29/05/2021 07:58 GMT+7

Cách thức mới: làm việc từ xa, doanh nghiệp cần gì?

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Đứng trước những thử thách của xu hướng làm việc từ xa (work from home, viết tắt WFH), các doanh nghiệp thiết kế lại văn hóa doanh nghiệp (CC) ra sao, lao động trẻ cần chuẩn bị gì để có thể tồn tại và phát triển bền vững?

Cách thức mới: làm việc từ xa, doanh nghiệp cần gì? - Ảnh 1.

Là lãnh đạo của một trường đại học và một viện nghiên cứu tại TP.HCM, tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc cho biết nhờ sử dụng công nghệ hiệu quả, ông có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi - Ảnh: TÂN CAO

Theo khảo sát "Cuộc cách mạng kỹ năng giai đoạn mới" (do Tập đoàn ManpowerGroup (Mỹ) thực hiện trên 26.130 doanh nghiệp tại 43 quốc gia), công cuộc số hóa đang khiến nhiều công việc hiện tại dần mất đi trong khi các công việc mới xuất hiện với tốc độ nhanh, đòi hỏi những kỹ năng mới.

Ở thời điểm hiện tại, một thay đổi đáng chú ý là các công ty tập trung tuyển dụng các vị trí có kinh nghiệm và có chuyên môn, kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu công việc nhanh chóng thay vì tuyển các vị trí cấp thấp hơn để đào tạo dần như trước đây.

Bà THANH LÊ

Chân dung lao động trẻ thời kỳ mới

Cũng theo nhận định của ManpowerGroup, Gen Z (người sinh từ năm 1996-2010) có ưu điểm dễ thích nghi với WFH, sử dụng tốt công nghệ nhưng gặp trở ngại khi làm việc trực tiếp với đồng nghiệp, khách hàng thuộc thế hệ khác. Song song đó, Gen Z lại là thế hệ chịu ảnh hưởng lớn hàng đầu vì gia nhập thị trường lao động trong giai đoạn COVID-19 bùng phát.

Có thâm niên làm việc nhiều năm tại Mỹ và cũng thường xuyên quan sát giới trí thức trẻ, bà Maggie Võ (lãnh đạo cấp cao Quỹ đầu tư mạo hiểm Fuel Venture Capital tại thành phố Miami, Hoa Kỳ) nhận ra lương bổng và phúc lợi không còn là yếu tố duy nhất khiến người trẻ thỏa mãn với công việc.

"Với người từ 23-30 tuổi thì yếu tố trên càng "nhẹ" hơn vì các bạn thường chưa đạt được mức lương cao để phải tiếc khi nghỉ. Họ thường chấp nhận công việc phần lớn do sự đam mê, sự tự hào về thương hiệu, CC và cơ hội được học tập. 

Còn đối với người tài thật sự, họ thường quyết định chọn nơi có môi trường tự do phát huy thế mạnh, cống hiến, để từ đó họ có thể phát triển lên tầm mới. Họ luôn nhận được những lời mời hấp dẫn từ nhiều nơi nên CC là điều khiến họ quyết định tiếp tục gắn bó với công ty hay không", Maggie Võ nhận xét.

Với góc nhìn của một chủ doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Sĩ Triều Châu (sáng lập viên Viện Quản lý dự án Atoha) cho rằng nếu như thế hệ Millenials (sinh ra từ năm 1981-1996) tích lũy khá đủ tri thức, sự nghiệp đa phần ổn định hoặc chín mùi nên có đủ sức bền để phản ứng phù hợp với thời "hậu COVID" thì câu chuyện rất khác với Gen Z.

"Lớn lên ở thời đại công nghệ nên tính cách, thế giới quan của họ bị ảnh hưởng nhiều từ công nghệ, ít kiên nhẫn và khó tập trung hơn các thế hệ trước. 

Một nghiên cứu được Đại học Harvard (Mỹ) công bố vào tháng 2-2021 cho thấy trong đại dịch, mức độ cô đơn, trầm cảm ở giới trẻ cao hơn những người lớn tuổi. Chính vì vậy giúp họ luôn nâng cao năng lực bản thân để tồn tại trong môi trường làm việc mới như WFH là điều rất quan trọng. 

Cá nhân tôi cho rằng quản lý dự án là một trong những kỹ năng cần được dạy ở đại học, vì các bạn sẽ học được kỹ năng quản trị cuộc đời mình chứ không chỉ những điều vĩ mô", ông Triều Châu nói.

"Bài toán" từ phía doanh nghiệp

Là một trong những lãnh đạo luôn theo dõi sát sao bức tranh thị trường lao động, bà Tiêu Yến Trinh (CEO Công ty Talentnet) nhận định các doanh nghiệp VN hiện có một lợi thế đáng kể so với các "đối thủ" trong khu vực.

"Do Việt Nam chống COVID-19 hiệu quả nên năm 2020 giá trị thương hiệu của VN tăng 9 hạng lên vị trí 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới, theo báo cáo thường niên Nation Brands (Anh). 

Và cũng "nhờ" COVID-19 mà nhiều doanh nghiệp trong nước buộc phải nỗ lực để công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn rất nhiều, không còn là "nhiệm vụ bất khả khi" như họ nghĩ", bà Yến Trinh nói. Bài toán còn lại là sự chuyển đổi đó phải hiệu quả, nhịp nhàng giữa các bên liên quan, điều mà bà thừa nhận "tưởng dễ mà không dễ chút nào!".

Bà Nguyễn Thanh Hương (giám đốc nhân sự toàn quốc Tập đoàn nhân sự Mỹ ManpowerGroup Việt Nam) nói: "Bên cạnh việc cung cấp chính sách làm việc linh hoạt, doanh nghiệp nên hỗ trợ đào tạo cho nhân viên cách làm việc mới, sử dụng công cụ số hóa, sắp xếp thời gian, quản lý công việc... 

Về phần các lãnh đạo cần đặt ra cơ chế quản lý tinh gọn nhưng hiệu quả, có tư duy "số hóa". Chia sẻ và thấu cảm cũng là điều nhân viên luôn cần ở cấp quản lý trong giai đoạn WFH, khi các giao tiếp hằng ngày và sự "cầm tay chỉ việc" không còn tồn tại. Cơ chế theo dõi và quản lý công việc phải rõ ràng hơn".

Theo bà Thanh Lê (giám đốc văn phòng Công ty Adecco TP.HCM), để đảm bảo hiệu suất trong WFH, các công ty phải đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất như mạng nội bộ (VPN), máy chủ, kho lưu trữ dữ liệu đám mây (cloud), mua trang thiết bị kỹ thuật mới, mua phần mềm, công cụ hỗ trợ khi làm việc từ xa...

Cách tuyển người sẽ thay đổi

Theo bà Thanh Hương, phương thức làm việc thay đổi, các yếu tố đánh giá ứng viên cũng thay đổi theo.

"Chẳng hạn trong bối cảnh bình thường mới, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm và đánh giá sự tận tâm trong công việc, khả năng sử dụng tốt các công cụ số hóa để làm việc trực tuyến với đồng nghiệp hoặc khách hàng, tính bền bỉ và ý thức tự chủ... của ứng viên. 

Ngay cả việc phỏng vấn kiểm tra EQ, IQ hoặc kiến thức chuyên môn... các doanh nghiệp có thể sử dụng thông qua các công cụ, ứng dụng trực tuyến phổ biến", bà Thanh Hương chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Phương Mai (giám đốc điều hành Navigos Search) khẳng định sự thay đổi trong công tác tuyển dụng khi xu hướng WFH và các yếu tố công nghệ tác động mạnh mẽ là chắc chắn. 

"Gần đây, một quá trình tuyển dụng đều có thể nhờ công nghệ hỗ trợ, từ việc quét hồ sơ ứng viên để chọn ra người phù hợp nhất với yêu cầu tuyển dụng đến việc làm bài kiểm tra trực tuyến, sàng lọc kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy chiến lược thông qua game thực tế ảo... 

Chỉ những ứng viên lọt vào vòng cuối mới gặp người tuyển dụng. Nhưng cuộc gặp này cũng hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến", bà Phương Mai phân tích.

Tâm thế của doanh nghiệp

Bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ: "Về tư duy quản trị thì chúng ta phải luôn ở tâm thế sẵn sàng đón nhận thử thách, củng cố năng lực ứng biến và vượt khó. Về chiến lược truyền thông, chúng ta cần xây dựng được sự thấu cảm của nhân viên bằng cách cho họ biết và hiểu những kịch bản, các tác động đang và sẽ diễn ra".

Theo bà Trinh, nhìn toàn cảnh thì WFH có ba điều cốt lõi cần quan tâm: cơ sở hạ tầng, văn hóa doanh nghiệp và an toàn dữ liệu.

"Chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi: Việc phục vụ khách hàng có bị ảnh hưởng không? Người lao động ở các thế hệ khác nhau có thấy hạnh phúc không?

Cách quản trị, cơ sở hạ tầng có đáp ứng được điều trên không? Nhóm đối tượng nào cần trước? (vì không phải ngành nghề nào cũng có thể WFH hiệu quả, chẳng hạn giao dịch viên ngân hàng, dịch vụ...).

Chúng ta cũng có thể tổ chức những hoạt động giao lưu online (như thi nhảy trực tuyến, cùng thiền online, giao lưu với diễn giả quốc tế...) để tăng tính kết nối, công ty chúng tôi đã làm và rất bất ngờ về sự sáng tạo, tín hiệu tích cực từ mọi người" - bà Trinh nhấn mạnh.

Mở ra một cách thức mới - Làm việc từ xa: Các trường cũng đang Mở ra một cách thức mới - Làm việc từ xa: Các trường cũng đang 'chuyển mình'

TTO - Chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế cận cho thị trường, nhà trường và những người thầy nhận định về văn hóa doanh nghiệp thời kỳ mới và xu hướng làm việc từ xa (work from home - WFH).

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên