04/09/2018 10:32 GMT+7

'Chính quyền điện tử' để phục vụ người dân

TRƯỜNG TRUNG thực hiện
TRƯỜNG TRUNG thực hiện

TTO - Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội tin học Việt Nam vừa công bố Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2018. TP Đà Nẵng lại tiếp tục xếp hạng nhất.


Chính quyền điện tử để phục vụ người dân - Ảnh 1.

Giao dịch trực tuyến đã được triển khai rộng trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ công tại Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.

"Đây là lần thứ 10 liên tiếp thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng này. Tuy nhiên chúng ta không thể tự mãn, thành tích này chính là thách thức để Đà Nẵng làm tốt hơn, hoàn thiện mình để hướng tới chính quyền điện tử đúng như tên gọi" - ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng nói.

* Thưa ông, thành phố duy trì được vị trí đứng đầu suốt một thời gian dài. Ông đánh giá như thế nào về dấu mốc 10 năm liên tiếp này?

Để thấy được bức tranh toàn cảnh, chúng ta có thể tìm hiểu chỉ số này được đánh giá qua 3 bộ tiêu chí trụ cột là chỉ số hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng nhân lực và dịch vụ công trực tuyến. Nhìn vào một số tiêu chí, có thể nói 10 năm qua thành phố liên tục củng cố và xây chắc ngôi vị đầu bảng.

Cụ thể trong một số tiêu chí ở chỉ số hạ tầng kỹ thuật như tỷ lệ máy tính, tỷ lệ băng thông, triển khai các giải pháp an toàn thông tin…

Đà Nẵng đạt 0,93/1 điểm, tạo khoảng cách khá xa so với địa phương đứng ở vị trí thứ 2. Đặc biệt, Đà Nẵng đạt điểm tuyệt đối về chỉ số hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước với 100% cơ quan kết nối với mạng WAN của thành phố hoặc mạng chuyên dùng của Chính phủ.

Về hạ tầng nhân lực, sau 2 năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước, năm nay Đà Nẵng vươn lên vị trí đầu bảng. Ở chỉ số thành phần ứng dụng CNTT, Đà Nẵng cũng tiếp tục dẫn đầu.

Có thể nói việc thành phố 10 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số Vietnam ICT Index (trong 14 năm đánh giá) chứng tỏ ứng dụng CNTT tại Đà Nẵng đi vào chiều sâu, thực chất, có sự cập nhật, cải tiến liên tục.

Trong đó, vai trò tầm nhìn của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ là rất quan trọng khi tiếp cận sớm trong việc xây dựng mô phỏng một hệ thống chính quyền điện tử để tổ chức và công dân tiếp cận nền hành chính mới. Môi trường chính quyền điện tử hướng tới sự công khai minh bạch, đặc biệt cho phép sự sáng tạo, đóng góp từ thành phần trong cơ quan nhà nước lẫn công dân.

* Thành phố có sự chuẩn bị gì để tiếp tục dẫn đầu ngôi vị này trong bối cảnh thay đổi nhanh và cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này?

Phải nói một những nội dung mà Đà Nẵng có thể tự tin rằng mình sẽ tiếp tục duy trì được thứ hạng cao là nhờ vào các chương trình "chính quyền điện tử", "thành phố thông minh"… được tổ chức bài bản, có lộ trình cụ thể.

Khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã tính toán hết cả các lộ trình và bây giờ vẫn đang trên đường cải cách thực hiện. Chương trình "chính quyền điện tử" lúc mới bắt đầu năm 2010, chúng ta tập trung vào việc mô hình hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Một thế mạnh nữa là Đà Nẵng đã xây dựng được trong khối Nhà nước lực lượng nhân lực CNTT có chất lượng. Bởi chính đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT là những người trực tiếp vận hành và phát triển hệ thống tương tác chính quyền điện tử, đồng thời là lực lượng tham mưu, định hướng để Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh.

* Như ông nói, chương trình "chính quyền điện tử", các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn dư địa để phát triển. Chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng ứng?

Còn rất nhiều tiêu chí mà Đà Nẵng phải nhìn lại mình. Trong đó điển hình như việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến. Trong năm qua chúng tôi tập trung nâng cao số lượng dịch vụ này, tuy nhiên số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia vẫn chưa thực sự như ý muốn.

Dù số lượng các dịch vụ công được đưa lên mạng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ người tham gia dịch vụ công trực tuyến cũng mới ở mức 50% và dư địa còn lại là nhiều vô cùng để chúng ta nỗ lực hơn nữa.

Quá trình này không phải riêng chính quyền làm được mà đòi hỏi thành phố cũng phải có những "công dân điện tử" đủ năng lực tiếp cận các dịch vụ hành chính môi trường mạng.

Bản thân nền hành chính điện tử cũng phải thay đổi liên tục hướng tới việc giải quyết hồ sơ thủ tục nhanh hơn, chuẩn xác hơn, công khai minh bạch hơn… Có những hồ sơ được nộp trên mạng nhưng lại xử lý theo phương pháp truyền thống.

Dù chúng ta có môi trường, có hạ tầng nhưng một số sở cũng ít tham gia dịch vụ công trực tuyến. Điều này phải quyết tâm cải thiện để hướng đến sự đồng bộ, tận dụng hết lợi thế của thành phố.

Trụ cột làm nên thành công của Đà Nẵng

1-9 ong nguyen quang thanh - anh truong trung (1)

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, việc Đà Nẵng giữ vị trí đầu bảng Vietnam ICT Index trong suốt 10 năm qua đến từ 4 trụ cột. Đó là tầm nhìn của lãnh đạo; sự liên kết giữa các sở, ngành; chất lượng nguồn nhân lực và tính bền vững, lâu dài trong mỗi chương trình ban hành.

Theo ông Thanh, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 (2 mức độ cao nhất), hướng đến năm 2019 sẽ có 100% thủ tục được triển khai ở mức độ này. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu mở về an toàn thực phẩm, doanh nghiệp, đất đai để cung cấp thông tin.

TRƯỜNG TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên