16/06/2022 08:22 GMT+7

Chiến sự Nga - Ukraine: Nơi định đoạt số phận Donbass

H.MINH
H.MINH

TTO - Ukraine đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn vùng Donbass gồm hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk nếu thành phố Severodonetsk, chốt chặn cực kỳ quan trọng ở Lugansk, rơi vào tay quân Nga.

Chiến sự Nga - Ukraine: Nơi định đoạt số phận Donbass - Ảnh 1.

Lính Ukraine bắn lựu pháo M777, do Anh sản xuất, tại một khu vực tiền tuyến Donbass vào ngày 6-6 - Ảnh: REUTERS

Ngày 15-6, thống đốc vùng Lugansk, ông Serhiy Haidai, nói với Hãng tin AP việc di tản thường dân khỏi Severodonetsk bây giờ là bất khả thi sau khi 70% diện tích thành phố (từng có 100.000 dân, nay chỉ còn khoảng 10.000) đã do Nga kiểm soát. 

Theo ông Haidai, cả 3 cây cầu dẫn vào Severodonetsk qua sông Siverskyi Donets ở phía tây đã bị vô hiệu hóa: Nga phá hủy hai cây, còn cây thứ ba quá cũ nên không an toàn.

Trận đánh khó khăn nhất

"Thật không may là hiện giờ hoàn toàn không thể lái xe vào thành phố hay vận chuyển bất cứ thứ gì tới đây - ông Haidai nói - Sơ tán thường dân cũng không khả thi". Ông cho biết lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu dù rất khó khăn và đang giằng co với phía Nga "từng ngã tư, từng con đường, từng căn nhà, thắng thua lẫn lộn".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chiến sự đang diễn ra khốc liệt và phía Ukraine đã chịu những "tổn thất đau thương" ở Severodonetsk khi Ukraine đang "thực sự chiến đấu giành từng mét đất" với Nga. 

Thành phố Lysychansk giáp với Severodonetsk cách một con sông, vốn nằm ngay trung tâm vùng Donbass ở gần biên giới hai tỉnh Donetsk và Lugansk hiện chưa rơi vào tay Nga, nhưng đã liên tục bị pháo kích mấy ngày qua.

Cuối tuần trước, ông Zelensky còn ca ngợi những nỗ lực chiến đấu của quân Ukraine ở Severodonetsk và nói trận chiến bảo vệ thành phố chiến lược này có thể định đoạt kết quả cuộc chiến ở miền đông. 

"Severodonetsk là tâm điểm cho cuộc đụng độ ở Donbass - ông Zelensky nói - Đây là một trận đánh cực kỳ khốc liệt và khó khăn... Có lẽ là trận đánh khó khăn nhất suốt cuộc chiến này. Theo nhiều nghĩa, số phận Donbass sẽ được định đoạt ở đó".

Phía Nga đang kêu gọi các lực lượng Ukraine còn lại ở Severodonetsk hạ vũ khí. Eduard Basurin, một quan chức của lực lượng ly khai được Nga ủng hộ tại vùng Donetsk, nói ngày 14-6 rằng Severodonetsk đã bị "phong tỏa hoàn toàn" và lực lượng Ukraine "không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng". Tuy nhiên, ông Haidai bác bỏ nhận định đó và nói quân Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu.

Hai ngày trước phía Nga tiến vào được trung tâm Severodonetsk, có vẻ như trong kế hoạch điều binh hòng bao vây quân Ukraine ở cả Donbass. Ông Oleksandr Shtupun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine, nói các lực lượng Nga được pháo binh hạng nặng yểm trợ vẫn đang tiếp tục tiến sâu vào thành phố.

Kịch bản Mariupol lặp lại?

Trong một kịch bản giống đáng sợ với cuộc vây hãm thành phố cảng Mariupol kết thúc vào hôm 20-5, nhiều thường dân Ukraine ẩn náu trong nhà máy công nghiệp lớn Azot ở Severodonetsk và giờ đã mắc kẹt ở đó. "Khoảng 500 thường dân vẫn còn trong Azot, trong đó có 40 trẻ em", ông Haidai cho biết. 

Nga nói quân Ukraine sử dụng thường dân ở Azot làm lá chắn, nhưng ông Haidai phản bác trên mạng xã hội Telegram, cáo buộc đó là "sự dối trá trắng trợn của lực lượng tuyên truyền Nga".

Trước đó, ông Rodion Miroshnik, một lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng được Nga hậu thuẫn, nói ở Azot có 400 tay súng Ukraine ẩn nấp cùng thường dân trong các khu tránh bom và Nga đang thương lượng yêu cầu họ đầu hàng để thường dân di tản.

Trong khi các lực lượng Nga đã chuyển tâm điểm cuộc chiến sang miền đông Ukraine, cựu đại sứ Mỹ ở Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu (OSCE) Michael Carpenter vẫn cho rằng Tổng thống Nga Putin có tham vọng kiểm soát toàn bộ Ukraine khi trả lời phỏng vấn riêng với trang tin Mỹ The Daily Beast ngày 15-6. "Đánh giá của chúng tôi từ quan điểm của Mỹ là ông Putin chưa từ bỏ kế hoạch kiểm soát Ukraine", ông Carpenter nói.

Mới cuối tuần trước, ông Putin còn nói Nga cần "lấy lại" những đất đai mà ông tin rằng thuộc về Nga, những bình luận gây ra quan ngại là cuộc chiến sẽ còn kéo dài. "Cuộc chiến này sẽ còn rất dài - ông Carpenter nói - Vì vậy, xin nhắc lại, đó là lý do khiến Tổng thống [Joe] Biden cam kết trao vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine để họ tự vệ".

Mỹ dự kiến công bố gói hỗ trợ mới cho Ukraine

Washington dự kiến công bố gói hỗ trợ mới cho Kiev trong tuần này, nhưng khi cuộc chiến bắt đầu rơi vào thế giằng co, trong khi dân Mỹ chật vật với giá cả leo thang thì sự ủng hộ của họ đang giảm dần.

Thăm dò của ĐH Maryland được The Daily Beast dẫn lại cho biết trong khi hồi tháng 3, 65% người Mỹ được hỏi nói họ sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn để hỗ trợ Ukraine thì tới tháng 5, con số đã giảm còn 52%.

Theo ông Carpenter, Mỹ đang tìm cách lôi kéo đồng minh san sẻ bớt gánh nặng hỗ trợ cho Ukraine. Mỹ là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine, cả về quân sự và hỗ trợ khác, với tổng chi phí 45 tỉ USD, gấp ba lần toàn bộ các nước châu Âu cộng lại, theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức).

Lầu Năm Góc cập nhật các mục tiêu của Mỹ ở Ukraine Lầu Năm Góc cập nhật các mục tiêu của Mỹ ở Ukraine

TTO - "Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần cho cuộc chiến" - ông Colin Kahl, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách, phát biểu ngày 14-6, mở đầu hội nghị do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên