16/09/2021 12:32 GMT+7

Các nhà lãnh đạo có được miễn giấy tiêm chủng khi vào họp Liên Hiệp Quốc?

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nói ông không thể yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới trình bằng chứng tiêm vắc xin COVID-19 để tham gia họp Đại hội đồng LHQ tuần tới, sau khi giới chức thành phố New York ra yêu cầu này.

Các nhà lãnh đạo có được miễn giấy tiêm chủng khi vào họp Liên Hiệp Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (bìa trái) và ông Volkan Bozkir - chủ tịch khóa 75 Đại hội đồng LHQ - hoan nghênh ông Abdulla Shahid (giữa) trở thành chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng LHQ ngày 14-9 - Ảnh: AP

"Chúng tôi, với tư cách là Ban Thư ký, không thể nói với một nguyên thủ quốc gia là nếu ông bà không tiêm chủng, ông bà không thể vào LHQ", ông Guterres cho biết.

Theo Hãng tin Reuters, trụ sở của LHQ - ở quận Manhattan, thành phố New York - là lãnh thổ quốc tế và không phải tuân theo luật pháp Mỹ. Song giới chức LHQ từng cam kết tuân thủ hướng dẫn của địa phương và quốc gia khi xảy ra đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi đã thảo luận nhiều cách khác nhau với chính quyền thành phố để đảm bảo chúng tôi có tối đa người đã tiêm chủng", Tổng thư ký LHQ nói thêm.

Ông Guterres nói các cuộc thảo luận xoay quanh việc có bao nhiêu nhà ngoại giao đến trụ sở LHQ có thể đã tiêm chủng cho thấy "sự bất bình đẳng hiện nay liên quan đến vấn đề tiêm chủng ngày càng nghiêm trọng".

Dù vậy, theo ông Guterres, phần lớn các phái đoàn sắp đến New York đều đã tiêm chủng.

Trong tổng số 5,7 tỉ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, chỉ có 2% ở châu Phi.

Ông Guterres cảnh báo virus càng lưu hành lâu trong hàng tỉ người chưa tiêm chủng, nguy cơ biến thể càng cao. Ông cũng thúc đẩy kế hoạch toàn cầu nhằm tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trong nửa đầu năm 2022.

Cũng trong ngày 15-9, ông Bill de Blasio - thị trưởng thành phố New York - cho biết tuần tới, thành phố sẽ cung cấp xét nghiệm COVID-19 và vắc xin một liều Johnson & Johnson bên ngoài trụ sở LHQ.

Ông de Blasio đã ca ngợi Chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid vì đã nói với các đồng nghiệp LHQ trong một bức thư, rằng ông ủng hộ việc trình bằng chứng tiêm chủng và sẽ làm việc với Tổng thư ký LHQ để ban hành yêu cầu này "càng sớm càng tốt".

Tuy nhiên, đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết Matxcơva phản đối việc yêu cầu trình bằng chứng tiêm chủng để được vào Đại hội đồng, nhấn mạnh động thái như vậy là phân biệt đối xử.

Ông Nebenzia cũng kêu gọi một cuộc họp Đại hội đồng ngày 16-9 để bàn về vấn đề này. Song theo Reuters, chưa rõ cuộc họp có diễn ra hay không.

Giới chức New York đã bày tỏ lo ngại với LHQ về biến thể Delta dễ lây lan, trong bối cảnh số ca bệnh trong thành phố tăng suốt hai tháng qua.

Tháng 8, bà Linda Thomas Greenfield - đại sứ Mỹ tại LHQ - kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới gửi video thông điệp của họ thay vì đến New York, cho rằng hành động này sẽ giúp ngăn cuộc họp Đại hội đồng "trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm".

Năm 2020, không có nước nào cử phái đoàn đến New York, và các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi video thông điệp của họ. Năm nay, theo Reuters, một số nhà lãnh đạo cũng dự kiến làm như vậy, trong khi một số khác sẽ đến trụ sở LHQ để dự họp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự họp Liên Hiệp Quốc

Theo Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Cuba từ ngày 18 đến 20-9.

Sau đó, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76 ở New York và thực hiện một số hoạt động song phương tại Mỹ từ ngày 21 đến 24-9.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp tới Đại hội đồng LHQ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp tới Đại hội đồng LHQ

TTO - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết từ một nước nghèo, Việt Nam vươn lên thành nước đang phát triển và sẽ tiếp tục phấn đấu. Bài phát biểu nhắc đến Biển Đông, UNCLOS 1982 và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên