhất định trong lĩnh vực. Trong khi đó, bức tranh freelancer ở VN thì ngược lại, đơn cử có tới 60% thành viên của trang web freelancerViet nằm trong độ tuổi 18-24.

Non vốn sống cũng dẫn freelancer đến những phiền phức khác. “Làm freelancer thì không phải lúc nào cũng có hợp đồng ký kết giữa hai bên, đôi khi chỉ dựa vào niềm tin. Có những lần bị khách hàng nợ tiền, đến thời hạn thanh toán chi phí thì không liên lạc được với họ... khiến cả nhóm đứng ngồi không yên. Thú thật nếu họ cố tình quịt thì chúng tôi cũng không biết phải làm sao” - Văn Lợi cho biết.

Freelancer là gì?

Có thể hiểu freelancer là người quyết định làm việc độc lập (có thu phí) hoặc làm theo nhóm, dự án nhưng không thuộc sự quản lý chính thức của một công ty nào. Freelancer theo đó không có lương, thu nhập chủ yếu dựa vào khoản chi phí thực hiện dự án mà họ thỏa thuận với khách hàng.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên