05/04/2021 11:33 GMT+7

Chặn ngay quảng cáo vì tiền

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - 'Miếng bánh quảng cáo trực tuyến' càng lớn, tình trạng quảng cáo vì tiền còn gây hại khủng khiếp cho xã hội. Phải chặn đứng ngay nạn quảng cáo vì tiền bất chấp đạo đức này.

Người xem đã mệt mỏi với quảng cáo tràn ngập trên mạng, nhất là YouTube, và giọt nước đã tràn ly khi họ phải đối mặt với những quảng cáo nguy hiểm cho sức khỏe con người kiểu "nhà tôi ba đời chữa khỏi...", "nhà tôi ba đời bán thuốc..."...

Lỗ hổng trong kiểm duyệt nội dung khiến YouTube, Facebook trở thành nơi tiếp tay cho các quảng cáo láo và tiếp tay gây hại sức khỏe cộng đồng. Đáng lo nhất, Google đang nhắm đến thị trường nông thôn, nơi người dân có thói quen làm theo lời truyền miệng và nay là “trên mạng nói”.

Một giám đốc sáng tạo trong ngành quảng cáo chia sẻ dù thể hiện ở hình thức nào, bản chất của quảng cáo cũng là "nghệ thuật" nói lên sự thật. Cũng như phim ảnh hay văn chương, quảng cáo cũng phản ánh chính chúng ta trong cuộc sống.

Và "sự thật" chính là hành vi chọn mua sản phẩm/dịch vụ của người tiêu dùng không phải bởi chính sản phẩm/dịch vụ đó, mà xuất phát từ mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ những thứ họ mua, qua thông điệp phát ra từ quảng cáo. Vì thế, quảng cáo không phải muốn nói gì thì nói.

Quảng cáo phải trong khuôn khổ pháp luật, hợp đạo lý và tôn trọng quyền lợi của cộng đồng. Vậy mà những quảng cáo kiểu "thần y" đã bỏ qua tất cả các nguyên tắc này.

Từ trước đến nay, để được đăng quảng cáo trên báo chí hay kênh truyền thống, doanh nghiệp quảng cáo phải đáp ứng nhiều thủ tục, từ pháp lý đến chất lượng sản phẩm dịch vụ. Chẳng ai muốn làm khó doanh nghiệp, nhưng đó chính là lưới lọc để giúp quảng cáo gần đúng nhất với những gì mà doanh nghiệp có, không để người tiêu dùng bị lừa dối.

Ngược lại, với quảng cáo láo kiểu "thần y" như trên YouTube, họ bỏ qua tất cả mới có chuyện sắp chết do ung thư vẫn chữa được. Và quảng cáo trực tuyến trở thành mảnh đất béo bở để quảng cáo không phép, "nổ", lừa dối tung hoành. Nguy hiểm nhất là những quảng cáo này có thể đến với tất cả mọi người, kể cả trẻ thơ.

Nhiều gia đình bối rối khi trẻ em đang xem hoạt hình lại xuất hiện quảng cáo yếu sinh lý, giảm ham muốn. Hay người có tuổi suốt ngày bị "nhồi nhét" quảng cáo chữa bách bệnh, trị nám da, kéo dài tuổi thọ... Ở đây, ảnh hưởng của những quảng cáo rác không chỉ là sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn đạo đức xã hội.

Ấy vậy mà các công ty công nghệ khẳng định họ có chính sách quy định liên quan đến quảng cáo thuốc hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng những gì diễn ra cho thấy họ chưa thể hiện được trách nhiệm ngăn chặn quảng cáo rác, thông tin độc hại đang nhan nhản hiện nay. Vậy chính sách của họ vì thứ gì?

Vì vậy, lỗ hổng trong quản lý quảng cáo trực tuyến cần phải nhanh chóng lấp lại trước khi gây ra thêm tác động, hệ lụy lớn hơn. Trong đó, cần truy trách nhiệm các doanh nghiệp online, những người đang hưởng lợi từ những quảng cáo này.

Chỉ có xử lý nghiêm, cắt hết quảng cáo láo, dọn dẹp rác chợ mạng mới đem lại sự lành mạnh của môi trường mạng. Cơ quan quản lý cần nhanh chóng vào cuộc đưa quảng cáo trực tuyến đi đúng hướng, với mục đích đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, hài hòa quyền lợi.

Miếng bánh quảng cáo trực tuyến Việt Nam có thể đạt gần 400 triệu USD trong năm 2022 so với 284 triệu USD của năm 2019. Con số này càng lớn, tình trạng quảng cáo vì tiền còn gây hại khủng khiếp cho xã hội. Phải chặn đứng ngay nạn quảng cáo vì tiền bất chấp đạo đức xã hội.

YouTube tiếp tay quảng cáo chữa bệnh YouTube tiếp tay quảng cáo chữa bệnh 'khủng bố'?

TTO - Trách nhiệm cơ quan chức năng ở đâu trong các quảng cáo chữa bệnh 'khủng bố' người xem YouTube?

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên