12/11/2019 09:58 GMT+7

Cha mẹ làm gì và không nên làm gì để con yêu khoa học?

TRỌNG NHÂN thực hiện
TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - 'Mọi đứa trẻ đều rất tò mò và thích khám phá, chỉ cần không tước đoạt điều đó thì tình yêu khoa học của trẻ nhỏ sẽ được gieo mầm và sẽ phát triển nếu gặp môi trường thích hợp sau này'.

Cha mẹ làm gì và không nên làm gì để con yêu khoa học? - Ảnh 1.

Cha mẹ cần giữ gìn tính tò mò của con trẻ thông qua những hoạt động thường ngày - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đó là một trong những chia sẻ của TS Giáp Văn Dương xung quanh chủ đề làm thế nào để gieo mầm và nuôi dưỡng hạt giống đam mê khoa học ngay từ thuở nhỏ. Theo ông, nếu bản thân các phụ huynh cũng yêu khoa học, đam mê này sẽ được truyền đến các con một cách tự nhiên.

Giữ gìn tính tò mò của trẻ

* Theo ông, tình yêu khoa học xuất phát từ bản chất mỗi người hay hình thành khi được bồi dưỡng theo thời gian?

- Khoa học bắt đầu bằng sự tò mò về con người và thế giới. Nếu để ý ta sẽ thấy trẻ con rất hay tò mò như trẻ mẫu giáo luôn miệng hỏi "Tại sao?". Vì thế, hạt mầm của tình yêu khoa học có trong tất cả chúng ta. Chỉ là nếu sau này không được gieo xới vun trồng, không có môi trường thuận lợi, hạt mầm đó thường bị thui chột.

Nhìn vào bản chất công việc của những người làm khoa học, chúng ta sẽ thấy khoa học là một hành trình khám phá nhằm mở mang tri thức. Mà đã là hành trình thì cần phương pháp, lộ trình và thời gian mà chỉ tò mò không thì chưa đủ.

Do đó, các bậc cha mẹ nên có một kế hoạch hoặc ít nhất cũng là một chủ ý đủ rõ để nuôi dưỡng tình yêu khoa học của con trẻ. Nếu làm được như vậy, tình yêu đó sẽ phát triển dần theo năm tháng.

* Những hạt mầm khoa học này có thể gieo từ khi nào, thưa ông?

- Với trẻ em, ngay từ khi mới học mẫu giáo đã có thể gieo mầm tình yêu khoa học. Trên thực tế, mọi trẻ đều rất thích khám phá, nên hạt mầm của tình yêu khoa học đã có sẵn ngay khi trẻ biết nhận thức. Do đó, điều quan trọng không hẳn là "gieo", mà là không "tước đoạt" khả năng tò mò vô vụ lợi, khả năng đặt câu hỏi, khả năng ngạc nhiên của trẻ.

Khi trẻ bước vào cấp tiểu học, tinh thần khám phá của chúng cũng vẫn còn rất mạnh mẽ. Ngoài ra, trong giai đoạn này nhận thức của trẻ đã tốt hơn, tay chân cứng cáp hơn, khả năng vận động cũng tốt hơn.

Khả năng tiếp thu của trẻ lúc này rất mạnh, trong khi nhận thức chưa bị gò ép bởi các định kiến và khuôn mẫu có sẵn. Vì thế, đây là thời gian rất phù hợp để giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo và khám phá. Việc nuôi dưỡng tình yêu khoa học vào bậc học này là tốt nhất.

Sang bậc học cao hơn, tình yêu khoa học vẫn có thể phát triển tốt nhưng lúc này tâm sinh lý của trẻ đã bước sang giai đoạn mới. Mối quan tâm của trẻ không còn chỉ đơn thuần là khám phá thế giới, mà là các mối quan hệ và giới tính. Do đó, nếu không được tiếp xúc và vun đắp từ bậc tiểu học, tình yêu khoa học của trẻ rất dễ bị thui chột ở những cấp học sau.

Vấn đề là làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu khoa học? Cách tốt nhất là cho trẻ cơ hội được trải nghiệm, được khám phá, được gặp gỡ các nhà khoa học, được đọc sách khoa học thường thức và được truyền cảm hứng.

Nói chung là được tiếp xúc với một môi trường giàu tính khoa học và được trải nghiệm, khám phá một vài vấn đề khoa học đơn giản. Bằng cách đó, trẻ sẽ không bị sa vào bẫy học chay, học để trả bài, giữ được sự tò mò và tình yêu khám phá ở các bậc học cao hơn.

Cha mẹ làm gì và không nên làm gì để con yêu khoa học? - Ảnh 2.

TS Giáp Văn Dương - Ảnh: N.V.

Kinh nghiệm của cá nhân tôi cho thấy muốn trẻ yêu khoa học thì bố mẹ phải yêu khoa học trước. Nếu bố mẹ không yêu khoa học, không tiếp xúc với môi trường khoa học, không đọc sách khoa học thường thức thì rất khó truyền tình yêu này cho các con.

TS Giáp Văn Dương

Quan trọng ở sự tự học

* Ông có thể "bật mí" với bạn đọc về cách nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho các con trong nhà mình được không?

- Tôi vốn dĩ là người làm khoa học và giáo dục nên trong các câu chuyện hằng ngày, hàm lượng khoa học cũng chiếm một phần đáng kể. Khoa học, vì thế, đến với trẻ con trong nhà một cách tự nhiên. Ngoài ra, tôi cũng viết sách phổ biến khoa học nên tinh thần khoa học lại càng gần gũi.

Trong nhà, chúng tôi có rất nhiều cách để chạm vào khoa học như đọc sách cùng nhau, ra câu đố, hỏi những câu tại sao và như thế nào bởi từ trong bếp ra ngoài hiên, chỗ nào cũng có những vấn đề có tính khoa học, chỉ cần để ý một chút là sẽ thấy.

Tôi cũng hay mời bạn bè là những người làm khoa học đến chơi, hoặc đi cà phê và tất nhiên tôi thường dẫn con trẻ đi cùng. Bằng cách đó, khoa học sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Không chỉ là sách vở và các chủ đề, mà còn là những con người bằng xương bằng thịt.

Nếu bố mẹ đã yêu và có tinh thần khoa học, điều đó sẽ truyền đến con trẻ một cách tự nhiên. Vì như đã nói, mọi đứa trẻ đều rất tò mò và thích khám phá. Chỉ cần không tước đoạt điều đó thì tình yêu khoa học của trẻ nhỏ sẽ được gieo mầm, và sẽ phát triển nếu gặp môi trường thích hợp sau này.

* Hiện nay nhiều khóa học về STEM/STEAM hay nói chung là về khoa học ngày càng gia tăng theo nhu cầu của phụ huynh. Theo ông, sự "nở rộ" này có ý nghĩa như thế nào?

- Việc xuất hiện các chương trình, các khóa học STEM/STEAM, theo tôi, là một tín hiệu đáng mừng. Thông qua các môn học này, trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm các dự án khoa học - kỹ thuật nhỏ.

Cũng nhờ đó, kiến thức được củng cố, việc học không còn nhàm chán như trước nữa, trẻ cũng sẽ tự tin hơn vì tự mình được tham gia, được tạo ra một sản phẩm cụ thể. Tình yêu với khoa học và công nghệ vì thế cũng nảy nở.

Ngoài ra, nắm vững kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc của các môn STEM/STEAM là một lợi thế cạnh tranh trong thế kỷ 21. Vì thế, việc các phụ huynh cho con theo học các khóa học này cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc đời không chỉ có STEM/STEAM. Với trẻ nhỏ, việc quan trọng nhất là có được và duy trì được niềm vui học tập, sau đó là hình thành được kỹ năng tự học. Đây phải là ưu tiên cao hơn so với việc học bất cứ một môn học cụ thể nào. Do vậy, nếu trẻ không thích các môn STEM/STEAM thì cũng không nên ép buộc.

Điều quan trọng là phải giúp trẻ có được niềm vui học tập, niềm vui đến trường, và từng bước hình thành kỹ năng tự học phù hợp nhất với mình, chứ không phải là chạy đua theo một trào lưu cụ thể nào.

Năm 2006, ông Giáp Văn Dương lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Vienna (Áo) ngành vật lý kỹ thuật. Ông có khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Áo và tại Anh đến năm 2010. Trong giai đoạn 2010-2012, ông tham gia nghiên cứu tại Temasek Laboratories, ĐH Quốc gia Singapore.

Từ 2013 đến nay, ông trở về Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ông được Asia Society bình chọn là một trong những Lãnh đạo trẻ châu Á thế kỷ 21. Ông cũng là đồng sáng lập, kiêm tổng hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Vietschool.

Năm 2018, ông cho ra mắt bộ sách khoa học Trò chuyện khoa học 4.0 dành cho lứa tuổi 9+, trong đó giới thiệu và diễn giải thành công các thành tựu khoa học vật lý, hóa học, các giải thưởng Nobel nổi tiếng nhưng còn khó nắm bắt với trẻ em.

Chắt chiu niềm đam mê khoa học Chắt chiu niềm đam mê khoa học

TTO - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã từng bước chắt chiu, nuôi lớn niềm đam mê khoa học của hàng chục ngàn bạn trẻ theo thời gian.

TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên