12/10/2021 19:13 GMT+7

Chủ tịch nước: Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách lên 23%, TP.HCM sẽ có nguồn lực phục hồi

TIẾN LONG - THẢO LÊ
TIẾN LONG - THẢO LÊ

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại biểu Quốc hội đề xuất Quốc hội sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM lên 23% ngay năm 2022 để TP có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước.

Chủ tịch nước: Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách lên 23%, TP.HCM sẽ có nguồn lực phục hồi - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP.HCM - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP

Chiều 12-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP.HCM.

Lấy lại đà tăng trưởng, sức bật cho TP.HCM

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế TP.HCM từ nay đến cuối năm 2025 nhằm giúp TP lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.

Theo Chủ tịch nước, đây là vấn đề cấp bách và căn cơ nên TP phải khẩn trương từ đây đến cuối năm, nghiên cứu các giải pháp để có đề án khoa học, thực tế, hiệu quả tái cấu trúc kinh tế TP.

Trong các nội dung gợi ý, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 23% ngay năm 2022 để TP có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước.

Mặt khác, Chủ tịch nước cho rằng TP.HCM là địa phương có thời gian giãn cách kiểm soát dịch bệnh lâu nhất và chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất của đại dịch, do vậy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP phải cao hơn mức trung bình cả nước. Đặc biệt đối với các đối tượng được miễn, giảm thuế; giảm nợ, khoanh nợ; giảm lãi suất vay các gói tín dụng ưu đãi…

TP.HCM phải sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quy hoạch cơ chế phát triển hạ tầng. Nếu không có trung tâm tài chính đặt tại thành phố thì có thể nói mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa phù hợp.

CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC

Có nghị quyết đặc thù mới mở rộng phân cấp, phân quyền

Chủ tịch nước: Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách lên 23%, TP.HCM sẽ có nguồn lực phục hồi - Ảnh 3.

Việc sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách sẽ giúp TP.HCM có thêm nguồn lực thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ tịch nước cũng đề nghị TP nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị chính quyền các cấp thông qua mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Triển khai mô hình chính quyền đô thị ở những nội dung phân cấp, phân quyền, sắp xếp bộ máy và chính sách đãi ngộ cán bộ cụ thể.

Theo Chủ tịch nước, một xã bình thường chỉ có 5.000 - 7.000 dân, trong khi TP có những xã, phường có 80.000 - 100.000 dân.

Ông đề nghị TP.HCM tổng kết việc thực hiện nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM.

Từ đó đề nghị Quốc hội có nghị quyết mới mở rộng phân cấp, phân quyền mang tính hệ thống, phù hợp với quy mô và vai trò TP trên các lĩnh vực quản lý nhà nước như quy hoạch, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy hành chính.

TP cũng cần nghiên cứu phối hợp giữa TP và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt ba địa phương Long An, Bình Dương, Đồng Nai để có liên kết vùng rõ hơn.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định để bạn bè quốc tế yên tâm về một TP năng động, phát triển, nghĩa tình.

"Việc tái cấu trúc, tái phát triển, tái kiến thiết là nhiệm vụ trọng tâm của TP, trong đó có việc phát triển hạ tầng, làm nhanh đường vành đai để kết nối với các trung tâm xung quanh. Muốn làm được việc này TP phải đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để lấy tiền. Cùng với đó phát triển một số TP vệ tinh, bên cạnh triển khai TP Thủ Đức...", Chủ tịch nước nói.

Trước đó, báo cáo tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết do dịch bệnh, thu ngân sách giảm mạnh, trong khi nhu cầu kinh phí phục vụ phòng chống dịch tạo áp lực lớn.

Do đó, TP phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước. TP cũng có một số giải pháp như điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nguồn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; cắt giảm kinh phí một số nội dung; đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ.

Để tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách TP giai đoạn 2022-2025.

5 5 'liều thuốc tinh thần' cho doanh nghiệp Việt nhanh chóng hồi phục sau dịch

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khó khăn, tai ương, gian nan của đại dịch COVID-19 sẽ rèn luyện tinh thần cho các doanh nhân vượt qua trở ngại, tiến lên phía trước.

TIẾN LONG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên