28/09/2022 09:47 GMT+7

Che chở nhau đi qua bão

T.LỰC - Đ.CƯỜNG - N.LINH - L.TRUNG - B.DŨNG - TR.MAI
T.LỰC - Đ.CƯỜNG - N.LINH - L.TRUNG - B.DŨNG - TR.MAI

TTO - Người dân các tỉnh miền Trung đã cùng dìu nhau đi qua cơn bão Noru (bão số 4) bởi hiện đa số họ đã có nhà kiên cố.

Che chở nhau đi qua bão - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Bá Loan (95 tuổi, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được chính quyền xã Bình Đông đưa khỏi nhà để đến nơi tránh trú bão an toàn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Và những người có nhà kiên cố, khách sạn, nhà hàng, nhà xưởng đều mở rộng cửa để đón bà con chòm xóm vào tránh bão. Từ đó, những nơi tránh trú bão như trường học, trụ sở ủy ban... cũng bớt áp lực và việc chăm lo cho bà con đi qua cơn bão an lành hơn.

Mời bà con về nhà mình ở

Trước khi bão đổ bộ, 11.000 dân ở TP Hội An (Quảng Nam) đã được đưa vào nơi trú ẩn. Tại điểm sơ tán phường Cửa Đại, 182 người dân làng chài dọc biển Hội An được bố trí chăn chiếu, nước sạch, thức ăn trong suốt thời gian bão đổ bộ. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn, sở dĩ dân ít tập trung tại các điểm do Nhà nước bố trí là bởi đa phần các hộ dân đi trú bão tại nhà hàng xóm, anh em, người thân. 

"Rất nhiều hộ dân, chủ các villa tại Hội An đã mời bà con trong vùng nguy hiểm tới tránh trú, giảm tải rất lớn cho TP trong việc chống bão", ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc - khối phước Trạch, phường Cửa Đại - cho biết nhà ông có tổng cộng bảy thành viên sống chung trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp nặng. Cả nhà không lên khu sơ tán tập trung mà qua nhà hàng xóm ở. 

"Bà con ở đây đa phần sơ tán tại chỗ - qua nhà hàng xóm vì vừa tiện, vừa coi sóc được nhà cửa của mình", ông Ngọc chia sẻ.

Tương tự, những chuyến xe khách liên tiếp chở người dân từ các xã ven biển Quảng Nam như Bình Dương, Duy Hải về khu nghỉ dưỡng Hoiana. Hơn 400 chỗ tránh trú sạch sẽ, tươm tất đã được chủ khu nghỉ dưỡng này dọn sẵn đón bà con vào.

Còn tại Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết với tình hình mưa hiện nay khả năng cao sẽ phải chống bão trên đầu, chống lũ dưới chân. Và người dân ở các khu vực nguy hiểm đã được chuyển đến nơi trú bão an toàn. 

Tại ký túc xá Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, có khoảng 3.000 người dân đang trú bão ở các dãy nhà kiên cố. Người dân được phía Hòa Phát hỗ trợ thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế trong suốt quá trình trú bão. 

Đại diện Hòa Phát Dung Quất chia sẻ: "Với tinh thần hỗ trợ tối đa cho bà con tránh trú bão an toàn, phía công ty đã sẵn sàng nơi trú bão và đảm bảo ăn uống cho bà con".

Che chở nhau đi qua bão - Ảnh 2.

Người dân tới tránh bão tại trụ sở UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam tối 27-9 được bà chủ tịch xã phát cơm nóng tận tay - Ảnh: TẤN LỰC

Tự tin hơn trong căn nhà kiên cố

Chia sẻ về việc người dân giúp nhau, bà Nguyễn Thị Hoa - chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) - cho rằng chính đời sống kinh tế khá lên đã giúp nhiều người dân xã biển này cất nhà lầu. 

Có nhà cửa vững chắc, người dân không phải lo chạy bão mỗi khi gió to. Những nhà bà con, làng xóm xung quanh cũng nhờ đó mà có chỗ tránh bão thoải mái, an toàn. Do đó, số lượng bà con phải đến trú bão tập trung tại các trụ sở chính quyền giảm hẳn.

Trong số những hộ dân được vận động đưa về trú bão tại trụ sở UBND xã đa số là người già yếu và trẻ em các gia đình có nhà thiếu kiên cố. 

Ông Hồ Văn Đào (54 tuổi, trú thôn Hà Bình) liệt một chân, được cán bộ xã vận động đi trú bão sớm. Ông Đào bảo hơn chục năm trước, nghe đài báo bão bà con trong xã phải dắt nhau lên tận trụ sở huyện ở thị trấn Hà Lam rất xa xôi trú bão. Nay nhiều nơi có nhà kiên cố, bà con không còn vất vả như trước.

Còn tại Đà Nẵng, sau khi học sinh trên địa bàn được nghỉ học, ngay lập tức các trường học kiên cố đã được dọn dẹp để đưa hàng ngàn người dân vào tránh bão. 

Tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), bà Hà Thị Công (62 tuổi) cùng chồng bị đau nặng đang ở trọ tại phường Hòa Cường Bắc được đưa đến tránh bão bộc bạch: "Vợ chồng tôi ở căn phòng trọ lụp xụp, nghe cuồng phong mà lạnh xương sống. Được tổ dân phố, UBND phường bố trí chỗ ở, ăn như ri thấy yên tâm hẳn", bà Công chia sẻ.

Tại phường Hòa Cường Bắc có ba trường là tiểu học Núi Thành, tiểu học Phan Đăng Lưu và THCS Tây Sơn được sử dụng làm nơi trú tránh bão cho người dân. Ông Vũ Quang Hùng - bí thư Quận ủy Hải Châu - cho biết không riêng gì quận Hải Châu, mà hàng trăm trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng đã mở cửa để đón người dân vào tránh bão. Không chỉ vậy, nhiều nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng cũng thông báo đón người dân vào trú bão miễn phí.

Căng mình bảo vệ nhà cổ Hội An

nc2

Người dân Hội An đội mưa gió nán lại chằng giữ nhà cổ vài giờ trước khi bão đổ bộ chiều 27-9 - Ảnh: B.D.

Thủ tướng đã chỉ đạo phải chú ý bảo vệ phố cổ Hội An khi bão đổ bộ. Để giữ gìn cho số phận của hơn 1.100 di tích cổ không bị thổi bay, cơ quan bảo tồn di sản và chủ sở hữu di tích phải căng mình chằng giữ, gia cố và tục trực xuyên bão.

Tại số nhà 23 và 25 Hoàng Văn Thụ, dù cửa đã đóng bên ngoài nhưng phía trong vẫn có người tranh thủ nán lại để che chắn.

"Trận bão này có thể lớn chưa từng đổ bộ vào nên phố cổ Hội An sẽ rất đáng lo. Chúng tôi gia cố nhà từ mấy ngày nay mà vẫn thấy chưa thật an tâm nên nán lại kiểm tra các mối nối gỗ, chỗ nào cong vênh, hở ra thì đóng đinh vào cho chắc", một chủ nhà trên đường Hoàng Văn Thụ đứng trên tầng hai căn nhà gỗ, vừa dùng bạt bịt lại lỗ thông gió vừa nói vọng xuống.

Chùa Cầu trở thành tâm điểm của việc chống đỡ, gia cố các công trình cổ ứng phó "siêu bão" tại Hội An. Toàn bộ phần lối dẫn qua cầu đã dày đặc các thanh gỗ chống chịu lực.

Tại số nhà 186 Nguyễn Thị Minh Khai sát chân chùa Cầu, hai nhân viên cửa hiệu trầm hương dùng dây thép cột các cánh cửa ép sát nhau.

"Chúng tôi đã chống đỡ, che chắn bên trong rất kỹ rồi nhưng vẫn nán lại buộc thêm. Hai năm qua dịch không mở cửa được nên giờ trước bão lớn phải hết sức cẩn thận, không lơ là được" - chị Nguyễn Thị Nhân, nhân viên cửa hiệu, nói.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết lo bão lớn nên Hội An đã cho kiểm kê, rà soát lại hiện trạng và xác định được 45 nhà cổ xuống cấp, trong số này 13 nhà không thể tu sửa.

"Đối với các nhà không thể sửa chữa, chúng tôi đã cương quyết yêu cầu bà con không ở lại trong thời gian bão, các công trình có nguy cơ thì được căng dây, cảnh báo để đảm bảo an toàn", ông Sơn nói.

THÁI BÁ DŨNG

Miền Trung ngổn ngang sau bão; Thừa Thiên Huế tiếp tục cấm người dân ra đường Miền Trung ngổn ngang sau bão; Thừa Thiên Huế tiếp tục cấm người dân ra đường

TTO - Nhiều công trình, nhà dân bị ngã đổ, tốc mái; Đường sá ngổn ngang, nước ngập sâu... sau khi bão Noru (bão số 4) ập vào miền Trung. Hiện lực lượng chức năng và người dân đang xắn tay khắc phục hậu quả bão, cũng như đề phòng nguy cơ do mưa lớn.

T.LỰC - Đ.CƯỜNG - N.LINH - L.TRUNG - B.DŨNG - TR.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên