Chảo Yến vừa ra mắt cuốn tự truyện Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus viết về con đường đầy cơ cực và nước mắt để trở thành cô gái dân tộc Dao Tuyển đầu tiên của bản Ngám Xá nơi biên giới Việt - Trung của tỉnh Lào Cai đi du học.

Tuổi Trẻ trò chuyện với Chảo Yến về con đường gian lao của cô, cùng giấc mơ giúp được nhiều trẻ em nghèo đến trường và những trăn trở về sự đổi thay của các bản làng người dân tộc thiểu số hiện nay.

Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 1.
Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 2.

* Chào Yến! Đọc cuốn tự truyện của Yến, tôi chắc chắn không chỉ khiến một mình tôi khóc khi nhìn lại con đường đi học và nghị lực, niềm khát khao được đi học để thay đổi số phận của Yến. Giờ nghĩ lại quãng đường đó, Yến thấy thế nào?

- Chính tôi bây giờ nghĩ lại cũng không biết tại sao tôi vượt qua được đoạn đường gian nan khủng khiếp đó, nên trong suốt hai năm viết cuốn sách này khi đi du học ở nước ngoài, tôi nhiều lần phải bỏ dở bản thảo vì... khóc.

Sau khi học xong lớp 9, vì nhà quá nghèo, bố đổ bệnh nặng, tôi từng phải nghỉ học, trở thành lao động chính trong gia đình. Nhưng tôi không thôi khao khát đến trường, kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ cho đi học trở lại trong suốt 3 năm liền, với lời hứa sẽ học giỏi, sẽ trở thành người đầu tiên trong bản đi học đại học.

Rồi tôi giành học bổng và đỗ đại học. Tấm bằng cử nhân xuất sắc của tôi thấm đầy nước mắt bởi bố mẹ phải sang Trung Quốc làm thuê vất vả và anh chị em của tôi phải nghỉ học để nhường cho tôi học.

Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 3.

* Yến nghĩ đâu là yếu tố đã giúp Yến vượt qua được cung đường khó khăn vô vàn từ bản biên giới Ngám Xá đến giảng đường đại học và sau đó là du học châu Âu của một cô bé dân tộc Dao Tuyển nghèo xơ xác?

- Tôi nghĩ đó là sự quyết tâm với giấc mơ đi học để thoát nghèo. Dù có nghèo, có vất vả, nhưng chính hoàn cảnh đó đã tôi luyện tôi thành một người quyết tâm.

Thứ hai nữa, tôi là người rất mơ mộng. Bây giờ tôi đang mơ sẽ làm được nhiều điều có ích hơn cho cộng đồng, đặc biệt là cho những người dân tộc thiểu số.

* Và bây giờ Yến đã thấy mình thành công?

- Tôi tự nhận thấy mình thành công trên con đường học hành. Còn mục đích học để thoát nghèo thì chưa, bởi khái niệm thoát nghèo khi xưa của tôi là có cơm trắng để ăn, bây giờ đã thay đổi.

Với tôi, thoát nghèo phải là có thể giúp đỡ được nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có kế sinh nhai bền vững, trẻ em không ai phải bỏ dở việc học suốt 3 năm để rồi sau đó phải vật lộn với bao thử thách để được đi học trở lại như tôi ngày xưa.

Công việc hiện tại giúp tôi được thỏa lòng với đam mê được góp phần giúp nâng cao sinh kế cho cộng đồng sống gần rừng, giảm áp lực sinh kế cho bà con để họ không phá rừng. Nhưng tôi chưa giúp được nhiều người nghèo khác.

Cũng vì chưa hài lòng với thành công hiện tại mà một thời gian dài tôi đã từ chối xuất bản cuốn sách này bởi e rằng những thành công hiện tại của tôi quá bé nhỏ, xuất bản sách sẽ là thiếu khiêm tốn.

Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 4.
Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 5.

* Đọc cuốn sách, tôi thấy trong hành trình học cực kỳ khắc nghiệt của Yến vẫn lấp lánh lòng tốt và sự lạc quan. Yến nghĩ gì về lòng tốt, sự nhân văn trong xã hội?

- Từ khi bắt đầu được đi học lại sau 3 năm phải nghỉ học vì nhà quá nghèo, tôi đã luôn nhận được sự giúp đỡ của xã hội để không phải bỏ dở việc học một lần nữa. Suốt quá trình học trung học phổ thông và sau đó là đại học, rồi du học, tôi đều nhờ vào những khoản học bổng và nhiều sự hỗ trợ khác từ cộng đồng.

Cho nên tôi rất tin vào lòng tốt của con người và rất biết ơn điều đó. Vì thế từ lúc đi học thạc sĩ ở nước ngoài, tôi đã ấp ủ giấc mơ mình sẽ tiếp nối những người tốt đó để giúp đỡ trẻ em khác.

Với cuốn sách này, chúng tôi trích 10% lợi nhuận để thành lập quỹ học bổng dành cho các bạn học sinh nghèo quê tôi và các sinh viên Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam nơi tôi từng theo học. Tôi có ý định sẽ tiếp tục phát triển quỹ học bổng này.

Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 6.

* Quê Yến bây giờ chắc không còn nghèo như thời Yến còn nhỏ nhỉ?

- Đúng vậy. Nhưng thực ra cái nghèo vẫn đeo bám nhiều người bởi làm nông nghiệp thiếu bền vững, lợi nhuận thấp mà rất nhiều rủi ro. Vì thế quê tôi và các bản làng khác lại đang phải đối mặt với những vấn đề của phát triển.

Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 7.

Làng tôi bây giờ trẻ em có điều kiện đến trường, nhưng họ đều bỏ học sớm để về các tỉnh đồng bằng làm công nhân các khu công nghiệp, hay lên TP Lào Cai phục vụ trong các nhà hàng.

Nhiều em bé còn đi học thì chẳng ham học như chúng tôi ngày xưa, chỉ suốt ngày chúi mặt vào màn hình điện thoại. Nhiều thiếu niên 14-15 tuổi đã "up" ảnh người yêu lên mạng xã hội suốt ngày...

Nhưng tôi nghĩ sự phát triển là cần thiết cho quê tôi, dù nó đang có những vấn đề nhưng không cần quá lo lắng, bi quan. Xã hội luôn tự có cách điều chỉnh để hoàn thiện. Tôi tin rằng quê tôi cũng như các vùng quê khác rồi sẽ bình yên.

Giống như giai đoạn chuyển mình trước đây, trong khoảng 10 năm từ 2007-2017, quê tôi chẳng còn một ai mặc quần áo dân tộc. Nhưng 2-3 năm trở lại đây, chẳng ai bảo ai mà tự dưng trang phục truyền thống sống lại mạnh mẽ.

Phụ nữ lại rộn rã thêu thùa, may vá quần áo truyền thống của dân tộc mình, người lớn dạy người trẻ hát những làn điệu giao duyên tưởng đã mất bao năm... Mọi người còn đang cố gắng tìm lớp học chữ người Dao nữa.

* Có lẽ bạn sẽ làm gì đó để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình?

- Tôi có một kho tàng những câu chuyện về tuổi thơ của tôi, về bản làng tôi thuở xưa, về những tập tục đẹp cũng như những hủ tục trói buộc hạnh phúc của con người... Tôi dự định sẽ kể nó trong một cuốn sách tiếp theo.

Chảo Yến: Từ bản người Dao đến học bổng châu Âu - Ảnh 8.

THIÊN ĐIỂU
T.ĐIỂU
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: Chảo Yến người Dao
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên