30/08/2021 12:39 GMT+7

Chi phí vận chuyển 'đẩy' CPI của TP.HCM tháng 8 tăng 0,33%

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội tăng cao là một trong những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2021 tăng 0,33% so với tháng trước, và tăng 2,51% so với bình quân 8 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí vận chuyển đẩy CPI của TP.HCM tháng 8 tăng 0,33% - Ảnh 1.

Chi phí vận chuyển tăng cao là một trong những nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2021 trên địa bàn TP.HCM tăng - Ảnh: Q.Đ.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, việc thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 khiến nhu cầu dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng cũng tăng cao.

Trong khi đó, nguồn cung hàng hóa vẫn còn hạn chế khi nhiều chợ đầu mối và truyền thống đang tạm ngưng hoạt động, góp phần không nhỏ trong việc đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao, khiến CPI tháng 8-2021 tăng 0,33% so với tháng trước.

Cục Thống kê TP.HCM ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 trên địa bàn dự ước 35.522 tỉ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2021 ước đạt 609.351 tỉ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu thương mại dịch vụ trong tháng 8-2021 tiếp tục sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Tình trạng dịch bệnh kéo dài làm cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị thương mại dịch vụ gặp nhiều khó khăn do tạm ngừng hoạt động theo chỉ thị 16, đồng thời thu nhập của người dân trong thời gian này giảm và sức mua thấp, chủ yếu người dân chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu.

Trong đó, các nhóm ngành hàng đều giảm sâu so với cùng kỳ năm trước gồm lương thực, thực phẩm và nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) có mức giảm thấp nhất lần lượt ở mức giảm là 12,2% và 13,2%. 

Dịch vụ ăn uống, lưu trú giảm 57,3% so với tháng trước và giảm đến 94,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động ăn uống giảm lần lượt 59,8% và 95%...

Riêng hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục ghi nhận không phát sinh doanh thu trong tháng 8-2021. Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, liên tục nhiều tháng các đơn vị phải tạm ngừng hoạt động.

Đáng lưu ý, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 255.687 tỉ đồng, đạt 70,1% dự toán và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 165.682 tỉ đồng, đạt 66,7% dự toán, chiếm 64,8% tổng thu cân đối và tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Thu dầu thô ước thực hiện 9.245 tỉ đồng, vượt 8,1% so dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 80.740 tỉ đồng, đạt 4,8% dự toán, chiếm 31,6% tổng thu cân đối, tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến ngày 20-8-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 2,18 tỉ USD, giảm 43,6% cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Vì sao giá hàng hóa tăng mà CPI lại giảm? Vì sao giá hàng hóa tăng mà CPI lại giảm?

TTO - Giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa được Tổng cục Thống kê công bố lại giảm 0,04% so với tháng trước.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên