17/11/2021 09:19 GMT+7

Chính trị thế giới qua cuộc gặp Mỹ - Trung: Sự 'thay vai' rõ rệt và lâu dài

NGUYỄN TÂM CHIẾN  (cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ)
NGUYỄN TÂM CHIẾN (cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ)

TTO - Thế giới vừa chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, vì đây là cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung sau mấy năm quan hệ giữa hai nước lớn rất căng thẳng.

Chính trị thế giới qua cuộc gặp Mỹ - Trung: Sự thay vai rõ rệt và lâu dài - Ảnh 1.

Dữ liệu: BÌNH AN tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Tình hình quốc tế vẫn chịu tác động lớn của quan hệ giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Sự kiện này phản ánh thực chất của quan hệ quốc tế trong điều kiện mới. Đó là thế giới đang ở thời kỳ đa trung tâm khi sự tùy thuộc nhau đã ở mức cao và đã trở thành nhân tố duy trì xu thế đối thoại để cùng phát triển và tránh xung đột quân sự trực tiếp.

Khó có thể nói đến các kết quả đột phá ở cuộc gặp này, khi mối quan hệ đó đã chuyển lên một "đường ray" cạnh tranh toàn diện và phức tạp. Song ít nhất nó mang lại tín hiệu xây dựng cho cục diện thế giới, trước hết trong nền chính trị các nước lớn, khi các cường quốc dù là mạnh nhất nhì cũng đang nhận thức lại về sức mạnh và sử dụng ưu thế của mình trong điều kiện hiện nay.

Các nước lớn không thể làm mọi việc một cách đơn phương mà bất chấp lợi ích của nước khác, kể cả các nước nhỏ và vừa. Các nước thời nay cùng tồn tại trong một thế giới mạng, tác động và ảnh hưởng qua lại nhau chứ không thể gây sức ép một chiều.

Cho đến cuộc gặp này, nước Mỹ đã điều chỉnh chính sách một cách thực tế hơn khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương "hợp tác khi nào có thể, cạnh tranh về những vấn đề chính yếu và đối đầu khi buộc phải".

Tức là về hình thức, cuộc ganh đua chiến lược giữa hai nước được phía Mỹ cân đong cẩn trọng hơn so với phương cách tổng hợp thời ông Obama/Clinton hay khá cực đoan như của ông Trump. Nhưng biên giới giữa các trạng thái đó là không dễ phân chia, khi thực chất phía Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu và lâu dài. Bản thân việc dàn xếp gặp trực tuyến thôi đã phản ánh quan hệ Mỹ - Trung sẽ không dễ thuận buồm.

Nhìn từ phía Trung Quốc, dù vẫn tỏ ra tự tin về vị thế mới của mình, nhất là từ năm 2010 khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục thực hiện một chính sách ngoại giao "ngang hàng" với Mỹ, song Trung Quốc cũng phải thực tế hơn sau các năm căng thẳng vì sự cạnh tranh bất chấp đối thoại với Mỹ khi cả hai bên đều thấy có hại về cả đối nội và đối ngoại.

Tuy Trung Quốc cũng muốn tạo thế "cùng thắng" trên các lĩnh vực, nhưng thời gian sẽ là câu trả lời. Và để bảo đảm các lợi ích về kinh tế, chính trị và ngoại giao, về tập hợp lực lượng, về duy trì môi trường thuận lợi cho Trung Quốc sắp tổ chức Đại hội XX hướng tới mục tiêu một trăm năm tiếp theo, đến 2049..., Trung Quốc cũng phải tìm cách điều chỉnh cần thiết về đối ngoại, trước hết trong quan hệ với Mỹ.

Chính trị giữa các nước lớn giờ đây đã diễn ra sự thay vai rõ rệt và lâu dài, thay vì Mỹ - Xô trước đây thì nay là Mỹ - Trung, tác động lớn và phức tạp nhất đối với môi trường quốc tế nói chung, đặc biệt ở châu Á - Thái Bình Dương và các tiểu khu vực tại đây.

Đối với các nước nhỏ hơn và việc giải quyết những tranh chấp tại Đông Bắc Á, vấn đề Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông, Mekong, mối quan hệ trong Cộng đồng ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước lớn... càng cần phải quan sát và tính toán kỹ càng về chính sách trong bối cảnh chung của những điều chỉnh dù nhỏ hay lớn của cuộc cạnh tranh/thỏa hiệp giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.

Thấy gì từ thượng đỉnh Mỹ - Trung? Thấy gì từ thượng đỉnh Mỹ - Trung?

TTO - Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra đầu tuần tới, khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có những động thái cải thiện lặng lẽ gần đây.

NGUYỄN TÂM CHIẾN (cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên