05/07/2018 20:08 GMT+7

Chính phủ điện tử Việt Nam còn khoảng cách xa với thế giới

Q. TRUNG
Q. TRUNG

TTO - Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng nếu chia thành 3 phần mềm: Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với công dân và Chính phủ với chính quyền các cấp thì coi như Việt Nam chưa có Chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử Việt Nam còn khoảng cách xa với thế giới - Ảnh 1.

Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp - Ảnh: Q.TRUNG

Ngày 5-7, tại Hà Nội, Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018 với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng, chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết Chính phủ đã tổ chức một đoàn cấp bộ trưởng đi tìm hiểu và học hỏi tại một số nước có trình độ phát triển chính phủ điện tử như Hàn Quốc, Estonia và một vài nước khác.

Ông Hồng thừa nhận dù đã có những điểm sáng nhất định về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, nhưng kết quả đạt được thực tế còn chưa được như mong muốn, còn cần phải có cách làm mới, có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.

Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng nếu chia Chính phủ điện tử thành ba phần mềm gồm: Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với công dân và Chính phủ với chính quyền các cấp thì coi như Việt Nam chưa có Chính phủ điện tử.

Công cuộc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới.

Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Lê Doãn Hợp

"Tôi nghĩ áp dụng Chính phủ điện tử tốt nhất thế giới hiện nay là Israel. Ở Israel có ba không: không giấy tờ, không bảo vệ (đi vào các cơ quan nhà nước đều bằng dấu vân tay) và không có đơn từ khiếu nại" - ông Hợp nêu ví dụ. 

Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông chia sẻ nếu Chính phủ chịu khó ứng dụng công nghệ thông tin, đó là "con đường tốt nhất để chống tham nhũng, giải quyết công việc cho dân nhanh nhất, nhiều nhất và tốt nhất".

Ông Hợp cũng nêu ví dụ ở Trung Quốc có cơ quan theo dõi các giao dịch tiền điện tử và đây cũng là một cách để phòng chống tham nhũng tốt.

"Phải hiểu rằng ứng dụng công nghệ thông tin là để cho Chính phủ tốt hơn, công dân được nhờ nhiều hơn và để cho công chức chúng ta làm việc hiệu quả và được giám sát tốt hơn" - ông Hợp nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích công Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), cũng chỉ ra một số bất cập của Chính phủ điện tử hiện nay.

Bà Huyền kể khi UNDP gửi thư mời ủy ban nhân dân các tỉnh thành dự một hội nghị căn cứ theo địa chỉ email được ghi trên cổng thông tin của các tỉnh thành này thì 1/3 email được trả lại ngay lập tức vì lỗi gửi sai địa chỉ, 1/3 được gửi trả lại vì lỗi kỹ thuật 2 ngày sau đó và 1/3 không được phản hồi.

Cần cách tiếp cận công bằng hơn giữa người dân và chính quyền

Cũng tại hội thảo, khi thảo luận về việc công dân tiếp cận các dữ liệu mở từ chính quyền, bà Đỗ Thị Thanh Huyền nêu vấn đề người dân tốn kém rất nhiều khi tiếp cận thông tin từ chính quyền, nhưng ngược lại chính quyền lại đề xuất bán dữ liệu công dân với giá rẻ mạt.

Bà Huyền đề xuất các giải pháp mang lại sự công bằng trong cách tiếp cận thông tin giữa người dân và chính quyền.

Giải thích thêm với Tuổi Trẻ Online về các chi phí tiếp cận thông tin từ chính quyền của người dân, bà Huyền cho biết các chi phí này chính là công sức, thời gian và chi phí xã hội như chi tiền lót tay, đi cửa sau hoặc nhờ các kênh thân quen...

Việt Nam xếp thứ 89 về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam xếp thứ 89 về phát triển Chính phủ điện tử

TTO - Theo Báo cáo Liên Hợp Quốc, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, đứng thứ 6 trong ASEAN. 

Q. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên