21/11/2019 11:22 GMT+7

'Canh tê giác suốt đêm, tôi đặt tên nó là Cà phê luôn'

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - 'Chúng tôi phải uống cà phê để canh suốt đêm, vì thế chúng tôi đặt tên một chú tê giác con là Cà phê', nhân viên kể chuyện chăm sóc tê giác trắng ở Vinpearl Safari Phú Quốc.

Canh tê giác suốt đêm, tôi đặt tên nó là Cà phê luôn - Ảnh 1.

Hai chú tê giác (nhỏ) được sinh ra tại Vinpearl Safari Phú Quốc hồi tháng 4-2019 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Vấn đề bảo tồn luôn là nỗi trăn trở của các chuyên gia, nhà động vật học về bảo vệ các loài động vật và đa dạng sinh học, đặc biệt là khu vực có sự đa dạng sinh học cao như Đông Nam Á.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật, Vinpearl Safari Phú Quốc đã đăng cai tổ chức Hội nghị bảo tồn và phúc trạng động vật thường niên lần thứ 27 của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA) với chủ đề "Các vườn thú Đông Nam Á với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phúc trạng động vật", từ ngày 17 đến 20-11 ở Phú Quốc, Kiên Giang.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện 27 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN và các nhà quản lý vườn thú đến từ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... Họ dành sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện để tìm hiểu việc bảo tồn động vật tại các vườn thú ở Đông Nam Á cũng như trao đổi kinh nghiệm của mình.

Chia sẻ các sáng kiến bảo tồn

Mỗi câu chuyện, dự án bảo tồn được các đại diện đến từ khắp nơi trên thế giới kể tại hội nghị không chỉ là những giải pháp, ý tưởng mà còn là nguồn cảm hứng để động viên lẫn nhau trong công tác bảo tồn.

Chuyên gia người Myanmar Myint Thein say sưa kể về dự án nhân giống loài mèo cá quý hiếm mà cô tham gia khi bốn cặp vừa sinh con trong tháng 9-2019. Loài mèo cá đặc trưng của khu vực Nam và Đông Nam Á này được xếp vào mục sắp nguy cấp trong danh sách đỏ mới của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) từ năm 2016. 

"Chúng tôi nâng niu chúng như những đứa con, cho chúng uống sữa, cho chúng tắm nắng mỗi ngày" - cô nói.

Chuyên gia Josephin Bernadette của vườn thú Bandung (Indonesia) đem đến những kinh nghiệm thú vị khi quan sát quá trình chăm sóc con của loài già đẫy, một loài được bảo vệ tại Indonesia. Hay anh Wei Yu Tai đến từ sở thú Đài Bắc mô phỏng kỹ lưỡng quy trình kỹ thuật cầu kỳ để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm cho loài ếch phi tiêu độc.

Dù mỗi câu chuyện là những loài vật khác nhau, những kỹ thuật khác nhau nhưng đều hướng đến nỗ lực chung là bảo tồn đa dạng sinh học , hướng đến sự phát triển bền vững.

"Sự đa dạng sinh học phải được bảo vệ vì nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển xã hội, kinh tế và môi trường, có cung cấp nguyên vật liệu cho phát triển công nghiệp, cung cấp lương thực thực phẩm cho cộng đồng và thực hiện chức năng đối với môi trường như chống xói mòn", GS Đặng Huy Huỳnh - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam - cho biết.

Theo GS Huỳnh, trong bảo tồn hiện nay có hai phương pháp lớn nhất và không tách rời là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ, và hội nghị tại Vinpearl Safari Phú Quốc là về phương pháp bảo tồn chuyển chỗ. 

Ngày nay người ta càng nhận ra giá trị của phương pháp bảo tồn chuyển chỗ bởi nó có đóng góp lớn cho việc bảo vệ nguồn gen nói chung và động vật nói chung.

Cần có đạo đức với động vật

Ngoài vấn đề bảo tồn, hội nghị cũng đề cập đến vấn đề mà trước đây ít được nhắc đến là phúc trạng động vật. Các chuyên gia chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong bảo tồn từ việc thiết kế vườn thú, đảm bảo dinh dưỡng cho động vật cho đến các chương trình giúp nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ động vật, vấn đề đạo đức trong việc bảo tồn.

Theo ông Lưu Chí Hiếu - giám đốc Vinpearl Safari Phú Quốc, khi động vật có phúc trạng tốt thì chúng mới có thể sinh sản và phát triển bền vững. "Phúc trạng động vật bao gồm những vấn đề như phải đảm bảo thức ăn, nguồn nước và cho phép chúng có những sinh hoạt như trong tự nhiên, bên cạnh những yêu cầu khác như chăm sóc về thú y" - ông Hiếu nói.

Trong khi đó, chuyên gia Georgina Groves của Tổ chức phúc lợi động vật hoang dã Wild Welfare nhấn mạnh sự minh bạch và khuôn khổ đạo đức trong việc quản lý động vật nhằm nâng cao phúc trạng cho chúng. 

"Khoa học cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về động vật và thế giới tự nhiên nhưng... đạo đức cho phép chúng ta lý lẽ về việc phải hành động như thế nào và tạo cảm hứng cho chúng ta làm việc với động vật và vì động vật" - bà Grove chia sẻ.

"Việc bảo vệ sức khỏe và đạo đức đối với động vật là rất cần thiết. Đó là đạo đức, văn hóa môi trường. Ngoài bảo vệ môi trường, chúng ta cũng phải có trách nhiệm đối với những con vật sống trong môi trường xung quanh chúng ta. 

Các loài động vật cũng cần sự bình đẳng vì chúng cũng cần tồn tại. Con người, từ trẻ em đến nhà quản lý, cần hiểu về tầm quan trọng của động vật và bảo vệ chúng, dù là động vật nuôi hay hoang dã. Tôi nghĩ đó là thông điệp quan trọng của hội nghị" - bà Grove nói.

Bà Jenny Gray - cựu chủ tịch Hiệp hội Vườn thú thế giới - nhấn mạnh rằng nhiều loài động vật quý hiếm trên hành tinh đang lâm nguy và các hành động của con người đang đẩy động vật đến bờ tuyệt chủng. 

"Chúng ta phải tự hỏi mình nghĩ về hành động của mình mỗi ngày. Chúng ta mua gì, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác nhựa. Tất cả chúng ta, dù không phải là những người làm việc với động vật, cũng có thể tạo ra sự thay đổi và hãy cùng nhau tạo ra sự thay đổi" - bà nêu thông điệp tại hội nghị.

Tâm điểm hai tê giác sinh ở Việt Nam

Một câu chuyện thu hút sự quan tâm của các đại biểu quốc tế chính là sự ra đời của hai chú tê giác trắng vào tháng 4-2019 tại Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc bằng phương pháp ghép đàn và phối giống tự nhiên.

Đây là sự kiện hiếm thấy không chỉ tại Việt Nam mà còn đối với các vườn thú khu vực Đông Nam Á, vì vậy ca sinh của hai chú tê giác được theo dõi chặt chẽ.

"Chúng tôi phải uống cà phê để canh suốt đêm, vì thế chúng tôi đặt tên một chú tê giác con là Cà phê" - ông Bùi Phi Hoàng, nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc, kể. Chú tê giác con còn lại được đặt tên là Hakuna Matata.

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam

TTO - Trong vòng 17 ngày, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc đã chứng kiến sự ra đời của hai con tê giác sơ sinh, một đực và một cái, trọng lượng 40-50kg, sau gần một năm rưỡi nằm trong bụng mẹ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên