23/02/2021 08:06 GMT+7

Campuchia bùng dịch COVID-19 lần 3

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - "Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2" đã gây đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ ba ở Campuchia, sau hai lần bùng dịch trước vào tháng 3 và tháng 11 năm ngoái.

Campuchia bùng dịch COVID-19 lần 3 - Ảnh 1.

Đo thân nhiệt tại khách sạn Himawari ở thủ đô Phnom Penh - Ảnh: Khmer Times

Nguyên do là một số người Trung Quốc mắc COVID-19 trốn khỏi khu cách ly tại một khách sạn 5 sao ở thủ đô Phnom Penh.

Sáng 20-2, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen lên Đài truyền hình quốc gia Campuchia (TVK) để thông báo một đợt lây nhiễm COVID-19 mới vừa được phát hiện ở Phnom Penh mà ông đánh giá là nghiêm trọng. Chỉ trong 10 tiếng (ngày 19 đến 20-2), đất nước chùa tháp phát hiện 32 ca nhiễm trong cộng đồng. Đến ngày 22-2, số ca nhiễm cộng đồng tăng lên 78.

Vì sao "toang"?

Sự cố bắt nguồn từ một số công dân Trung Quốc tại Campuchia đến cơ quan y tế sở tại xin giấy xác nhận không lây nhiễm dịch bệnh, nhưng bị phát hiện dương tính với virus corona chủng mới. Quá trình truy vết những bệnh nhân này đã dẫn đến một tụ điểm sôi động bậc nhất Phnom Penh có tên là N8.

Ngành chức năng Campuchia tiếp tục truy vết đường đi nước bước và phát hiện nhiều người trong số này đã trốn khỏi khu cách ly ở khách sạn Sokha, khách sạn 5 sao sang trọng có tiếng của Campuchia, để đến cư trú tại các chung cư. "Toang" là từ đây!

Sang ngày 21-2, các đối tượng của "sự cố cộng đồng ngày 20-2" lại tiếp tục "đóng góp" thêm 15 ca nhiễm COVID-19, trong tổng số 17 trường hợp được công bố trong ngày. 2 người còn lại là trường hợp nhập cảnh vào Campuchia.

Hôm qua 22-2, Bộ Y tế Campuchia thông báo có 35 trường hợp mắc mới COVID-19. Trong số này, có 31 trường hợp liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20-2". Nâng tổng số người mắc mới trong cộng đồng là 78 ca (số còn lại nhập cảnh, đã được cách ly).

Campuchia được đánh giá là một trong những quốc gia ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Tính đến ngày

22-2, nước này chỉ ghi nhận 568 trường hợp nhiễm bệnh. Đã có 475 trường hợp phục hồi, không ai tử vong.

Thế rồi, "sự cố cộng đồng 20-2" ập đến ngay lúc đất nước Angkor đang tự tin trong trạng thái bình thường, không dịch bệnh. Sự cố khiến Thủ tướng Hun Sen, người thường trực tiếp đứng ra tuyên bố những sự kiện quan trọng nhất của đất nước với người dân của mình, phải gọi đó là "tình huống tồi tệ". 

Một sự cố mà những người lạc quan cũng phải thừa nhận ít nhất một tháng sau, dịch bệnh mới có thể được khống chế.

Khoanh vùng 23 điểm nóng

Bộ Y tế Campuchia cho biết đã khoanh vùng được 23 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao ở thủ đô Phnom Penh, và kêu gọi những người liên quan "sự cố cộng đồng ngày 20-2" đến xét nghiệm tại Trung tâm y tế Chak Angre ở Phnom Penh.

Quận đảo Koh Pich (người Việt gọi là đảo Kim Cương) và một số khu vực tại thủ đô Phnom Penh tiếp tục bị phong tỏa. Campuchia hiện đã cho một số trường học ngừng đón học sinh đến trường và tiếp tục đóng cửa các quán bar, vũ trường, quán bia... vô thời hạn.

Thủ tướng Hun Sen tối 21-2 đã gửi thông điệp đến người dân Campuchia, trong đó ông có tính đến phương án đưa vào sử dụng các bệnh viện quân đội cùng một số bệnh viện tư nhân, bao gồm Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh (do Việt Nam đầu tư), nếu các ca nhiễm tăng nhanh.

Cũng nên nhắc lại, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc vào đầu năm 2020, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới với quốc gia này, nhưng Campuchia đã không làm vậy. Ông Sia Lim - một người gốc Hoa sinh sống gần khu vực chợ Olympic, thủ đô Phnom Penh - cho biết những người Trung Quốc đến Campuchia "rất tự tin", sự tự tin mà ngay cả người Hoa sinh ra ở Campuchia như ông cũng không có được.

Tuy nhiên, khi "sự cố cộng đồng ngày 20-2" xảy ra, mà truyền thông Campuchia nhắc chung chung là lây nhiễm trong cộng đồng người Hoa, đã khiến Sia Lim và nhiều người khác bị ảnh hưởng. 

"Mặc dù Samdech (từ kính trọng mà người dân gọi Thủ tướng Hun Sen) lên đài nói không kỳ thị người bệnh, nhưng sự nghi ngờ, lo lắng không thể không có. Việc làm ăn của tôi từ khi có dịch đã không còn tốt đẹp như trước, giờ lại khó khăn hơn" - ông Sia Lim chia sẻ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia xác nhận đã có một số công dân Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy định phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Campuchia. Điều này gây nhiều khó khăn cho nước sở tại trong ứng phó dịch bệnh. 

Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi mọi công dân Trung Quốc tại Campuchia phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Campuchia, đồng thời tích cực hợp tác với cơ quan y tế nước sở tại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Việt Nam xác minh tin công dân bị nhiễm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Châu Văn Chi - chủ tịch Tổng hội Khmer Việt - trấn an rằng người gốc Việt đã được phổ biến kiến thức phòng chống dịch và thông tin đến tận địa phương. "Sẽ không có tình trạng người gốc Việt ở Campuchia lo lắng bỏ sang Việt Nam" - ông Chi khẳng định.

Chiều 22-2, đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cho biết sứ quán đang xác minh thông tin có công dân Việt Nam phát hiện bị mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Campuchia. "Từ đó sứ quán sẽ tiến hành các bước bảo hộ công dân phù hợp" - đại sứ Vũ Quang Minh nêu.

Tăng chốt phòng dịch ở biên giới Tây Nam

chot kiem dich

BĐBP tỉnh An Giang đã tăng dày các chốt công tác cách nhau khoảng 500m để kiểm soát, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép - Ảnh: BỬU ĐẤU

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-2, đại tá Lý Kế Tùng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang - cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia bùng phát, BĐBP An Giang đã chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát nhiều hơn để siết chặt quản lý biên giới.

Cụ thể, đơn vị đã tăng dày thêm nhiều tổ, chốt phòng chống dịch COVID-19 ven biên giới. Trước đây toàn tỉnh An Giang chỉ có 177 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 cho gần 100km thì hiện nay đã có 187 tổ, chốt phòng chống dịch, tăng 10 tổ, chốt ở các tuyến biên giới. Trong này có cả tổ lưu động tuần tra và chốt cố định.

"Bình quân mỗi tổ chốt ven biên giới hiện nay chỉ cách nhau chừng 500m. Chúng tôi chỉ đạo phải tăng cường tuần tra nhiều hơn so với bình thường. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại biên giới cũng được siết chặt hơn trước, kiểm soát gắt hơn" - đại tá Tùng nói.

Ngoài ra, BĐBP chỉ đạo lực lượng toàn tuyến biên giới tích cực tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân dân biên giới tích cực tham gia tố giác tội phạm. Đặc biệt là việc tố giác hành vi xuất nhập cảnh trái phép.

Còn ông Từ Quốc Tuấn - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết sở đã chỉ đạo ngành y tế 5 địa phương biên giới: huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực phòng ngừa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Phước - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết ông vừa ký công văn số 123 về việc trao đổi thông tin các trường hợp nhập cảnh trái phép vào trong nước qua đường mòn, lối mở".

"Bây giờ phía Campuchia có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đông hơn nên công tác siết chặt quản lý đường biên giới hiện tại được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương ven biên giới phải tích cực tuần tra, kiểm soát và chốt chặn để ngăn chặn quyết liệt tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép" - ông Phước nhấn mạnh.

BỬU ĐẤU - SƠN LÂM

Campuchia căng thẳng vì nhiều người nhập cảnh từ Trung Quốc mắc COVID-19 bỏ trốn Campuchia căng thẳng vì nhiều người nhập cảnh từ Trung Quốc mắc COVID-19 bỏ trốn

TTO - Thủ đô Phnom Penh của Campuchia trải qua ngày thứ 3 liên tiếp phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID-19. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi nhiều người nhập cảnh từ Trung Quốc nhiễm COVID-19 đã trốn khỏi khu điều trị.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên