25/09/2020 13:09 GMT+7

Chỉ số trao quyền người tiêu dùng của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc bảo vệ người tiêu dùng cần có vai trò trung tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và dành nhiều nguồn lực hơn - là khuyến nghị của ông Daniel Hermann, đại diện dự án bảo vệ người tiêu dùng khu vực ASEAN của GIZ.

Chỉ số trao quyền người tiêu dùng của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp - Ảnh 1.

Chỉ số trao quyền người tiêu dùng ở Việt Nam ở mức trung bình thấp - Ảnh: N.AN

Ông Daniel Hermann phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng và hệ thống tổng đài 18006838 do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) tổ chức ngày 25-9.

Theo ông Herman, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam cần sự nỗ lực nhiều đơn vị liên quan, đặc biệt là trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp tới người tiêu dùng.

Trong đó bao gồm việc tôn trọng nghĩa vụ chất lượng giao hàng, tôn trọng các điều khoản không áp đặt, xây dựng cơ chế dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả để người tiêu dùng phản ảnh khiếu nại, được bồi hoàn tài chính hoặc có trách nhiệm với người tiêu dùng nếu gặp phải sản phẩm kém chất lượng.

"Bảo vệ người tiêu dùng nên đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên quan tâm nguồn lực trong bảo vệ người tiêu dùng. Bởi chỉ số quốc gia của Việt Nam với trao quyền người tiêu dùng là gần với chỉ số trung bình toàn ASEAN, tức vẫn chỉ ở mức trung bình thấp" - ông Hermann nói.

Bà Phạm Quế Anh, chuyên gia GIZ - cho biết theo quy định về Chỉ số trao quyền cho người tiêu dùng trong ASEAN, một quốc gia đạt 104-130 điểm, thì người tiêu dùng ở nước đó có thể được coi là mức độ trao quyền cao; một quốc gia đạt 78 - 103 điểm thì đó là mức độ trao quyền trung bình và nếu đạt dưới 78 điểm là mức độ trao quyền thấp.

Tại Việt Nam, mức độ trao quyền ở mức 82,96 là mức trung bình trong khu vực, nên đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Trịnh Anh Tuấn - phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - cho hay để thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm quản lý của nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương đã cụ thể hóa các hoạt động như xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền giáo dục và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Đáng chú ý, bộ cũng xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng, không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn, hội nhập quốc tế trong bảo vệ người tiêu dùng...

Tổng đài hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 miễn phí toàn quốc

Bộ Công thương cho hay đã nâng cấp tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số 1800.6838 sử dụng trên toàn quốc.

Cùng với việc miễn phí cuộc gọi, phí tư vấn, xây dựng hệ thống tiếp nhận, lưu vết cuộc gọi, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, tổng đài sẽ hệ thống hóa, số hóa và điện tử hóa toàn bộ quy trình, xây dựng kết nối mở với các đơn vị để hỗ trợ.

Sau khi tiếp nhận thông tin, sẽ có nhóm rà soát, kiểm tra và xác minh, sau khi được phân công cụ thể sẽ rà soát, xử lý và báo cáo, liên hệ tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng và có tư vấn hướng dẫn các bên liên quan giải quyết vụ việc.

Gần 2.000 mặt hàng đặc sản, nông sản tiếp cận người tiêu dùng TP.HCM Gần 2.000 mặt hàng đặc sản, nông sản tiếp cận người tiêu dùng TP.HCM

TTO - Gần 2.000 mặt hàng của 597 nhà cung ứng đã quy tụ tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 giữa TP.HCM và các địa phương. Sau 8 năm thực hiện, gần 3.190 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện 4.500 tỉ đồng/năm.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên