12/09/2021 15:25 GMT+7

Chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát khoảng 7,835 triệu USD nhưng bên cho vay không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, trong khi vốn đối ứng còn lại rất ít.

Chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang chờ các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đưa vào khai thác - Ảnh: PHẠM TUẤN

Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc.

Theo Bộ Giao thông vận tải, do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.

Mặc dù vậy, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít. Trong khi hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD.

Vì vậy Ban quản lý dự án đường sắt có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Cuối tháng 4-2021, bộ này đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc sửa đổi khoản 1.7, điều 1 của Hiệp định vay bổ sung và xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của hiệp định vay bổ sung.

Đến ngày 20-8-2021, Ban quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ Giao thông vận tải là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo hai nội dung đề nghị của Bộ Giao thông vận tải nói trên đã được ngân hàng này trả lời tại thư ngày 16-3-2021.

Theo đó, "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay" và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay".

Thực tế việc kéo dài tiến độ dự án khiến tăng chi phí các hợp đồng liên quan vẫn xảy ra tại nhiều dự án giao thông và xây dựng cơ bản vay vốn nước ngoài nói chung. 

Theo một chuyên gia, trong tình huống này thường sử dụng vốn dư của hiệp định vay vốn nước ngoài hoặc vốn dự phòng, vốn đối ứng để chi trả phần chi phí tăng thêm.

Nhưng với các hiệp định vay vốn nước ngoài dù chỉ điều chỉnh 1 điều khoản cũng thực hiện theo quy trình như ký một hiệp định mới, nên thời gian làm thủ tục rất lâu. Do vậy, trường hợp không còn vốn đối ứng thường bố trí vốn ngân sách để trả phần chi phí tăng thêm.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt chứng nhận an toàn hệ thống, sẵn sàng vận hành sau kỳ nghỉ lễ Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt chứng nhận an toàn hệ thống, sẵn sàng vận hành sau kỳ nghỉ lễ

TTO - Ngày 29-4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là một trong những chứng chỉ quyết định để đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể đưa vào khai thác sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên