28/12/2020 12:03 GMT+7

Cái nôi công nghệ Mỹ đang rã dần?

HẢI TRẦN
HẢI TRẦN

TTO - Sau nhiều thập niên đóng vai trò tâm điểm của ngành công nghệ Mỹ, Thung lũng Silicon (bang California) đang chứng khiến làn sóng ra đi của nhiều tỉ phú và tập đoàn lớn.

Cái nôi công nghệ Mỹ đang rã dần? - Ảnh 1.

Một cuộc biểu tình của giới làm công nghệ ở Thung lũng Silicon chống lại chính sách ngăn cản nhập cư của chính quyền ông Trump- Ảnh: AFP

Texas liệu sẽ trở thành Thung lũng Silicon mới? Trong tháng 12 này, Tập đoàn Oracle vừa cho biết sẽ chuyển trụ sở chính đến TP Austin, bang Texas sau hơn 40 năm đóng đô ở California. Tỉ phú Elon Musk đã chuyển đến Texas và bóng gió rằng Tesla, công ty xe hơi mà ông đồng sáng lập và lãnh đạo, cũng có thể chuyển địa điểm.

Hewlett Packard Enterprise - một chi nhánh của Hewlett-Packard, vốn là công ty khởi nghiệp ăn nên làm ra từ một gara xe ở Thung lũng Silicon - cũng tuyên bố chuyển tới Houston "để gần gũi với khách hàng của mình hơn trong giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số".

"Ban lãnh đạo của bang California cần phải thấy nguy cơ khi ngày càng nhiều người nói rằng làm ăn ở đây không ổn khi người ta không thể sống nổi ở đấy.

Rob Enderle (nhà phân tích công nghệ dân gốc California nhưng đã chuyển đến sống ở bang Oregon được vài năm)

Bị cạnh tranh mạnh mẽ

Hay Miami (bang Florida) có thể trở thành Thung lũng Silicon tiếp theo? Đó là những gì Keith Rabois, một nhà đầu tư nổi tiếng của Bay Area, đã tuyên bố kể từ khi chuyển đến từ San Francisco mới đây. 

Trái ngược với thái độ "chống công nghệ" có vẻ đang nổi lên ở San Francisco - như vụ Hội đồng giám sát của thành phố này mới đây đã thông qua nghị quyết lên án việc đổi tên bệnh viện đa khoa của thành phố theo tên Mark Zuckerberg (giám đốc điều hành của Facebook, người đã tài trợ cho bệnh viện này), Thị trưởng Francis Suarez của thành phố Miami lại biến tài khoản Twitter của mình thành nguồn cấp dữ liệu "dọn ổ đại bàng" cho các doanh nhân và nhà đầu tư công nghệ chuyển đến thành phố của mình.

Giới quan sát nhận định làn sóng "tháo chạy" của ngành công nghệ khỏi San Francisco (nơi có Thung lũng Silicon) cho thấy các doanh nghiệp muốn tìm môi trường hoạt động hiệu quả và ít tốn kém hơn. Dịch COVID-19 chẳng khác nào chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài. Nó phá vỡ nhiều quy định tưởng là bất di bất dịch lâu nay. 

Các nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon từ lâu đã tin vào "Quy tắc 20 phút". Tức là bất kỳ công ty nào mà họ bỏ tiền đầu tư đều cần nằm cách văn phòng của họ một quãng lái xe ngắn thôi. Quy tắc đó hiện tỏ ra lỗi thời khi các nhà đầu tư đã có 10 tháng kinh nghiệm "làm việc từ xa" trong đại dịch, khi họ hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch giai đoạn đầu thông qua ứng dụng Zoom.

Hoặc như việc Google đang xem xét phương án "tuần làm việc linh hoạt", mang lại điều mà nhiều nhân viên công nghệ đã ao ước từ lâu: ba ngày làm việc ở văn phòng và hai ngày làm việc tại nhà. Mà ảnh hưởng của Google thì rất lớn, thường đặt ra các xu hướng mà nhiều công ty khác áp dụng theo. Một khi có thể làm việc ở nhà nhiều hơn thì người ta đâu nhất thiết phải chọn mua hoặc thuê những căn hộ quá đắt đỏ ở San Francisco.

Ngủ quên trên chiến thắng

Có người cho rằng Thung lũng Silicon không dễ tan vỡ trong một sớm một chiều bởi ở đây có nền tảng lâu đời lẫn đội ngũ nhân lực lành nghề, nhưng việc các ông lớn "dứt áo ra đi" là một cái chết đã được báo trước do thái độ "ngủ quên trên chiến thắng". 

Từ lâu, nhiều lãnh đạo cấp cao của các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã lên tiếng phàn nàn về sự yếu kém trong quản lý của thành phố San Francisco và bang California trong việc hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh công nghệ. Nhiều nhân vật trong ngành công nghệ, đặc biệt là tỉ phú Elon Musk, đã chỉ trích những quyết sách quản lý nghiêm ngặt của chính quyền California.

Để so sánh, bang Florida và Texas là hai nơi áp dụng các biện pháp hạn chế ít nghiêm ngặt với các doanh nghiệp công nghệ. Bang California cũng nổi tiếng là nơi có giá bất động sản đắt đỏ và thuế phí cao. Chi phí sinh hoạt tại California cũng cao hơn các bang khác tại Mỹ. Doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon phải bỏ ra một khoản đáng kể cho chi phí thuê văn phòng. Tại California, thuế thu nhập cá nhân lên đến 13,3%.

Đối với những người có thu nhập cao như các tỉ phú công nghệ, đây là một vấn đề lớn. Ví dụ, với quyền mua hàng chục tỉ USD cổ phiếu từ Tesla, tỉ phú Elon Musk sẽ phải trả tổng cộng 18 tỉ USD tiền thuế cho chính quyền bang California. Tuy nhiên, nếu sống ở Texas, vị tỉ phú giàu thứ hai thế giới sẽ né được toàn bộ số tiền thuế này.

Hiện nhiều công ty công nghệ Mỹ chọn Texas, đặc biệt là thành phố Austin, để đặt trụ sở mới. Austin đang được đặt biệt danh là "Silicon Hills" (Đồi Silicon). Trước Oracle, nhiều công ty công nghệ như Advanced Micro Devices (AMD) và Dell đã đặt trụ sở tại đây.

Theo thống kê của Phòng Thương mại Austin, tính đến tháng 11-2020, có 39 công ty trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp khác chuyển đến thành phố trong năm nay. Trong số đó có 8VC - công ty đầu tư mạo hiểm của doanh nhân Joe Londonsdale (nhà đồng sáng lập Palantir). 

Tesla cũng đang xây dựng một cơ sở rộng 370.000m2 tại ngoại ô Austin. Dự án này dự kiến tạo thêm 5.000 việc làm cho thành phố.

Pháp đánh thuế điện tử các ông lớn công nghệ Mỹ từ tháng 12 Pháp đánh thuế điện tử các ông lớn công nghệ Mỹ từ tháng 12

TTO - Facebook, Google, Amazon nằm trong danh sách các công ty sẽ bị Pháp đánh thuế điện tử từ tháng 12-2020.

HẢI TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên