30/07/2021 10:06 GMT+7

Chiến lược đặt mua trước thuốc trị COVID-19

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Cách đây hơn một năm, khi vắc xin COVID-19 bắt đầu thử nghiệm, nhiều nước đã đặt hàng trước với các nhà phát triển dù khi ấy không có gì đảm bảo vắc xin sẽ thành công.

Chiến lược đặt mua trước thuốc trị COVID-19 - Ảnh 1.

Thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả có thể giúp bảo vệ bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình, giảm tải cho hệ thống y tế - Ảnh (minh họa): Reuters

Và nay, nhiều quốc gia đang tiếp tục chiến lược đặt mua trước này với các thuốc trị COVID-19 đang được phát triển.

Lợi ích thiết yếu của việc mua trước, trong trường hợp cụ thể là vắc xin COVID-19, vượt xa các tổn thất trong trường hợp vắc xin không thành công.

Ông Alex Harris của Quỹ Wellcome Trust

Các hợp đồng kín

Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-7 Liên minh châu Âu (EU) ký hợp đồng với Hãng GlaxoSmithKline (GSK) mua trước thuốc trị COVID-19 Sotrovimab thuộc nhóm kháng thể đơn dòng đang được nghiên cứu. Thuốc Sotrovimab dạng tiêm do GSK hợp tác với Tập đoàn công nghệ sinh học Vir Biotechnology (Mỹ) phát triển. Phía GSK xác nhận thỏa thuận với EU trong tuyên bố cùng ngày 28-7. 

Các kháng thể đơn dòng bắt chước các kháng thể tự nhiên trong cơ thể để chống lại mầm bệnh. Nó không tiêu diệt được virus nhưng hạn chế virus nhân lên. Thuốc Sotrovimab đã được cấp phép dùng khẩn cấp ở Mỹ để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình nhưng có nguy cơ cao chuyển nặng.

Trước đó, tháng 4-2021, EU ký hợp đồng với Công ty Roche (Thụy Sĩ) mua khoảng 55.000 liều thuốc tiêm tĩnh mạch Ronapreve, cũng thuộc nhóm kháng thể đơn dòng.

Còn một loại thuốc nữa là hỗn hợp kháng thể đơn dòng gồm Casirivimab và Imdevimab, do Roche phối hợp với đối tác Regeneron của Mỹ phát triển. Liệu pháp này cũng đã được Cơ quan An toàn thuốc và sản phẩm y tế quốc gia Pháp (ANSM) cho phép dùng tạm để điều trị người bệnh trưởng thành có nguy cơ cao chuyển nặng. 

Nhóm này gồm những người bị suy giảm khả năng miễn dịch, người có nguy cơ biến chứng hoặc người từ 70 - 80 tuổi có bệnh nền. Liệu pháp hỗn hợp kháng thể đơn dòng này từng được dùng để điều trị COVID-19 cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các hợp đồng mua trước thuốc trị COVID-19 tiềm năng có điểm chung là không công bố giá hay số lượng, hoặc cả hai. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta không có cách tham khảo giá thuốc. Chẳng hạn, hỗn hợp Casirivimab và Imdevimab được bán tại Ấn Độ với giá 800 USD một liều và gói hai liều là 1.600 USD.

Ngoài phạm vi châu Âu, ngày 9-6 Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ thông báo xác nhận Mỹ cam kết chi 1,2 tỉ USD để mua khoảng 1,7 triệu liệu trình thuốc trị COVID-19 Molnupiravir dạng uống do 2 công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, nếu thuốc được FDA Mỹ cấp phép. 

Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ hoặc vừa. Thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc có hiệu quả 100% trên các bệnh nhân COVID-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.

Lợi thế mua trước

Trở lại câu chuyện của vắc xin COVID-19 cách đây một năm, nhiều nước đã đặt mua từ rất sớm, khi vắc xin chỉ đang thử nghiệm. Ông Alex Harris, người đứng đầu bộ phận chính sách toàn cầu của Quỹ Wellcome Trust - quỹ tài trợ khoa học phi chính phủ hàng đầu thế giới, cho biết việc đặt mua trước đảm bảo quyền tiếp cận với những lô vắc xin đầu tiên cho bên mua và góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu cho bên phát triển.

Tại Anh, chính phủ đã đặt mua trước khoảng 340 triệu liều vắc xin COVID-19 của 6 công ty gồm AstraZeneca, Janssen, BioNTech/Pfizer, GSK/Sanofi Pasteur, Novavax và Valneva với số liều khác nhau. 

Anh đặt mua nhiều hơn nhu cầu thực tế để yên tâm hơn vì ở thời điểm mua trước, nước này chỉ có "niềm tin" chứ cũng không biết vắc xin nào sẽ thành công và về đích đầu tiên. Thay vì "đặt tất cả trứng vào một rổ", nước Anh đặt cược vào nhiều ứng cử viên. Chính phủ Mỹ, Canada hoặc EU cũng có chiến lược tương tự.

Các nước hiểu rằng nếu không có khoản đầu tư trả trước, các nhà sản xuất sẽ không dám mạo hiểm. Họ sẽ rất thận trọng, đợi đến khi có tất cả dữ liệu về an toàn và hiệu quả, được cơ quan quản lý chấp thuận thì mới đầu tư sản xuất. Khi đó, thời gian sẽ kéo dài 6 - 9 tháng và nguồn cung ban đầu cũng rất hạn chế trong khi nhu cầu và cả thiệt hại tăng cao do bị dồn nén quá lâu.

Cho đến nay, việc phát triển vắc xin COVID-19 xem như đã thành công. Nhưng thế giới vẫn cần đẩy mạnh phát triển thuốc điều trị để bảo vệ những người đã tiêm nhưng không hiệu quả, không thể tiêm do cơ địa và cả những người không muốn tiêm. Nhiều hãng dược trên thế giới như Pfizer, AstraZeneca đều đang nghiên cứu thuốc trị các triệu chứng sớm của COVID-19. 

Tuy nhiên, cũng như với vắc xin, phát triển thuốc là một quá trình tốn kém, lâu dài, nhiều rủi ro. Trong bối cảnh cả nhân loại sẽ cần thuốc điều trị COVID-19, hợp đồng mua trước giúp các công ty tự tin nghiên cứu, sẵn sàng đầu tư nhà máy sản xuất.

EU, Mỹ mua trước các loại thuốc trị COVID-19 đang được nghiên cứu EU, Mỹ mua trước các loại thuốc trị COVID-19 đang được nghiên cứu

TTO - Tương tự như đã mua trước các loại vắc xin COVID-19 tiềm năng được thử nghiệm trước đây, các nước phương Tây tiếp tục có chiến lược mua trước các loại thuốc trị COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên