Chắn sóng Omicron bằng mũi tiêm thứ 3

HỒNG VÂN 21/12/2021 19:10 GMT+7

TTCT - “Sóng thủy triều”, “sóng thần” là từ truyền thông một số nước dùng để gọi nguy cơ một đợt bùng phát số ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron gây ra. Tiêm vaccine mũi 3 được kỳ vọng có thể ngăn đợt sóng đó.


 
 Người dân Anh đeo khẩu trang khi xuống đường mua sắm cho lễ Giáng sinh trong bối cảnh số ca bệnh COVID-19 do biến thể Omicron đang tăng nhanh. Ảnh: REUTERS


Ngày 13-12, Anh xác nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron nhưng không tiết lộ thông tin về bệnh nhân và bệnh sử. Ước tính cứ hai đến ba ngày, số ca Omicron lại tăng gấp đôi ở Anh và bộ trưởng y tế nước này cảnh báo đến ngày 15-12, Omicron sẽ là biến thể thống trị tại London thay cho biến thể Delta.

Tương tự, Đan Mạch cũng dự báo biến thể Omicron sẽ là biến thể thống trị tại quốc gia này trong tuần này. Cả hai nước đều tích cực triển khai vận động người dân tiêm vaccine liều thứ 3 và ai chưa tiêm thì hãy đổi ý.

Chạy đua tiêm bổ sung

Tuần qua, thêm nhiều dữ kiện về Omicron được công bố và dù chỉ là sơ bộ, tất cả đều trỏ vào mũi tiêm thứ 3 như một biện pháp cần thiết để đối phó với biến thể mới.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về biến thể Omicron, có bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể có khả năng thoát khỏi phần nào miễn dịch của cơ thể và có mức độ lây nhiễm cao. 2 nghiên cứu độc lập cho thấy vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech, loại vaccine được sử dụng nhiều thứ 2 trên thế giới, có thể kém hiệu quả hơn từ 32-40 lần với biến thể Omicron. Tuy nhiên, vaccine này vẫn có khả năng ngăn chặn nguy cơ tử vong và diễn tiến nặng.

Phân tích số liệu ban đầu của Cơ quan An ninh y tế Anh khẳng định liều vaccine thứ 3 có thể hiệu quả 70-75% trong ngăn ngừa triệu chứng do biến thể Omicron gây ra. 

Kết quả thử nghiệm sơ bộ của Pfizer-BioNTech cho thấy mũi tiêm thứ 3 sẽ tạo ra lượng kháng thể gấp 25 lần so với mức độ bảo vệ có được từ 2 mũi ban đầu. Ông Ugur Sahin, nhà sáng lập Công ty BioNTech, cho biết liều thứ 3 có thể tiêm sau liều tiêm thứ 2 ba tháng.

Một yếu tố khác cho thấy tiêm mũi thứ 3 là cần thiết: đã có bằng chứng cho thấy rủi ro nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron dường như đã tăng lên với tất cả mọi người, kể cả ở những người đã tiêm vaccine.

Hồi tháng 7-2021, bà Rochelle Walensky, giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho rằng bệnh COVID-19 đã trở thành “một đại dịch của những người không tiêm”, do số tử vong và nhập viện chủ yếu ở nhóm này. Giờ đây, tình hình đã khác, như tờ The Atlantic giật tít ngày 10-12: “Đại dịch của người đã tiêm đây rồi”.

Dữ liệu từ Nam Phi và châu Âu cho thấy các ca nhiễm đột phá ở người đã tiêm 2 mũi vaccine xảy ra thường xuyên - dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng nói chung - dù không gây bệnh nặng và tử vong. Tại Mỹ, đa số những người nhiễm biến thể Omicron cũng đều là người đã tiêm 2 mũi vaccine, có nhiều người thậm chí đã tiêm liều thứ 3, theo Đài CNN. Rất may các triệu chứng rất nhẹ.

Mặc dù người chưa tiêm chắc chắn là những người sẽ trả giá đắt nhất trong những tháng tới, biến thể Omicron đang cho thấy không ai tránh khỏi rủi ro, theo The Atlantic. Bài viết dẫn lời ông Saad Omer, giám đốc Viện Y tế toàn cầu Yale, cho biết: “Với biến thể Omicron, không có lý do gì mà chúng ta không nên thúc đẩy mọi người đều tiêm vaccine mũi 3”.

 
 Bé Excel Ginolla Ramadhan, 9 tuổi, trong vòng tay mẹ khi được tiêm vaccine COVID-19 ở một trường học tại Jakarta, Indonesia, ngày 14-12. Ảnh: REUTERS

Thực tế là nhiều nước đang gấp rút triển khai các chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 để dựng rào bảo vệ trước biến thể Omicron, tránh một đợt bùng phát lớn có thể đe dọa hệ thống y tế trong nhiều tuần tới. Mỹ cho phép người từ 16 tuổi trở lên tiêm liều vaccine bổ sung nếu đã tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna ít nhất 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine Johnson & Johnson ít nhất 2 tháng.

Anh, Hàn Quốc giảm khoảng cách giữa liều thứ 2 và liều thứ 3 còn 3 tháng, theo thời hạn tối thiểu mà Công ty Pfizer đưa ra. Úc giảm khoảng cách này xuống còn 5 tháng thay vì 6 tháng như trước đây. Chính phủ nhiều nước khác chắc chắn cũng sẽ sớm đẩy mạnh tiêm liều vaccine mũi 3, tiêm vaccine cho trẻ em, bắt đầu từ trẻ 5 tuổi trở lên.

Hiệu quả của mũi tiêm bổ sung là 1 trong 2 yếu tố quan trọng quyết định mùa Giáng sinh cuối năm hoặc sẽ bình yên hay là ác mộng, theo báo The Guardian. Kịch bản lạc quan là các liều vaccine tăng cường sẽ kịp thời củng cố hàng rào bảo vệ, chặn khả năng trốn miễn dịch của biến thể mới. Nếu nhiều người tiêm liều tăng cường, và biến thể Omicron gây lo ngại hóa ra lại “hiền”, thì sẽ không cần dùng đến các biện pháp hà khắc như phong tỏa hay hạn chế mạnh tay.

Ngược lại, nếu biến thể Omicron có khả năng gây ra bệnh nặng, kết hợp thêm khả năng trốn vaccine, và chiến dịch đẩy mạnh tiêm mũi 3 không như mong đợi thì sẽ tạo thành một “combo thảm họa”, mùa đông tới đây sẽ rất đắng cay.

Tại châu Á, tình hình không quá căng thẳng như các nước Âu, Mỹ. Ngày 14-12, Trung Quốc xác nhận trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên ở đại lục - một người nhập cảnh vào Thiên Tân, không có triệu chứng. Tại Nhật Bản, có 17 ca nhiễm Omicron được xác nhận, chưa có báo cáo về tình trạng bệnh nặng và chính phủ cũng không có đủ thông tin khoa học về mức độ nghiêm trọng của virus tại thời điểm này, theo Nikkei 14-12. Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã chấp thuận có điều kiện cho việc sử dụng hỗn hợp kháng thể liều đơn Ronapreve (do Regeneron và Roche phát triển) để điều trị COVID-19. 

Vẫn có điều không chắc chắn

Theo The Atlantic, có 2 điều cần nhớ vào lúc này: vaccine hiện tại vẫn bảo vệ chúng ta không bị bệnh nghiêm trọng và liều vaccine thứ 3 sẽ giúp mọi người an toàn hơn trước những rủi ro do biến thể mới mang lại.

Nhưng liệu vội vã triển khai vaccine bổ sung có là chiến lược đúng đắn trước biến thể Omicron? Theo WHO, Omicron có thể có tác động lớn đến đại dịch nhưng tiêm vaccine tăng cường có thể không phải là giải pháp. WHO nhấn mạnh thế giới cần nỗ lực để đảm bảo tiếp cận vaccine cho những người chưa được tiêm liều nào hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vì có rất nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn những người nhiễm bệnh nặng vẫn là người chưa tiêm.

Các phát hiện sơ bộ từ Nam Phi cho thấy Omicron có thể ít nguy hiểm hơn biến thể Delta vốn đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, WHO với đặc tính thận trọng cố hữu cho biết các dữ liệu để kết luận liệu biến thể Omicron có mức độ nguy hiểm nặng nhẹ thế nào so với các biến thể trước, vẫn còn “hạn chế”.

Mặc dù WHO ủng hộ tiêm liều vaccine tăng cường cho các nhóm có rủi ro cao và không loại trừ khả năng sẽ khuyến cáo liều vaccine thứ 3 trong tương lai, tại thời điểm hiện tại, tổ chức này xác định phủ vaccine đợt đầu vẫn là ưu tiên cao nhất và là cách duy nhất để ngăn chặn sự xuất hiện của các chủng mới như Omicron.

Ngoài ra, cũng có nhiều điều không chắc chắn liên quan đến tiêm bổ sung. Ngoài Pfizer-BioNTech, chưa có nhà sản xuất vaccine nào công bố kết quả về hiệu quả của vaccine của họ với biến thể Omicron hay khuyến cáo rút ngắn thời gian tiêm mũi 3.

Chúng ta biết rất ít về cách vaccine của các công ty AstraZeneca và Johnson & Johnson phát triển hoặc vaccine bất hoạt do các công ty Trung Quốc phát triển phản ứng với biến thể Omicron. Và nếu tiêm nhắc lại, có phải cứ mỗi 6 tháng một lần lại phải tiêm đều như vắt chanh từ nay về sau?

Theo báo The Globe and Mail của Canada, câu trả lời còn ở thì tương lai. Nhìn vào vaccine cúm, không loại trừ khả năng việc tiêm vaccine COVID-19 là chuyện đến hẹn lại lên mỗi năm. Cuối cùng, cho dù vaccine vẫn hiệu quả, chúng ta không thể chỉ dựa vào vaccine mà phải thực hiện các biện pháp khác như đeo khẩu trang.■

Song song với việc tăng cường chiến dịch tiêm vaccine, các nước vẫn tiếp tục khẳng định vai trò của các biện pháp kiểm soát cá nhân khác, đặc biệt là khẩu trang. Từ ngày 15-12, bang California sẽ áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn bang ở tất cả các không gian công cộng trong nhà trong một tháng do tỉ lệ ca nhiễm COVID-19 tăng cao.

Tại Canada, ở tỉnh bang Ontario, nơi có gần 40% dân số trong số 39 triệu dân của nước này sinh sống, chính quyền đã ngừng nới lỏng các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân làm việc tại nhà, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và phối hợp trong việc cung cấp chứng nhận đã tiêm vaccine.

Tại Na Uy, để hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm do biến thể Omicron, Thủ tướng Gahr Stoere đã cho siết chặt các biện pháp hạn chế bên cạnh đẩy mạnh tiêm vaccine liều thứ 3. Cụ thể, Na Uy cấm bán rượu trong quán bar và nhà hàng, đóng cửa các phòng tập thể hình, hồ bơi trong 2 tuần và các biện pháp khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận