15/11/2020 08:22 GMT+7

Cấm dân ra đường, hạn chế thiệt hại của bão

H.KHÁ - Đ.CƯỜNG - T.LỰC - N.LINH - P.TUẦN - T.TRUNG
H.KHÁ - Đ.CƯỜNG - T.LỰC - N.LINH - P.TUẦN - T.TRUNG

TTO - Không chỉ tổ chức phòng chống bão khẩn trương, nghiêm túc, điều đặc biệt trong công tác phòng chống bão số 13 là các tỉnh, TP ven biển miền Trung đã chủ động cấm dân ra đường khi bão vào bờ.

Cấm dân ra đường, hạn chế thiệt hại của bão - Ảnh 1.

Chiều 14-11, tàu thuyền ở Đà Nẵng được kéo lên bờ, chằng néo cẩn thận trước khi bão Vamco đến - Ảnh: T.LỰC

Từ chiều 14-11, khu vực ven biển miền Trung bắt đầu xuất hiện mưa to và gió giật liên hồi khi bão số 13 (Vamco) càng lúc càng áp sát đất liền. Đến tối cùng ngày, cường độ mưa và gió giật càng lớn và dữ dội hơn.

Phố vắng người, cấp tập gia cố mái nhà

Ngay từ chiều 14-11, các đường phố Đà Nẵng đã vắng vẻ khi lệnh cấm đường có hiệu lực. Số lượng người và xe lưu thông rất ít, đặc biệt là các tuyến đường ven biển hầu như vắng bóng người. 

Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường để đảm bảo an toàn trong thời gian bão dự kiến vào bờ. Sáng cùng ngày, nhiều người dân Đà Nẵng đã đổ ra biển xúc cát vào bao tải đem về gia cố thêm cho mái nhà trước khi bão số 13 đổ bộ.

Ghi nhận tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu), nhiều gia đình và cả các công ty mang bao đến xúc cát đem về chèn chống nhà cửa, công trình. 

Dù hầu như ai cũng đã chèn mái nhà bằng bao cát, bao nước khi cơn bão số 9 đổ bộ vừa qua nhưng nhiều gia đình vẫn không an tâm, mang thêm bao cát về gia cố nhà cửa.

Anh Nguyễn Văn Phúc cùng đồng nghiệp hì hục cầm xẻng xúc hàng chục bao cát từ sáng sớm, cho biết công ty yêu cầu phải tăng cường chèn chống nhà xưởng trên đường Nguyễn Tất Thành trước khi bão vào. 

Dù mái tôn nhà xưởng đã được siết chặt bằng dây cáp nhưng công ty yêu cầu phải lấy thêm 30 bao cát chèn lên cho chắc chắn. Không ai biết cơn bão này mạnh ra sao, gây thiệt hại nặng mức độ nào nên mọi người không chủ quan, chuẩn bị chèn chống chắc chắn nhất có thể.

Cùng cầm bao ra xúc cát mang về, anh Trần Ngọc Thịnh (đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu) cho biết đang lấy thêm bao cát về chèn mái nhà cho mẹ vợ sau khi lấy được 24 bao cát để chèn nhà mình. 

Đợt bão trước nhà anh Thịnh đã chèn lên mái 18 bao nước, nhưng cảm thấy chèn bao nước chưa chắc chắn lắm nên anh chèn thêm bao cát và cùm dây cáp cho kỹ vì sợ gió mạnh khi bão đi vào thẳng Đà Nẵng.

Ngư dân nhường nhau chỗ trú an toàn

Trước giờ bão đổ bộ, Đà Nẵng đã tổ chức di dời cho hơn 7.500 hộ dân có khả năng bị ảnh hưởng. Những hộ dân ở khu vực có khả năng xảy ra ngập lụt và sạt lở đất cũng được lên phương án di dời. Đến đầu giờ chiều, một số tuyến đường trên địa bàn đã được phong tỏa để đảm bảo an toàn cho người dân.

Lo ngại nguy cơ có sóng lớn ven biển do tác động của bão nên ngay từ sáng sớm, việc tổ chức neo đậu tàu thuyền được ráo riết thực hiện. Đến chiều cùng ngày, hầu hết tàu cá miền Trung đăng ký trú tránh bão đã vào đến các khu vực an toàn. 

Do khu âu thuyền Thọ Quang quá tải, nhiều ngư dân địa phương đã lái tàu lên sông Hàn trú tránh, nhường chỗ neo đậu cho tàu cá các tỉnh bạn.

Trên sông Cẩm Lệ cách cửa sông Hàn hơn 12km có gần 50 tàu các loại của ngư dân Đà Nẵng đang trú đậu. Ngư dân Huỳnh Thanh Sơn (tàu ĐNa 01394 ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết đây là lần đầu tiên tàu anh lên neo trú bão trên sông Hàn. Anh Sơn cho biết ngay sau khi nghe tin bão, tàu anh ở gần bờ nên đã vào neo đậu trong khu âu thuyền Thọ Quang.

Tuy nhiên do tàu các tỉnh thành miền Trung về ken kín âu thuyền, nghe anh em rủ anh đưa tàu lên đây trú bão để nhường chỗ cho người đến sau. "Tốn thêm ít xăng, ít công nhưng mà tàu nhỏ đưa lên đây tránh gió an toàn hơn. Mình ở địa phương nên luồng lạch trên sông chỗ nào cũng biết, chứ tàu tỉnh bạn đến sau biết chỗ nào mà trú" - anh Sơn nói.

Cấm dân ra đường, hạn chế thiệt hại của bão - Ảnh 2.

Người dân thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tránh bão tại Trường THCS Thuận An tối 14-11 - Ảnh: P.Tuần

Gia cố bờ biển phòng bão

Cùng ngày, lực lượng chức năng ven biển Thừa Thiên Huế đã khẩn trương dùng bao cát gia cố bờ biển. Tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền), bộ đội biên phòng cùng người dân sử dụng hàng ngàn bao cát gia cố nhiều đoạn đê, kè bị xâm thực và hư hại nghiêm trọng.

Theo ông Hoàng Văn Sửu - chủ tịch UBND xã Phong Hải, do ảnh hưởng bão lũ liên tục, bờ biển xã Phong Hải bị sạt lở, xâm lấn sâu. Do vậy, địa phương cùng bộ đội dùng các bao cát, rọ sắt, lưới sắt để gia cố, hi vọng sẽ giúp ngăn những đợt sóng mạnh cao 6-7m.

Hàng trăm hộ dân ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cũng tất bật thu dọn đồ đạc để đến nơi tránh bão. Dọn vội bữa cơm ra giữa hiên nhà, ông Huỳnh Lưu (52 tuổi, trú xã Phú Thuận) thúc giục vợ con ăn thật nhanh để còn kịp đi tránh bão. "Đây là lần thứ 4 cả nhà tui phải chạy bão, ngư dân chúng tôi không làm ăn gì được" - ông Lưu nói.

Ông Nguyễn Quang Dân, phó bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận, cho biết địa phương đã di dời hơn 600 người dân đến nơi an toàn trú bão số 13, những hộ dân không chịu chấp hành đã được lực lượng công an xã cưỡng chế. Loa phóng thanh của xã cũng liên tục phát đi thông báo yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện lệnh di dời.

Theo ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, địa phương đã di dời hơn 67.000 người dân đến nơi tránh trú bão an toàn. 

Hơn 2.000 tàu thuyền trên biển cũng được kêu gọi vào nơi neo đậu, tránh trú bão. Lực lượng quân đội, công an cũng được huy động giúp người dân chằng néo nhà cửa, di dời đến nơi an toàn.

Quảng Trị: Vừa chống bão vừa lo sạt lở

Chiều 14-11, ông Võ Văn Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, dẫn đầu đoàn đi kiểm tra dọc ven biển và vùng trũng tỉnh Quảng Trị.

Dọc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong nước ngập mênh mông và gió bắt đầu thổi mạnh. Dù địa phương đã di dời dân khỏi vùng nguy hiểm nhưng ông Hưng chỉ đạo cần tăng cường rà soát, kiểm tra từng nhà dân, kiên quyết cưỡng chế di dời những hộ không hợp tác.

Theo ông Phan Quang Giải - phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, địa phương này vừa chống bão, lũ vừa ứng phó với sạt lở dọc sông Vĩnh Định do nhiều vệt nứt lớn chạy dọc bờ sông, phía ngoài là "vực" đất vừa lở kéo theo nhiều cây cối xuống dòng nước.

TRẦN MAI - THÁI LỘC

Quảng Bình: Nín thở chờ bão

Ông Trần Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết phương án di dân tại chỗ được địa phương này áp dụng tối đa để phòng chống cơn bão số 13. Theo đó, các hộ dân ở nhà cấp 4, nhà tôn được di chuyển qua tránh bão ở những nhà kiên cố ở cùng khu vực.

Trong khi đó, 34 hộ dân ở bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), nơi có ngọn núi xuất hiện vết nứt lớn dài 700m, đã được chính quyền đưa ra trú bão tại trường học gần trung tâm xã.

Theo ông Phong, về lâu dài địa phương sẽ bố trí tái định cư cho các hộ này, nhưng trước mắt phải di dời qua nơi kiên cố để tránh bão.

QUỐC NAM

Rạng sáng nay bão vào đất liền

Ngày 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 13 như tổ chức sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cột tháp cao... để hạn chế thiệt hại do bão.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 18h ngày 14-11, bão số 13 mạnh cấp 12 (115 - 135km/h), giật cấp 15, đang cách Đà Nẵng khoảng 145km, Thừa Thiên Huế khoảng 235km và Quảng Trị khoảng 285km. Dự báo đến rạng sáng 15-11 bão vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Trần Quang Năng, trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các trạm quan trắc ven bờ đã quan trắc được ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

"Dự báo bão tiếp tục suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền Hà Tĩnh - Quảng Nam nhưng vẫn là một cơn bão mạnh, gió trên đất liền mạnh cấp 8-9, giật cấp 12" - ông Năng nói.

CHÍ TUỆ

Thiệt hại 17.000 tỷ đồng do bão lũ, cần tăng đầu tư cho các công trình gắn với phòng chống thiên tai Thiệt hại 17.000 tỷ đồng do bão lũ, cần tăng đầu tư cho các công trình gắn với phòng chống thiên tai

TTO - Bão lũ liên tiếp ở miền Trung đã gây thiệt hại lên tới 17.000 tỷ đồng. Chính phủ cam kết nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn và tăng cường đầu tư cho các các công trình hạ tầng phòng chống thiên tai .

H.KHÁ - Đ.CƯỜNG - T.LỰC - N.LINH - P.TUẦN - T.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên