17/10/2020 11:53 GMT+7

Chính sách kinh tế trong bầu cử Mỹ: Tuy hai mà một

NGUYỄN VŨ
NGUYỄN VŨ

TTO - Dù ai đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2025, người đó cũng sẽ phải đối phó muôn ngàn ngổn ngang do COVID-19 để lại.

Chính sách kinh tế trong bầu cử Mỹ: Tuy hai mà một - Ảnh 1.

Ảnh: The New York Times

Tờ MarketWatch đưa tin một số người Mỹ giàu có đang có những động thái chuẩn bị phòng ngừa ông Joe Biden lên làm tổng thống. 

Nhà sáng lập một công ty công nghệ trước đây dự tính bán hết cổ phần trong vòng ba năm nay quyết định bán luôn một lần vào tháng 10 này, bởi bán ngay bây giờ ông ta sẽ chỉ chịu thuế lãi vốn (capital gain tax) ở mức 23,8%. 

Giả thử ông Biden thắng cử rồi Đảng Dân chủ nắm luôn Thượng viện Mỹ, sắc thuế này ắt có thể tăng lên 39,6%. Bán ngay bây giờ số cổ phiếu trị giá 6 triệu đôla, ông ta tiết kiệm được chừng 320.000 đôla tiền thuế.

Nhà giàu chuẩn bị

Chính sách kinh tế của ứng cử viên Biden tập trung vào tăng thuế, đặc biệt là thuế đánh lên người giàu, sao cho 1% những người giàu nhất sẽ chịu đến 80% gánh nặng tăng thuế mới. 

Chưa đến mức cực đoan như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay Elizabeth Warren, hai ứng cử viên đã rút lui nhưng từng đề xuất đánh một sắc thuế mới dựa trên tổng tài sản, ông Biden cũng muốn tăng mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên 39,6%.

Ngược lại, trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump dùng cắt giảm thuế như một vũ khí thu hút phiếu bầu. Thuế thu nhập cá nhân đã được cắt giảm, mức thấp nhất hiện nay là 10% và mức cao nhất là 37%, kéo dài đến năm 2025, sau đó mức cao nhất sẽ quay về 39,6% như trước. 

Lần này, ông Trump hứa hẹn sẽ giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình nhưng chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Ông cũng tuyên bố giảm thuế lãi vốn tối đa còn 15%. Điều làm một số người Mỹ lo ngại là ông Biden hứa hẹn sẽ đảo ngược việc giảm thuế của ông Trump và đề xuất một số sắc thuế mới nếu đắc cử.

Nhìn chung, báo chí Mỹ đánh giá chính sách kinh tế của ông Trump đã có tác dụng rõ rệt cho đến khi đại dịch COVID-19 làm xáo trộn tất cả. Việc cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% xuống còn 21% cộng với nới lỏng nhiều quy định đã làm thị trường chứng khoán tăng mạnh, thất nghiệp giảm, lương công nhân có cải thiện. 

Tờ Wall Street Journal nhận định khoảng cách giàu nghèo thu hẹp do thu nhập của nhóm nghèo nhất, kể cả những người gốc Mỹ Latin, người da đen - vốn là nhóm phản đối ông Trump dữ nhất - tăng đáng kể.

Cụ thể, báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết tài sản ròng của nhóm nghèo nhất tăng 32,5% trong giai đoạn 2016-2019, trong khi các nhóm giàu nhất hầu như không tăng. 

Tài sản ròng của người da đen tăng 31,2%, người gốc Mỹ Latin tăng 63,6%, còn người da trắng chỉ tăng 4%. Theo The Economist, lương của nhóm công nhân nghèo nhất tăng 4,7% mỗi năm, mức nhanh nhất kể từ năm 2008.

Nói cách khác, có thể tóm tắt đường lối kinh tế của ông Trump là thúc đẩy tăng trưởng sản xuất trong nước và ưu tiên cho nước Mỹ khi quan hệ với nước ngoài, từ đó nâng cao mức sống của người dân Mỹ nói chung. 

Trong khi đó, chính sách kinh tế của ông Biden đòi hỏi một chính phủ mở rộng hơn, có vai trò can thiệp mạnh hơn trước tiên, để giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập và thúc đẩy đầu tư vào con người, hạ tầng và môi trường. 

Chương trình nghị sự của ông Biden dựa vào thực tế tài sản bình quân của một gia đình trong nhóm 1% giàu nhất cao gấp 1.250 lần so với tài sản một gia đình trong nhóm 50% người nghèo. Chính sách của ông dựa trên suy nghĩ cân đối nguồn lực giữa bên giàu và bên nghèo sẽ nâng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Không quá khác biệt

Thật ra, theo The Economist và cả New York Times, chính sách kinh tế của ông Biden không đi theo con đường cánh tả của nhiều nhân vật trong Đảng Dân chủ, tức chuyển hướng từ tự do hóa thương mại sang bảo hộ mậu dịch có điều kiện. 

Ông Biden cũng hứa hẹn một chiến lược kinh tế nhằm "tái thiết năng lực sản xuất trong nước", phục hồi các chuỗi cung ứng từ linh kiện bán dẫn đến dược phẩm để khỏi phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. 

Sau này, ông còn bổ sung kế hoạch đánh thuế mang tính trừng phạt hòng làm nản lòng công ty nào muốn di dời cơ sở sản xuất sang nước khác và tặng tín dụng thuế cho công ty nào chuyển cơ sở sản xuất từ nước ngoài về lại Mỹ. Toàn là những đề xuất nghe như từ miệng ông Trump nói ra.

Như thế, dù sao cũng phải thừa nhận nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump đã buộc chính trường Mỹ suy tính lại nhiều chiến lược phát triển kinh tế, trong đó quan trọng nhất là nhận thức toàn cầu hóa đã bỏ lại đằng sau rất nhiều người Mỹ, phá hủy nhiều cộng đồng, làm hoen rỉ năng lực sản xuất của nước Mỹ. 

Cho dù ai thắng cử vào tháng 11 sắp tới, chính sách kinh tế nhìn chung phải nhắm tới mục tiêu bảo vệ việc làm cho dân Mỹ, không khuyến khích các chủ doanh nghiệp đi theo con đường "outsourcing" nhằm tận dụng giá nhân công rẻ ở nước ngoài và phục hồi một số ngành quan trọng mà Mỹ đã đánh mất như dược phẩm. 

Mô hình "thế giới phẳng" ràng buộc các nước với nhau qua thương mại và đầu tư mà các tổng thống Mỹ từ thời Ronald Reagan đến Barack Obama theo đuổi nay đang bị xét lại quyết liệt.

Cái khác của đường lối kinh tế Biden chỉ là mức độ thực thi, ví dụ áp thuế trừng phạt mang tính bảo hộ sản xuất trong nước sẽ vừa phải, có chừng mực, có lý do hơn là cách của ông Trump - vốn bất ngờ, khó dự báo trước. 

Giáo sư kinh tế Kimberly Clausing tại Đại học Reed nói với tờ New York Times: "Với ông Biden, tôi trông chờ một hình thức bảo hộ sáng suốt hơn, có mục tiêu hơn". Cái khó là doanh nghiệp Mỹ, đã quen "outsourcing", khó lòng quay về sản xuất trong nước ngay. 

Theo một khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, bất kể thương chiến Mỹ - Trung và các loại thuế trừng phạt, đến 79% doanh nghiệp được hỏi nói họ vẫn không thay đổi kế hoạch kinh doanh dài hạn và chỉ 4% nói sẽ cân nhắc chuyện quay về Mỹ sản xuất.

Điều chắc chắn là Trung Quốc vẫn nằm trong tầm ngắm dù ai lên làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Ở góc độ này, ông Trump có vai trò lớn trong việc cảnh tỉnh người Mỹ về nguy cơ Trung Quốc cũng như xác quyết lập trường cứng rắn không chút nhân nhượng. 

Thật ra với Trung Quốc, mục tiêu của Mỹ không phải là đưa công ăn việc làm trở về Mỹ mà đúng hơn là các cân nhắc lợi ích quốc gia, trong đó cuộc chiến công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chiếm vị trí quan trọng. 

Những hình thức như áp thuế nhập khẩu hay trừng phạt các công ty công nghệ có thể thay đổi, nhưng mục tiêu sau cùng của Chính phủ Mỹ dù dưới quyền ông Trump hay ông Biden đều là ngăn chặn Trung Quốc, không để nước này vươn lên dẫn đầu về công nghệ - nhất là trong lĩnh vực viễn thông. 

Cái khác là ông Trump thường hành động đơn phương và khó đoán, còn ông Biden có thể thành lập một liên minh các nước nhằm tạo áp lực lên Trung Quốc và tỏ ra bài bản hơn.

Những năm sắp tới

Người chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới sẽ thừa hưởng một nền kinh tế bị COVID-19 tàn phá nặng nề, hàng triệu người thất nghiệp, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nợ công lên đến 106% GDP. 

Vì thế, việc đầu tiên của tổng thống nhiệm kỳ mới phải là giải quyết hậu quả COVID-19. Ông Biden chủ trương trả lương cho công nhân, kể cả người lao động tự do, một khi họ mắc bệnh, với mức tối đa là 1.400 đôla mỗi tuần. 

Ông cũng tuyên bố sẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do COVID-19 vay không lãi. Trọng tâm kích thích kinh tế của ông là rót tiền vào nâng cấp hạ tầng cơ sở đã quá cũ kỹ (tuổi bình quân các cây cầu ở Mỹ là 43 năm).

Tuy nhiên, ông có vẻ lưỡng lự về chuyện tiếp tục trợ cấp cho người dân. Riêng ông Trump thúc giục Quốc hội Mỹ tiếp tục trao ngân phiếu trợ cấp cho dân, ủng hộ thêm một ngân sách 1.500 tỉ đôla giải cứu kinh tế.

Nếu thắng cử, ông Trump sẽ tiếp tục các chính sách từng đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên như hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh và mạnh, vì đây chính là nơi tạo ra việc làm, tài sản và các cải tiến công nghệ mà nước Mỹ đang cần. 

Ông Biden thì lại chủ trương chi tiêu trực tiếp cho y tế, giáo dục, nhà ở, nâng lương tối thiểu lên 15 đôla/giờ.

Một vấn đề quan trọng là chính sách đối phó với biến đổi khí hậu. Ông Biden tuyên bố sẽ triển khai kế hoạch trị giá 2.000 tỉ đôla nhằm đầu tư vào năng lượng sạch để chống lại biến đổi khí hậu. 

Ông cũng cho biết muốn nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định khí hậu Paris mà ông Trump đã rút ra từ năm 2017. Với ông Trump, biến đổi khí hậu là "chuyện nhỏ", chỉ do các nhà khoa học thổi phồng mà thôi. 

Chẳng hạn với các vụ cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ, trong khi ông Biden thừa nhận vai trò của biến đổi khí hậu, ông Trump cho là do quản lý rừng yếu kém. 

Trong nhiệm kỳ vừa rồi, ông đã xóa bỏ gần 100 quy định liên quan đến bảo vệ môi trường như không còn yêu cầu các công ty dầu khí báo cáo mức phát thải khí metan, dỡ bỏ lệnh cấm khoan dầu ở vùng bảo vệ thú hoang Bắc Cực, giảm bớt yêu cầu sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn với ôtô… 

Có thể mất cả tháng mới biết kết quả bầu cử Mỹ? Có thể mất cả tháng mới biết kết quả bầu cử Mỹ?

TTO - Nỗi lo gian lận một lần nữa dấy lên khi một hạt lớn ở bang Ohio gởi hàng chục ngàn phiếu bầu tới sai địa chỉ. Tỉ lệ người bỏ phiếu năm nay có thể tăng kỷ lục nhưng có bao nhiêu lá phiếu được đếm lại là chuyện khác.

NGUYỄN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên