17/12/2020 14:26 GMT+7

Chia nhỏ Facebook là thế nào và chuyện gì sẽ xảy ra?

LÊ CHUNG
LÊ CHUNG

TTO - Những ngày qua, Facebook đối mặt với hàng loạt vụ kiện chống độc quyền và nguy cơ phải ‘chia nhỏ’. Vì sao phải chia nhỏ Facebook? Các chuyên gia đã dự báo thế nào về thời kỳ ‘hậu chia nhỏ’?

Chia nhỏ Facebook là thế nào và chuyện gì sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Tập đoàn Facebook đang đối mặt với yêu cầu chia nhỏ công ty để chống độc quyền - Ảnh: SLATE

Sự sụp đổ của đế chế Facebook?

Năm 2012, Facebook đã mua lại ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram với giá 175 triệu USD và sau đó thâu tóm dịch vụ nhắn tin WhatsApp vào năm 2014 với thương vụ trị giá 22 tỉ USD. Ủy ban thương mại liên bang (FTC) và liên minh hơn 40 tiểu bang của Mỹ đã kiện Facebook, cáo buộc "ông lớn" mạng xã hội này thâu tóm đối thủ tiềm năng "từ trong trứng nước" để triệt tiêu các mối cạnh tranh và trở nên độc quyền.

FTC muốn Facebook phải đảo ngược lại 2 thương vụ này và ‘chia nhỏ’ công ty. Điều này đồng nghĩa với việc Facebook sẽ trao trả Instagram và WhatsApp trở lại thành những công ty độc lập và cùng cạnh tranh với nhau. Theo hãng tin Bloomberg, đây là ý tưởng sẽ đe dọa làm sụp đổ toàn bộ đế chế do CEO Mark Zuckerberg xây dựng.

Trong những năm qua, nguồn tăng doanh số của Facebook đến rất nhiều từ nền tảng Instagram, trong khi WhatsApp là món cược trọng tâm của Facebook trên thị trường thương mại số. Vì vậy, nếu 2 nền tảng này vụt khỏi tầm tay, ông lớn mạng xã hội sẽ mất đi rất nhiều giá trị lâu dài. Chỉ vừa đối mặt với các bê bối độc quyền, cổ phần của Facebook vốn tăng trưởng 35% trong năm 2020, tính đến ngày 16-12 đã giảm đi 4%.

Về thương mại điện tử, Facebook đã "cạn kiệt" vị trí để đặt quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, bởi nếu có nhiều quảng cáo trên giao diện sẽ làm chán nản trải nghiệm người dùng. Đó là lý do Facebook phải xây dựng các phương thức quảng cáo và kích thích mua sắm thông qua hình ảnh và video trên Instagram, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu sử dụng nền tảng WhatsApp để giao tiếp với khách hàng.

Facebook dựa dẫm rất nhiều vào doanh thu từ tiềm năng mua sắm trên mạng. Vì vậy, nếu chia nhỏ và trao trả Instagram và WhatsApp, con đường trở thành "gã khổng lồ" thương mại điện tử sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Chia nhỏ Facebook là thế nào và chuyện gì sẽ xảy ra? - Ảnh 2.

Việc chia nhỏ Facebook, trả độc lập cho Instagram và WhatsApp có làm sụp đổ đế chế Facebook? - Ảnh: GETTY

Người dùng một đi không trở lại?

Sau hàng loạt bê bối liên quan đến quyền riêng tư, thông tin sai lệch và can thiệp vào bầu cử, rất nhiều người dùng mạng xã hội Facebook nói rằng họ sẽ "nghỉ chơi" và chuyển sang dùng Instagram hay WhatsApp như các phương thức thay thế để giữ liên lạc với bạn bè, người thân trên mạng. 

Tuy cả 3 cùng thuộc một công ty nhưng Facebook hiểu rõ 2 nền tảng nhỏ nhận được nhiều tiếng tăm tích cực hơn. Vì vậy, gần đây Facebook đã triển khai quảng bá thương hiệu trên các nền tảng thành viên này nhằm lấy lại chút ít cảm tình của người dùng.

Cho nên, sẽ là một bài toán khó cho Facebook nếu bị chia nhỏ và vụt mất Instagram, WhatsApp khỏi tầm kiểm soát. Thời "hậu chia nhỏ", ông lớn mạng xã hội sẽ không thể níu chân người dùng thông qua 2 nền tảng trên nữa, đối diện với nguy cơ người dùng một đi không trở lại.

Tuy nhiên nếu chia nhỏ, thách thức về người dùng không chỉ dành riêng cho Facebook. WhatsApp đã mất 6 năm để tập trung tăng trưởng không chỉ doanh thu mà còn là số người dùng, độ tin cậy và bảo mật. Có thể nói, WhatsApp không thể đạt được thành công này nếu không có Facebook hậu thuẫn.

Nền kinh doanh quảng cáo mạnh mẽ của Facebook đã giúp trả các chi phí phát triển WhatsApp. Việc tách khỏi Facebook, nếu xảy ra, sẽ đặt áp lực kiếm tiền khổng lồ lên vai của nền tảng nhắn tin này.

Trong khi đó, nhiều mảng vận hành của Instagram đang dựa dẫm Facebook, bao gồm công nghệ quảng cáo và kiểm duyệt nội dung. Nếu tách khỏi Facebook, Instagram buộc phải xây dựng nền tảng quảng cáo hoàn toàn mới mà lại không có quyền truy cập các dữ liệu mục tiêu quan trọng thu thập từ hồ sơ người dùng Facebook. Điều này đe dọa quảng cáo trên Instagram trong thời "hậu chia nhỏ" sẽ kém hiệu quả.

Ứng dụng chia sẻ hình ảnh này cũng dựa rất nhiều vào công cụ kiểm duyệt nội dung tự động của Facebook để xử lý phát ngôn thù hận, nội dung khủng bố hay các bài đăng không phù hợp khác. Facebook đã chi hàng tỉ USD để phát triển và duy trì công nghệ này, nên nếu Instagram trở nên đơn độc thì rất có khả năng phải tự mình phát triển công nghệ tương tự.

Lợi hay hại cho nhà đầu tư?

Chuyên gia phân tích Dan Ives tại công ty đầu tư và dịch vụ tài chính Wedbush Securities nhận định việc chia nhỏ Facebook là một viễn cảnh đáng sợ cho các nhà đầu tư, bởi bằng cách nào đó nó có thể phá vỡ các mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, Ives cho rằng khả năng xảy ra vụ chia nhỏ này khó xảy ra. Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ khó mà thay đổi luật pháp trong thời gian ngắn.

Ngược lại, theo phân tích trên trang tin Sydney Morning Herald, việc chia nhỏ Facebook sẽ có lợi cho các nhà đầu tư. Các cổ đông sẽ vẫn hưởng lợi nếu Facebook tập trung chuyển dịch nhiều hơn theo hướng tối ưu hóa khả năng sinh lợi ngắn hạn bằng cách đánh mạnh vào lĩnh vực kỹ thuật tài chính.

Trong viễn cảnh chia nhỏ, Facebook vẫn có thể gặt hái tăng trưởng doanh thu hằng năm bởi tận dụng xu hướng dài hơi về sự phát triển quảng cáo trên nền tảng số. Các nhà đầu tư có thể góp cổ phần vào các công ty riêng lẻ bao gồm mạng xã hội Facebook hoặc Instagram hay WhatsApp mà vẫn có lợi. Mạng xã hội Facebook được đánh giá là doanh nghiệp chậm tăng trưởng như lại mang lợi nhuận cao.

Trong khi đó, Instagram và WhatsApp là các doanh nghiệp kiếm tiền không bằng mạng Facebook nhưng lại tăng trưởng nhanh hơn. Trong thời kỳ "hậu chia nhỏ", những nhà đầu tư vào 2 nền tảng này còn tránh được những lùm xùm từ phía Facebook. Thêm vào đó, thời gian gần đây, 2 công ty dường như đã biết cách khởi tạo lợi nhuận tốt hơn, với nhiều thị trường hứa hẹn.

Facebook sẽ không cần tập trung vào việc tạo ra những cách tân "thay đổi thế giới" để thu hút nhà đầu tư. Mặc dù các nền tảng nở rộ như TikTok hay Snapchat đang ngày một tăng doanh thu quảng cáo hoặc Amazon đã phát triển nền tảng quảng cáo nhiều tỉ USD nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy mạng xã hội Facebook sẽ sớm bị lu mờ.

Vì vậy, nếu một số cổ đông lo ngại các nguy cơ độc quyền và rút cổ phần khỏi Facebook thì các nhà đầu tư tập trung vào tiền bạc chắc chắn vẫn sẽ tranh thủ trở thành cổ đông của Facebook. Trường hợp đầu tư này sẽ gắn chặt với việc thu về tiền cho các cổ đông hơn là ý muốn trở thành ông lớn "thống trị thế giới".

40 bang Mỹ cùng ký đơn kiện Facebook 40 bang Mỹ cùng ký đơn kiện Facebook

TTO - Mạng xã hội lớn nhất thế giới những năm gần đây thay vì để mọi người nhớ đến với tư cách một công ty công nghệ lớn có nhiều sáng kiến đột phá thì lại trở thành tâm điểm của nhiều vụ bê bối, kiện tụng.

LÊ CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên